Đế chế Hồi giáo - Từ bộ lạc du mục trở thành đế chế hùng mạnh

20/08/2020 08:00 GMT+7

Từ bộ lạc du mục ở sa mạc, dưới sự lãnh đạo của Muhammad cùng các thủ lĩnh Caliphate và quân đội tinh nhuệ đã xây dựng nên một đế chế hùng cường với lãnh thổ kéo dài từ Âu sang Á tới Bắc Phi.

 
Trong lịch sử thời kỳ trung đại, chưa từng có một Đế chế nào bành trướng một cách mạnh mẽ và nhanh chóng như Hồi giáo. Dù chỉ tồn tại trong khoảng 3 thế kỷ, đế chế Hồi giáo đã để lại một di sản lịch sử lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến thế giới ngày nay.
Di sản lớn nhất của đế chế này chính là đạo Hồi. Dù đế chế này đã diệt vong, Hồi giáo vẫn tiếp rục lan truyền mạnh mẽ, vượt xa khỏi vùng đất Ả Rập để trở thành nguồn lực tinh thần của nhiều đế chế lẫy lừng khác trong lịch sử như các đế chế Ottoman, Mogul, Timur… và đã trở thành một trong 3 tôn giáo lớn nhất, ảnh hưởng nhất của thế giới ngày nay.
Điều tạo nên sự thành công của đế chế này, không chỉ bằng quân đội tinh nhuệ và hùng mạnh với đức tin tuyệt đối vào nhà tiên tri Muhammad, sự mặc khải của Thiên chúa thông qua nhà tiên tri cuối cùng của nhân loại mà còn là sự hiểu biết, nghiêm túc học hỏi, khám phá và sáng tạo không ngừng đã tạo dựng nên một nền văn minh tiến bộ mà thế giới hiện đại đang kế thừa và phát triển.
Theo truyền thuyết, Muhammad rất khuyến khích việc mở rộng kiến thức. Ông nói: "Kẻ nào từ biệt gia đình để đi tìm hiểu thêm và mở mang tri thức là kẻ đó đang đi trên con đường của Chúa… Mực của các nhà bác học cũng linh thiêng như máu của các chiến binh".
Người Ả rập rất coi trọng các nhà khoa học, nhà giáo, đặc biệt Ả rập đã mời rất nhiều nhà bác học, giáo sư phương Tây sang dạy tại các trường đại học. Vì vậy nền giáo dục Hồi giáo có những thành tựu vô cùng rực rỡ: hệ thống giáo dục từ tiểu học lên đến đại học, học toàn diện, có nhiều mô hình dạy học, trên đế quốc Ả rập có nhiều trường Đại học lớn.
Bên cạnh hệ thống trường học, trong toàn đế chế đã xây dựng rất nhiều thư viện. Đến đầu thế kỉ VIII, người Ả Rập học được cách làm giấy của Trung Quốc. Từ đó sách xuất hiện ngày càng nhiều. Cuối thế kỉ IX, ở Bagdad có đến trên 100 hiệu sách.
Thành phố Bagdad khi bị quân Mông Cổ đánh chiếm có đến 36 thư viện công cộng. Các thư viện này thường mở cửa đón mọi người đến đọc sách, thậm chí có thư viện còn cung cấp giấy cho sinh viên đến đó đọc sách. Nhờ vậy mà việc học tập trong toàn đế chế không ngừng phát triển. Hơn nữa trong khi ở Tây Âu, văn hóa đang suy thoái thì các trung tâm đại học của Ả Rập, nhất là Córdoba đã thu hút nhiều lưu học sinh các nước Tây Âu đến học tập.
Đế chế Hồi giáo với hệ thống các trường đại học Hồi giáo và sự nghiệp giáo dục phát triển đã tạo nên nền văn minh huy hoàng nhất với những phát kiến khoa học, toán học, thiên văn, triết học… góp phần chuyển hóa thời kỳ phục hưng của văn minh phương Tây.
Do có sự kế thừa tinh hoa văn học Đông Tây, lại có điều kiện kinh tế hơn nữa chịu ảnh hưởng sâu sắc của tôn giáo nên văn học Ả rập rất đặc sắc. Kinh Koran là một tác phẩm văn học đồ sộ kết tinh tài hoa trí tuệ người Ả rập. Bên cạnh đó, một tác phẩm khác cũng được cả thế giới biết tới, đó chính là "Nghìn lẻ một đêm" đã và đang đồng hành cùng tuổi thơ của rất nhiều trẻ nhỏ trên khắp thế giới.
Là một nước thành lập rất muộn, lúc đầu Ả Rập tương đối lạc hậu về các lĩnh vực khoa học tự nhiên. Nhưng nhờ học tập được các thành tựu của các nền văn minh xung quanh như Ấn Độ, Hy Lạp nên khoa học của Hồi giáo đã phát triển nhanh chóng. Các học giả Ả Rập đã có nhiều cống hiến mới, nhất là về các mặt toán học, thiên văn học, địa lý học, y học và hóa học.
Về toán học, người Ả Rập đã tiếp tục phát triển các môn đại số học, lượng giác học, hình học và hoàn thiện hệ thống chữ số; Thiên văn học cũng bởi những nhà khoa học Ả Rập đặt nền tảng; Về vật lý, họ kế thừa sâu sắc các thành tựu Hy-La và Ấn Độ, nhưng tập hợp thành công trình chuyên về quang học, đặc biệt thuyết về khúc xạ ánh sáng qua gương cầu lồi lõm. Chính nhờ những thành tựu này mà các nhà vật lý phương Tây đã chế ra được kính hiển vi và kính viễn vọng.
Về thiên văn, do đời sống du mục nên người Ả rập có điều kiện quan sát bầu trời, hơn nữa do yêu cầu của việc hành lễ đạo Hồi, nên có rất nhiều thành tựu (hồ sơ về 5015 ngôi sao, 47 chòm sao, giả thuyết trái đất tròn với chu vi 35 vạn km, mặt trời không phải là trung tâm của vũ trụ, trên trái đất có 7 miền khí hậu).
Y học của thế giới hồi giáo phát triển rực rỡ là quốc gia có sự nghiệp y tế tiến tiến nhất thời trung đại, các thầy thuốc biết cách chữa rất nhiều loại bệnh, nhiều tác phẩm y học được biên soạn và dịch ra tiếng Latinh và được dùng trong các trường Y khoa ở Tây Âu trong nhiều thế kỷ; biết giải phẫu từ thời xưa, một bức tranh giải phẫu mắt chữ Ả Rập vẫn còn được chụp lại.
Vào thập niên 1950, một nhà khoa học tên là George Sarton, ông là một trong những nhà khoa học phương Tây nổi tiếng thế giới đã đánh giá trung thực nhất: "Nếu không có các nhà khoa học Hồi Giáo, cũng như không có những thành tựu của họ thì chắc chắn các nhà khoa học sau này đã phải bắt đầu từ con số 0 và nền văn minh của chúng ta có hôm nay, chắc chắn sẽ bị trì hoãn vài thế kỷ".
Một tài liệu toán học tiếng Ả Rập từ nền văn minh Hồi giáo

Một tài liệu toán học tiếng Ả Rập từ nền văn minh Hồi giáo

Có thể nói, di sản lớn nhất của đế chế Hồi giáo Ả Rập chính là đạo Hồi. Hồi giáo ra đời do hàng loạt nguyên nhân kinh tế, xã hội, tư tưởng và hơn hết là yêu cầu thống nhất các bộ lạc trong bán đảo Ả Rập, đồng thời trên cơ sở cần một tôn giáo độc thần để thay thế những tôn giáo đa thần tồn tại ở đó từ trước. Hiện nay, Hồi giáo là tôn giáo có tín đồ đông nhất thế giới có mặt ở hơn 100 quốc gia trên tất cả các châu lục.
Cũng như bất cứ một tôn giáo nào, giáo lý Hồi giáo cũng bao gồm những quan niệm về thế giới và con người. Cơ sở giáo lý Hồi giáo là niềm tin vào Thượng đế Allah và Thiên sứ Muhammad, tin vào thiên thần và sự bất tử của linh hồn, tin vào ngày phục sinh và phán xét cuối cùng. Đặc biệt là tin vào sự vĩnh cửu của kinh Koran và luật Sariat.
Kinh Koran - Hệ tư tưởng Hồi giáo về hình sự, dân sự và các mặt chính trị xã hội tiến bộ, đối xử bình đẳng với mọi người và hướng tới thế giới tốt đẹp, Kinh Koran vừa là Thánh kinh vừa là bộ Bách khoa toàn thư về đất nước Ả Rập.
Cùng với khát vọng lớn chinh phục thế giới thì chính nhờ sự đoàn kết, một Đức tin duy nhất vào Đấng tối cao và có những sách lược đúng đắn, Hồi giáo Ả Rập từ một bộ lạc du mục nghèo, từ một giáo phái nhỏ bé đã trở thành một đế chế hùng mạnh của lịch sử thời kỳ trung đại và đã trở thành một trong 3 tôn giáo lớn nhất, ảnh hưởng nhất của thế giới ngày nay.
Muhammad không bao giờ tự coi mình là người lập đạo, không bao giờ tự xưng mình là giáo chủ hoặc là Đấng Cứu Thế. Ông không công nhận mình có một sứ mạng nào đối với cả thế giới cũng không có một nhiệm vụ chính trị nào. Ông chỉ nhấn mạnh một điều rằng: Ông là tiên tri cuối cùng của Thiên Chúa. Nói cách khác, sau Muhammad sẽ không có một tiên tri nào cả. Sau khi Muhammad chết, Đế chế Hồi giáo xây dựng thể chế Caliphate với Khalip giữ vai trò hoàng đế chung của tất cả các nước mà Hồi giáo là quốc đạo.
Công việc trọng tâm trong sự thuyết phục đó tưởng đơn giản mà thật khó khăn. Sau hai năm viết sách Koran và thuyết phục mọi người, Muhammad chỉ chinh phục được mấy người trong gia đình. Lúc ban đầu mới đến Medina, Muhammad và đoàn người Hồi Giáo chỉ là những kẻ tỵ nạn rách nát chạy trốn sự ngược đãi của những người đa thần giáo ở Mecca. Nhưng dần dần, trong vòng 5 năm kế tiếp, cả 6 bộ lạc Ả Rập ở Medina đều theo đạo Hồi và tất cả thành phố Medina được đặt dưới quyền lãnh đạo duy nhất của Muhammad.
Không ai có thể phủ nhận được tài thuyết phục của Muhammad. Ông đã dùng tôn giáo để thống nhất các bộ lạc Ả Rập trước đây luôn luôn thù nghịch nhau. Trên quê hương Mecca, trên danh nghĩa sứ giả cuối cùng mà thượng đế phái đến cho loài người, ông đã nêu cao những lý tưởng đẹp đẽ nhất, đánh sập những suy đồi đạo đức, đánh sập hố ngăn giàu nghèo, hướng đến những quyền về cơm ăn áo mặc, mưu cầu hạnh phúc và đặc biệt: quyền tự do cho phụ nữ.
Thành công với vai trò là người truyền giáo, nhưng ít người biết rằng Muhammad cũng là một thủ lĩnh quân sự kiệt xuất. Theo sử gia Richard A. Gabriel, Muhammad chưa từng trải qua một khóa huấn luyện quân sự nào. Nhưng ông chắc chắn là một vị tướng tài ba. Theo sử gia, Muhammad có thể là người chỉ huy đầu tiên áp dụng học thuyết chiến tranh du kích.
Muhammad đã dẫn đoàn quân những người ủng hộ trải qua 8 cuộc chiến tranh lớn và 38 hoạt động quân sự do ông trực tiếp chỉ huy. Cuối cùng ông đã đưa đoàn người ủng hộ đến với thành công và lý tưởng của đạo Hồi.
Trong vòng 2 năm ngắn ngủi trước khi qua đời, Muhammad đã đem đến cải cách cho thế giới Ả Rập, đưa đội quân ô hợp trở thành đạo quân hùng mạnh, sẵn sàng phục vụ các mục đích to lớn hơn. Ông xây dựng quân đội tinh nhuệ và đặc biệt coi trọng tố chất của binh sĩ. Những người lính phục vụ quân đội đều được trả công hậu hĩnh, đối xử tốt hơn cả binh sĩ của đế chế Ba Tư hay Byzantine vào thời điểm đó.
Muhammad và các Caliphate - Khalip cũng củng cố đức tin của người lính, sử dụng những tư tưởng của Hồi giáo để xây dựng quân đội với những tinh thần của đạo Hồi, nói rằng họ đang làm công việc của Chúa giao cho; Niềm tin đặc biệt này đã là một yếu tố tâm lý quan trọng khiến cho những người lính Hồi Giáo trở thành những chiến sĩ rất dũng cảm trong các cuộc thánh chiến.
Đế chế Ả Rập cũng đã tập trung nguồn lực xây dựng lực lượng quân sự hùng mạnh. Tất cả nam giới đều là các binh sĩ và được sắp xếp thành các đơn vị quân đội. Sau hai năm huấn luyện các binh sĩ và trang bị vũ khí đầy đủ, bắt đầu bành trướng nước Chúa bằng sức mạnh quân sự. Binh sĩ Ả Rập có tinh thần sẵn sàng tử vì đạo, có sức chịu đựng, kỷ luật, khả năng cưỡi ngựa tuyệt vời, lòng nhiệt tình tôn giáo đến cực đoan nhưng vẫn rất tỉnh táo khi làm nhiệm vụ.

Để hiểu hơn về Đức Tin chung tạo nên đế chế Hồi giáo hùng mạnh, nhà sáng lập - Chủ Tịch tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết, cẩn trọng tuyển chọn bộ phim "Le Message" - một trong những bộ phim thuộc Tủ phim Nền Tảng đổi đời - kể về cuộc đời của nhà tiên tri, sứ giả của Thượng đế Muhammad, với sự khởi đầu của đạo Hồi tại thánh địa Mecca. Trong đó những người Hồi giáo đầu tiên bị bách hại bởi niềm tin của mình. Các cuộc di cư đến Medina. Kết thúc bằng thắng lợi trở về thánh địa Mecca của người Hồi giáo.

Các cuộc chinh phục của Ả Rập là một ví dụ tiêu biểu chứng minh sự thống nhất đoàn kết về hệ tư tưởng có thể bù đắp cho sự yếu kém về công nghệ và tổ chức. Các vị tướng Ả Rập thuộc thời kỳ này xứng đáng được xếp vào hàng các thiên tài quân sự vĩ đại của thế giới, đặc biệt là vị Caliphate thứ 3, Omar, người đã chinh phục khu vực từ Ai Cập tới Ba Tư trong 10 năm. Trong 100 năm, Đế chế Ả Rập đã phát triển lên quy mô lớn gấp vài lần Đế chế La Mã ở giai đoạn đỉnh cao.
Trong lịch sử nhân loại, có rất nhiều đế chế coi Hồi giáo là quốc giáo. Trong số đó, đế chế Ả Rập, còn được biết đến với cái tên Caliphate, là đế chế lâu đời và hùng mạnh nhất. Từ những vùng đất hoang tàn, người Ả Rập đã xây dựng thành công đế chế Hồi giáo hùng cường của riêng mình dưới sự lãnh đạo của Muhammad.
Muhammad xuất thân từ một bộ lạc ở Mecca. Theo truyền thuyết, năm Muhammad 40 tuổi, một sứ giả của thượng đế hiện ra và nói rằng ông đã được chọn để cứu giúp nhân loại. Từ đó, Muhammad bắt đầu truyền đạo Hồi tại Mecca. Thế nhưng ông vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của giới quý tộc Mecca và những người theo tín ngưỡng truyền thống.
Không chịu được lời gièm pha năm 615, Muhammad cùng khoảng 101 tín đồ Hồi giáo đã rời khỏi Mecca. Đến thành phố Medina, ngày nay thuộc Ả Rập Saudi, ông được các tín đồ đón tiếp nồng nhiệt, trở thành lãnh tụ của phần đông người dân thành phố này. Năm 622, Muhammad tuyên bố thành lập nên nhà nước Hồi giáo đầu tiên trong lịch sử.
Thành công với vai trò là người truyền giáo, nhưng ít người biết rằng Muhammad cũng là thủ lĩnh quân sự kiệt xuất. Tại Medina, Muhammad dần dần thành lập một lực lượng chính trị kết hợp với tôn giáo. Muhammad thường xuyên tập kích các đội quân của Mecca, do đó chiến tranh giữa Medina và Mecca đã diễn ra nhiều lần.
Năm 630, Muhammad phát động cuộc chiến ở Mecca với 10.000 người, đây được coi là đội quân Hồi giáo mạnh mẽ nhất vào thời điểm đó. Mecca không dám chống cự. Vậy là sau 15 năm lưu lạc khỏi quê hương, Muhammad đã trở về Mecca trong tư thế hiên ngang. Đó là hành trình của một đứa trẻ mồ côi đi đến sự thống nhất ở quê hương.
Năm 632, Muhammad chết. Muhammad được kế vị bởi 4 vị Caliphate (Abu Bakr, Umar, Uthman, Ali Talib), nghĩa là người kế thừa của nhà tiên tri. Trong những năm cuối trước khi qua đời, Muhammad đã thống nhất được các bộ lạc Ả Rập, đưa thế giới Hồi giáo do ông lập nên trở thành một chính thể hợp nhất.
Để mở rộng đất đai và truyền bá đạo Hồi, Đế chế Hồi giáo tích cực thi hành chính sách xâm lược bên ngoài. Dưới sự lãnh đạo của những Caliphate - những thiên tài quân sự kiệt xuất được bầu làm người kế vị. Kết quả Ả Rập đã lần lượt chinh phục được Xiri (năm 636), Palestine (năm 638), Ai Cập (642), Ba Tư (651). Hồi Giáo từ một giáo phái nhỏ ở sa mạc đã biến thành một đế chế rộng lớn.
Sau khi Muhammad chết, từ năm 632 đến năm 661, các Caliphate đều do giới quý tộc bầu ra. Năm 661, Caliphatea Ali vốn là em con chú và là con rể của Muhammad bị giết chết, viên tổng đốc ở Xiri thuộc họ Umayyad được lập lên làm Caliphate. Từ đó ngôi Caliphate trở thành cha truyền con nối. Triều Umayyad tiếp tục thực thi chính sách chinh phục bên ngoài, kết quả Ả Rập chiếm được một dải ở miền Bắc châu Phi và bán đảo Tây Ban Nha, đến giữa thế kỷ VIII, Ả Rập trở thành một đế chế rộng lớn, lãnh thổ kéo dài ba châu là châu Á, châu Phi, châu Âu.
Năm 750, giữa người Ả Rập với nhau có sự bất hòa và các dân tộc bị người Hồi giáo xâm lược cũng bất tuân phục đế chế. Nhà Abbasid đã lật đổ nhà Umayyad và cai trị thế giới Hồi giáo trong 500 năm. Dưới triều đại Abbasid, đế chế Hồi giáo được thống nhất, nền văn hóa Hồi giáo hưng thịnh.
Đế chế Arab về thực chất chấm dứt tồn tại vào khoảng năm 900, mặc dù triều Abbasid duy trì vai trò tôn giáo với tư cách là các Caliphate ở Baghdad cho đến tận khi thành phố này bị người Mông Cổ phá hủy vào năm 1258.
Cũng như những đế chế khác, đế chế Hồi giáo rồi cũng suy vong cũng bởi không duy trì được những giá trị cốt lõi - khi khát vọng trở thành đế chế không biên giới nhưng được xây dựng dựa trên lòng tham, không chấp nhận việc bị giới hạn lãnh thổ dẫn đến liên tục đánh chiếm các lãnh thổ xung quanh dù đã trở thành một đế chế hùng mạnh.
Đế chế nổi lên tuy có học hỏi, sáng tạo nhưng thiếu sự toàn diện, sự học hỏi sáng tạo nhằm phục vụ cho mục đích bành trướng lãnh thổ và tôn giáo; Niềm tin tuyệt đối vào người được chọn, tôn giáo dẫn đến tư tưởng cực đoan; Mâu thuẫn của các nhánh nhỏ trong lòng một tôn giáo lớn, của các bộ lạc trong lòng một đế chế gây nên sự mất đoàn kết dân tộc trong quá trình chinh phục; sự bất ổn về chính trị và an ninh khi khi áp dụng chính sách áp đặt thay đổi tôn giáo của dân cư các vùng bị chinh phục.
Dẫu chỉ tồn tại trong khoảng 3 thế kỷ, đế chế Hồi giáo vẫn để lại một di sản lịch sử lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến thế giới ngày nay.
Đón đọc kỳ sau: Đế chế Ottoman - Từ không chốn dung thân đến bá chủ thế giới
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.