Đề án 112: Tiêu tiền của dân sao dễ thế?

12/05/2007 00:06 GMT+7

Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, từ năm 2000 đến tháng 9/2003, 3.730 tỉ đồng đã được tiêu cho Đề án 112 nhưng tất cả các mục tiêu ban đầu đều không đạt được. PGS.TS Trần Đình Thiên, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá đây là điển hình của kiểu "làm dự án vì bản thân của dự án, đầu tư để mà đầu tư" hoàn toàn không được luận chứng đầy đủ, một sự lãng phí nghiêm trọng.

Ông Trần Đình Thiên nói: "Khi quyết định đầu tư thì một điều không thể không tính tới là hiệu quả đồng vốn, nếu xét về khía cạnh này thì đề án đã thất bại thêm 2 lần". "Chính phủ điện tử để làm gì nếu như không phải để cho dân tiếp cận nhiều hơn với thông tin của Chính phủ? Chính phủ điện tử là để cho dân, nhưng những người làm đề án đã nghĩ đến chuyện ấy chưa? Tôi tin chắc là chưa, người ta chỉ tập trung mua máy, đầu tư trang thiết bị (và ai cũng biết có đầu tư mua sắm sẽ có tiền hoa hồng) mà không cần quan tâm ai sẽ cung cấp thông tin, loại thông tin gì, đã công khai minh bạch chưa?", ông Thiên phân tích.

"Nếu như đề án này làm cho dân mở mày mở mặt, làm cho Chính phủ gần dân hơn, nghe dân được nhiều hơn, quyết sách đưa ra sáng suốt hơn thì tôi cho là 4.000 tỉ vẫn còn là rẻ", ông Trần Đình Thiên khẳng định.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Việt Hùng một lần nữa xác nhận chuyện này. Một trong những mục tiêu của Đề án 112 là xây dựng hệ thống thông tin, xây dựng giao diện nhưng theo ông Trần Việt Hùng thì: "Hiện tại tất cả các trang thông tin điện tử mới chỉ cung cấp các thông tin mà bộ, ngành, địa phương cho là cần thiết mà chưa xuất phát từ nhu cầu thông tin cần thiết của người dùng, người dân và doanh nghiệp".

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia cũng nửa vời. Các cơ sở dữ liệu đã xây dựng được cũng chỉ phục vụ hoạt động của nội bộ ngành, chưa được sử dụng chung cho các ngành khác. Nhiều đơn vị có Đề án 112 đã được phê duyệt nhưng đều vấp phải trở ngại là không có kinh phí cho việc cập nhật thường xuyên dữ liệu dẫn đến việc cơ sở dữ liệu không thể hỗ trợ cho việc ra quyết định, tức là không có giá trị trong việc điều hành. Đánh giá về sự lãng phí của Đề án 112, ông Trần Việt Hùng cho biết, các báo cáo cho thấy nguồn kinh phí từ Đề án 112 chỉ đầu tư cho việc xây dựng các Trung tâm tích hợp dữ liệu nhưng do chưa có phần mềm dùng chung và cơ sở dữ liệu nên "vốn đầu tư này sẽ không hiệu quả".

Dưới góc độ của một nhà kinh tế, TS Trần Đình Thiên tỏ ra vô cùng bức xúc: "Việc Chính phủ quyết định ngừng đề án này để các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra là một sự can đảm của Thủ tướng.Và từ bài học 112 phải có sự rút kinh nghiệm về cơ chế cho hàng loạt dự án khác tiêu tiền của dân đang được triển khai, để tránh tùy tiện trong phê duyệt dự án, tùy tiện khi triển khai và sự lỏng lẻo trong giám sát".

Cả ông Trần Việt Hùng và ông Trần Đình Thiên đều dè dặt khi đề cập đến trách nhiệm cá nhân của những người liên quan đến việc điều hành Đề án 112 thất bại và cho rằng nó sẽ được quyết định khi các cơ quan chức năng (Kiểm toán, Thanh tra - PV) có kết luận. Nhưng cả hai ông đều thống nhất rằng việc khắc phục hậu quả do việc triển khai nửa vời của đề án để lại mới là việc đáng nói. "Để cho những thiết bị đã được đầu tư theo Đề án 112 phát huy hiệu quả thì cần một khoản tiền gấp đôi", ông Trần Đình Thiên tính toán. "Các nhà kinh tế thường có câu rằng, sự phá đi làm lại sẽ làm cho GDP tăng lên nhưng thực chất sự giàu có quốc gia cũng vẫn chỉ thế thôi", ông Thiên chua chát nói.

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.