Đề án 600 tỉ điều tra cảnh báo sạt lở đất được Bộ TN-MT thực hiện thế nào?

05/11/2020 15:21 GMT+7

Bộ TN-MT được Chính phủ giao là đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm về hiệu quả đề án điều tra hiện trạng, cảnh báo sạt lở đất vùng núi Việt Nam. Đề án này được duyệt chi kinh phí 600 tỉ đồng.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” được Chính phủ phê duyệt từ năm 2012, triển khai đến năm 2020.
Trong đề án này, Bộ TN-MT là đơn vị được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về hiệu quả đề án.
Giai đoạn 1 từ năm 2012 - 2015, đề án triển khai việc điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tại các tỉnh vùng núi, trung du Bắc bộ và bắc Trung bộ. Trong đó, ưu tiên lập bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá tại các khu vực dân cư sinh sống tập trung. Khu vực dự kiến quy hoạch bố trí dân cư của các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Hòa Bình, Nghệ An và lắp đặt các thiết bị cảnh báo sớm.
Giai đoạn 2 từ 2016 - 2020, triển khai ở các khu vực còn lại sau khi đánh giá, rút kinh nghiệm từ thực hiện giai đoạn 1.
Sau liên tiếp các vụ sạt lở đất gây thiệt hại nặng về con người và tài sản trong mưa bão vừa qua, tại cuộc họp Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai ngày 2.11, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu lãnh đạo Bộ TN-MT báo cáo cập nhật về tiến độ thực hiện đề án trên của Chính phủ.
Giải trình tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành cho biết, Viện khoa học địa chất và khoáng sản đã có điều tra, khảo sát làm được bản đồ này ở các tỉnh miền núi phía Bắc, và bắc Trung bộ.
Theo kế hoạch, trong năm 2019 - 2020, đơn vị này thực hiện ở 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Các nhà khoa học đã có số liệu khảo sát các địa bàn theo kế hoạch này.
Tuy nhiên, ông Thành cũng nói thêm: "Bản đồ chỉ làm đến tỉ lệ 1:50.000 cảnh báo nguy cơ trên diện rộng đến cấp huyện dựa trên địa mạo, địa chất thôi; còn phải tùy thuộc vào điều kiện cụ thể ở hiện trường như kích hoạt các công trình, đường sá, các yếu tố dân sinh khác cộng với lượng mưa rơi xuống thì mới có thể ra được các điểm sạt lở”. 

Những nước mắt tuyệt vọng đầy ám ảnh trong thảm nạn sạt lở ở Trà Leng

"Tôi đã giao lâu lắm rồi..."

Chỉ đạo ngay tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, dự báo, cảnh báo sạt lở đất là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, không đơn giản. Ngay cả quốc gia có nền công nghệ, khoa học hiện đại, tỉ lệ che rừng lớn hơn nhiều so với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc thì sạt lở đất vẫn diễn ra thường xuyên, gia tăng gây thiệt hại lớn, còn sạt lở đất ở ta thì cũng có rất nhiều nguyên nhân. 
Trinh-Dinh-Dung

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN-PTNT - cơ quan thường trực phòng chống thiên tai, tổ chức đánh giá tiến độ thực hiện đề án điều tra hiện trạng, cảnh báo sạt lở đất mà Bộ TN-MT được giao chủ trì

Ảnh Vũ Sinh

“Đối với Bộ TN-MT, về nhiệm vụ lâu dài tôi đã giao lâu lắm rồi, các đồng chí phải tập trung xây dựng bản đồ đánh giá nguy cơ sạt lở đất. Tôi đề nghị Bộ NN-PTNT, với trách nhiệm là cơ quan thường trực phòng chống thiên tai, mời các bộ đến xem đến nay đã làm được đến đâu rồi, có khó khăn, thuận lợi gì và cần cảnh báo gì tiếp theo”, ông Dũng chỉ đạo.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, đề án của Chính phủ giao cho Bộ TN-MT làm đơn vị chủ trì này được duyệt chi nguồn kinh phí ngân sách 600 tỉ đồng cấp từ Bộ Tài chính, đến nay đã  được giải ngân khoảng 50%.
Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ TN-MT), đơn vị được Bộ TN-MT giao triển khai đề án của Chính phủ, cho biết sau nhiều vụ sạt lở đất liên tục xảy ra trong thời gian qua, đề án sẽ bổ sung thêm một số nhiệm vụ với.
Cụ thể, hiện nay bản đồ phân vùng làm đến tỉ lệ 1:50.000 cảnh báo đến cấp huyện thì bây giờ sẽ chọn thêm một số xã trọng điểm có nguy cơ cao, rất cao xảy ra trượt lở để tiếp tục khảo sát, làm bản đồ chi tiết đến cấp xã.
Đối với các khu vực đã làm xong điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo thì trước mỗi mùa mưa bão, các đơn vị sẽ phối hợp với địa phương kiểm tra lại hiện trạng để đưa ra cảnh báo tức thời. Ngoài ra, sau 3 - 5 năm, cơ quan chuyên môn sẽ đánh giá lại hiện trạng để cập nhật, bổ sung nếu có diễn biến mới.
Bên cạnh đó, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản sẽ chuyển giao các sản phẩm đề án đến cấp xã. Ở khu vực có các sườn, dốc nguy cơ rất cao xảy ra trượt lở đất sẽ kiến nghị địa phương tổ chức diễn tập sơ tán, đánh dấu các vị trí an toàn cho người dân được biết và sẵn sàng sơ tán khi có tình huống xảy ra. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.