Đề án mở rộng Hà Nội chưa đủ luận cứ khoa học

14/05/2008 01:39 GMT+7

Chưa đủ các luận cứ khoa học" là kết luận trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về đề nghị mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội của Chính phủ hôm qua.

Cần công bố rộng rãi tạo sự đồng thuận

Thẩm tra này khẳng định, một số nội dung quan trọng liên quan đến quy hoạch xây dựng thành phố Hà Nội sau khi được mở rộng cũng chưa rõ giải pháp cụ thể, lộ trình, bước đi trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là nguồn kinh phí cho việc thực hiện đề án. "Thiếu những thông tin như vậy rất khó cho việc xem xét quyết định", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nói. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, quy mô mở rộng địa giới hành chính Hà Nội chưa được giải trình một cách thuyết phục. "Việc xây dựng và phát triển thủ đô tiên tiến, hiện đại vì sao nhất thiết phải phát triển theo hướng mở rộng diện tích?", ông Nguyễn Văn Thuận đặt câu hỏi.

Ủy ban Pháp luật cũng chỉ ra một loạt những "lập luận giản đơn, thiếu thuyết phục" của Chính phủ. Chẳng hạn, việc sáp nhập huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc vào thành phố Hà Nội "là vì đã có thời gian huyện Mê Linh thuộc về thành phố Hà Nội", "nhằm khắc phục độ lõm về địa giới hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc với đường địa giới hành chính của Hà Nội mới"; hoặc việc "sáp nhập 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình là nhằm khắc phục việc tranh chấp giữa tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình đang tồn tại lâu nay tại khu vực này hoặc vùng rau xanh hiện nay chủ yếu phục vụ thủ đô Hà Nội và các đô thị vùng phụ cận... Nay chính quyền Hà Nội trực tiếp quản lý sẽ tạo ra độ an toàn và chất lượng cao hơn cho người dân thủ đô Hà Nội mới"...

Theo Tờ trình số 60 ngày 29.4.2008, Chính phủ đề nghị hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây; điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc; điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 4 xã là Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vào thành phố Hà Nội. Diện tích tự nhiên của Hà Nội mới sẽ là 334.470,02 ha và 6.232.940 nhân khẩu.

Cũng trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật lại hoàn toàn tán thành đề nghị của Chính phủ chuyển toàn bộ xã Tân Đức (huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây) với 2.721 nhân khẩu về thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ quản lý; tán thành chuyển toàn bộ ấp C10 với 830 nhân khẩu của xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng (Bình Phước) về cho xã Đăk Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai quản lý.

Tương tự như vậy, theo Đề án định hướng thủ đô Hà Nội mở rộng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Chính phủ trình thì trung tâm hành chính quốc gia sẽ được đặt tại đô thị Hòa Lạc. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đặt câu hỏi: "Vấn đề đặt ra là một quyết định quan trọng như vậy thì nên tiến hành như thế nào? Nhất là đối với Hà Nội không chỉ là thành phố trực thuộc Trung ương mà còn là thủ đô - trái tim của cả nước". Báo cáo thẩm tra này đề nghị, với một việc quan trọng và nhạy cảm như thế cần phải được công bố, triển lãm rộng rãi nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân tương tự như với một số công trình quan trọng.

Và cân nhắc thời điểm

"Tờ trình và các tài liệu kèm theo mới chú ý nhiều đến yêu cầu bảo đảm việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nhu cầu về không gian, diện tích và những lợi thế để phát triển thủ đô. Trong khi đó việc hợp nhất tỉnh Hà Tây và thành phố Hà Nội làm giảm một đơn vị hành chính cấp tỉnh với nét văn hóa xứ Đoài là vấn đề rất đáng được quan tâm, cân nhắc kỹ", Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận phân tích. Báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra những khiếm khuyết mà tờ trình Quốc hội của Chính phủ chưa chỉ ra được, chẳng hạn như việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức ra sao? Sau khi mở rộng địa giới hành chính thủ đô thì dân số tăng gấp 2 lần, diện tích tăng gấp 3,6 lần so với dân số, diện tích của thành phố Hà Nội hiện nay với phạm vi quản lý rộng hơn, địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhiều hơn, khối lượng, quy mô công việc quản lý, điều hành lớn hơn và phức tạp hơn.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội còn quan ngại về "trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ chưa tương xứng" vốn đang là nguyên nhân của tình trạng yếu kém, bất cập trong công tác quản lý của Hà Nội. Ngoài ra, việc tổ chức đời sống dân cư cho phù hợp với đô thị loại một sau khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, theo Ủy ban Pháp luật cũng chưa được Chính phủ đặt ra và làm rõ. 

"Theo dự thảo nghị quyết về việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội thì nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2008. Đây là một vấn đề cần được cân nhắc, vì với thời gian như vậy, các cơ quan, tổ chức không thể có đủ thời gian, vật chất chuẩn bị, sẽ gặp không ít khó khăn trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức", Ủy ban Pháp luật kiến nghị. Chẳng hạn như đối với cơ quan tiến hành tố tụng thì không chỉ đơn giản là việc đổi tên mà còn phụ thuộc vào thẩm quyền cụ thể trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử...

"Trước mắt, Chính phủ nên chỉ đạo Hà Nội và các địa phương có liên quan thực hiện tốt quy hoạch vùng (vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Đến một thời gian nhất định sẽ tiến hành việc xem xét, quyết định điều chỉnh địa giới", báo cáo thẩm tra kết luận.

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.