Dạy tiếng Việt cho kiều bào

14/01/2020 04:23 GMT+7

Trong buổi gặp gỡ giữa kiều bào với lãnh đạo TP.HCM hôm 13.1, bà Ngô Phẩm Trân (kiều bào Đài Loan) cho biết nơi đây đang thiếu giáo viên dạy tiếng Việt trầm trọng.

Bà Trân thông tin có hơn 1.000 cô dâu Việt và hơn 2.000 con em là thế hệ thứ 2 đang sinh sống ở Đài Loan. Từ năm 2019, tiếng Việt được Đài Loan áp dụng thử nghiệm vào chương trình lớp 1 và từ 2020 được áp dụng cho lớp 1 và lớp 2. Ngoài ra, tiếng Việt cũng được chọn là ngôn ngữ để cho học sinh, sinh viên chương trình phổ thông và đại học lựa chọn.
Ông Hồ Văn Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái Lan - Việt Nam cũng chia sẻ, mong muốn có sự quan tâm và phát triển hơn nữa phong trào học tiếng Việt cho con em kiều bào; các chương trình trao đổi văn hóa và văn học nghệ thuật giữa các TP và bà con kiều bào, nhất là các ngày lễ quan trọng của đất nước cần được tổ chức thường xuyên hơn để kiều bào nhớ về quê hương. Hơn 4,5 triệu kiều bào sinh sống ở hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ là một phần máu thịt không thể tách rời của nước Việt Nam. Từ năm 1993 đến nay, lượng kiều hối tích lũy đạt khoảng 160 tỉ USD, là nguồn lực quan trọng để cân bằng cán cân thanh toán quốc gia; nguồn vốn góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương. Kiều bào còn là những “đại sứ” truyền bá nét đẹp văn hóa, con người Việt Nam khắp thế giới. Dù đi đến bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ nào, chỉ cần nghe thấy giọng nói, chữ viết của người Việt, cũng khiến người xa xứ cảm thấy ấm áp, thân thương.
Trong buổi gặp gỡ giữa kiều bào với lãnh đạo TP.HCM, nhiều kiều bào đã chia sẻ rằng, được gặp gỡ, trò chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ ở phương xa là cảm giác khó có thể diễn tả bằng lời. “Tiếng Việt còn, nước ta còn”. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, người Việt có điều kiện vươn ra thế giới để đầu tư, học tập, mưu sinh ngày càng nhiều thì câu nói ấy vẫn còn nguyên giá trị. Tiếng mẹ đẻ thể hiện sự thiêng liêng của quốc gia, dân tộc và không ai muốn đánh mất đi giá trị đó với bất kỳ giá nào. Dù cuộc sống có cuốn người Việt ở nước ngoài vào cuộc mưu sinh, có bộn bề hoặc hòa mình vào những nét văn hóa mới thì tiếng Việt luôn nhắc nhớ chúng ta một điều không được phép quên rằng ta là con dân nước Việt.
Cộng đồng người Việt ở nước ngoài càng lớn mạnh càng thể hiện ý chí không ngại gian khó, không ngại vất vả và luôn hướng ra thế giới để chiếm lĩnh tri thức của nhân loại, làm giàu cho quê hương, đất nước. Sợi dây gắn kết cộng đồng - ngoài sự tương trợ, giúp đỡ nhau mỗi khi khó khăn - thì còn có cả việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, mà cụ thể là giọng nói, chữ viết. Để các thế hệ tương lai về thăm đất mẹ, có thể chào hỏi người thân bằng tiếng Việt thì vấn đề gìn giữ, dạy tiếng Việt cho kiều bào phải được thực hiện ngay từ hôm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.