Dạy trực tuyến cần chút hài hước để SV tỉnh ngủ

20/04/2020 09:05 GMT+7

Luôn vui vẻ, hài hước, thiết kế bài giảng cũng như cách thức tương tác linh hoạt... là những kỹ năng mà nhiều giảng viên đang hướng tới để thu hút SV trong các tiết dạy trực tuyến.

Qua hơn một tháng giảng dạy trực tuyến, tiến sĩ Nguyễn Văn Thụy, Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết: “Mỗi buổi dạy, tôi thường bắt đầu sớm trước khoảng 15 phút để SV ổn định. Trong thời gian này, tôi thường cho SV thực hiện chương trình âm nhạc theo yêu cầu để giải trí và tạo cảm hứng cho buổi học. Khi vào tiết học, thay vì thảo luận nhóm như khi giảng trực tiếp trên lớp, tôi tập trung khai thác các ý kiến cá nhân của từng SV về các tình huống trong thực tiễn. Ngoài ra, tôi cố gắng cung cấp càng nhiều tài liệu cho SV về môn học càng tốt và có những bài kiểm tra nhỏ để đánh giá sự theo dõi của SV”.
Theo tiến sĩ Thụy, trong quá trình dạy, giảng viên cần kiểm soát SV có liên tục theo dõi bài giảng hay không. Đây cũng là vấn đề khá “nan giải” trong hình thức đào tạo này. Tiến sĩ Thụy luôn yêu cầu SV phải bật camera, liên tục tương tác thông qua các câu hỏi và yêu cầu SV trả lời.
Để SV không buồn ngủ và có cảm hứng ngồi học suốt 3 - 4 giờ liên tục, tiến sĩ Thụy tìm kiếm rất nhiều tình huống video trên YouTube và các phương tiện khác để đan xen vào bài giảng, tạo sự sống động, giảm sự nhàm chán.
“Đặc biệt, trong giảng dạy trực tuyến, giảng viên cần pha thêm chút hài hước để thay đổi tâm lý của người học. Tiếng cười sẽ giúp SV “tỉnh ngủ” và có thêm cảm hứng theo dõi tiết học. Và nếu được, hãy lưu lại bài giảng của mình, gửi lên hệ thống quản lý học trực tuyến của lớp để SV có thể xem lại”, tiến sĩ Thụy cho biết.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thoa, Trưởng khoa Chính trị - Luật, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho hay giảng viên sẽ tăng cường giảng dạy tương tác với SV qua mô hình “lớp học đảo ngược”, nghĩa là SV sẽ phải tự làm việc với nội dung bài trước, bằng việc đọc tài liệu, tóm tắt tài liệu, nghe giảng thông qua các phương tiện hỗ trợ như băng hình, trình chiếu PowperPoint, và khai thác tài liệu trên mạng. Toàn bộ thời gian trên lớp sẽ dành cho các hoạt động giải bài tập, ứng dụng lý thuyết bài giảng vào giải quyết vấn đề, thảo luận nhóm để xây dựng hiểu biết dưới sự hướng dẫn của giảng viên.
“Thay vì thuyết giảng, trong lớp học, dạy học trực tuyến theo phương pháp lớp học đảo ngược, giảng viên đóng vai trò là người điều tiết hỗ trợ, có thể giúp SV giải quyết những điểm khó hiểu trong bài học mới. Nếu sử dụng phương pháp thuyết giảng thì giảng viên tăng cường trao đổi thông qua hệ thống các câu hỏi để tương tác với SV”, tiến sĩ Thoa chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.