Dễ dãi đào tạo nhân lực y tế: Cần chuẩn hóa đầu ra

04/02/2015 05:20 GMT+7

Trước thực trạng đào tạo dễ dãi trong lĩnh vực y tế, nhiều chuyên gia đã đề xuất các giải pháp để chấn chỉnh và nâng cao chất lượng ngành học này.

Trước thực trạng đào tạo dễ dãi trong lĩnh vực y tế, nhiều chuyên gia đã đề xuất các giải pháp để chấn chỉnh và nâng cao chất lượng ngành học này.

V.Thơ - M.Quyên -H.Ánh Theo các chuyên gia, nhu cầu tuyển dụng khối ngành y tế trong những năm tới sẽ tập trung vào chất lượng
- Ảnh: Diệp Đức Minh
Xây dựng lại tiêu chí mở ngành
Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ GD-ĐT xây dựng
và ban hành lại tiêu chí mở ngành sao cho đảm bảo chất lượng đối với ngành học này. Khi đã có tiêu chí rõ ràng thì trường nào đáp ứng đủ mới được mở ngành chứ không thể trăm hoa đua nở như hiện nay

NGUYỄN CÔNG KHẨN  
Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế)
Theo ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), việc cần làm hiện nay là rà soát lại mạng lưới đào tạo nhân lực y tế và quy hoạch theo hướng hội nhập quốc tế.
Ông Khẩn cho hay việc cho phép các cơ sở tư nhân đào tạo y dược là điều chưa từng có trong lịch sử VN. Trên thế giới, nhiều nước cũng chỉ cho đào tạo ở các hệ thống công lập do đây là ngành học đặc thù. Vì vậy, cần phải quy hoạch lại mạng lưới để đảm bảo việc đào tạo gắn với sử dụng và có chất lượng cao. Đặc biệt cần rà soát điều chỉnh mô hình đào tạo bác sĩ y khoa và các ngành khoa học sức khỏe khác theo hướng hội nhập quốc tế. Ông Khẩn nói: “Hiện ở các nước phân biệt rất rõ giữa trình độ và hành nghề. Họ quy định bậc học thấp nhất đối với ngành này là CĐ trong khi ở VN vẫn còn hệ trung cấp”.
Do luật Giáo dục không hạn chế mở ngành này ở các trường tư nên theo ông Khẩn, cần phải có tiêu chí đặc thù để đảm bảo chất lượng đào tạo. Ông Khẩn cho biết: “Hiện Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ GD-ĐT xây dựng và ban hành lại tiêu chí mở ngành sao cho đảm bảo chất lượng đối với ngành học này. Khi đã có tiêu chí rõ ràng thì trường nào đáp ứng đủ mới được mở ngành chứ không thể trăm hoa đua nở như hiện nay”.
Thi lấy chứng chỉ hành nghề
Trong một hội nghị về đổi mới đào tạo ngành y - dược do Bộ Y tế tổ chức vào năm 2014, nhiều đại biểu đã tỏ ra bức xúc với việc tuyển sinh bát nháo như hiện nay. Đại diện Trường ĐH Y dược Huế nói: “Phải thống nhất việc tuyển sinh như thế nào, dựa vào điều kiện gì để xét tuyển, nếu không thì Bộ Y tế không kiểm soát được chất lượng”.
Thừa nhận thực tế này, ông Khẩn chia sẻ, ở các nước trên thế giới việc tuyển sinh và đào tạo gồm 3 công đoạn: kiểm soát đầu vào nhưng không phải chỉ tuyển thí sinh có điểm cao mà kiểm soát về nhân cách, đạo đức; sau đó kiểm soát chương trình đào tạo bằng việc kiểm định chất lượng; bước cuối cùng là thi lấy chứng chỉ hành nghề. “Vì vậy, sắp tới chúng ta cũng cần chuẩn hóa quy trình tuyển sinh và cần kiểm soát chất lượng đầu ra”, ông Khẩn đề nghị.
Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM), cho biết: “Các nước trên thế giới đào tạo bác sĩ rất bài bản, học xong cơ bản còn phải học tiếp chuyên sâu mới ra hành nghề. Ở ta, học ĐH xong là ra làm bác sĩ ngay. Do thiếu kỹ năng và chuyên môn sâu nên chúng tôi phải gửi đi học tiếp. Tuy nhiên, số lượng này học xong quay lại bệnh viện không nhiều vì họ chọn những nơi có điều kiện thuận lợi hơn”.
Trước thực tế hiện nay, ông Nguyễn Công Khẩn cho rằng Bộ Y tế đang xây dựng đề án thực hành lâm sàng cho những đối tượng hành nghề khám chữa bệnh. Trong đó sẽ có chương trình đào tạo hành nghề cho những người vừa ra trường. Các sinh viên mới tốt nghiệp phải tham gia chương trình này và phải thi lấy chứng chỉ hành nghề thì mới được làm việc. Ông Khẩn nói: “Chứng chỉ hành nghề là công cụ để các nhà sử dụng làm căn cứ tuyển dụng. Nếu cơ sở đào tạo ra mà kém chất lượng, sinh viên không thi được chứng chỉ hành nghề và không được sử dụng thì cơ sở đào tạo sẽ phải giải tán”.
Cạnh tranh bằng chất lượng
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhận định: “Nhu cầu chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao, trong khi các bệnh viện còn chưa đáp ứng hết được. Những năm tới nhân lực ngành y dược chiếm tỷ lệ 5% trong tổng số nhu cầu các ngành nghề, khoảng 10.500 chỗ làm hằng năm. Trong đó bác sĩ cần khoảng 4.000. Tuy nhiên, thiếu chủ yếu ở các ngành xét nghiệm, công nghệ y sinh, công nghệ dưỡng sinh… Và thực tế thiếu nhân sự cấp cao, chuyên môn giỏi”.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), hiện nay Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đào tạo nhắm vào xu hướng bác sĩ gia đình. “Đây là mô hình mà các nước trên thế giới đã thực hiện, nhưng ở ta thì còn mới”, bác sĩ Phú cho biết. Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu cũng cho rằng các trường ĐH nên đào tạo theo mô hình này vì trong tương lai sẽ rất phát triển.
Còn theo PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, hiện nay số trường đào tạo các ngành sức khỏe không ít nên cạnh tranh việc làm giữa các sinh viên ngành này phải bằng chất lượng. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng vẫn có nhưng sẽ tập trung về chất lượng.
Xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo từng ngành
GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng nhân lực ngành y tế ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM tập trung quá nhiều nên đã đến lúc bão hòa, nhưng ở nhiều địa phương dù ở khu vực đồng bằng thì số lượng bác sĩ/bệnh nhân vẫn còn rất thấp. Theo ông Ga, trong các năm tới chỉ tiêu đào tạo các ngành này sẽ duy trì ở mức ổn định để người học ra trường có việc làm. Cuối năm 2014, Bộ đã có văn bản gửi các trường ĐH thông báo tạm dừng xem xét mở ngành đào tạo trình độ ĐH 3 ngành (y đa khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền) và trình độ ĐH, CĐ với ngành dược tại các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành y dược.
Ông Ga thông tin thêm, thời gian tới Bộ sẽ yêu cầu các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh từng ngành dựa trên điều kiện đảm bảo đầu vào về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất của ngành đó. Điều này sẽ tránh hiện tượng các trường chỉ tuyển sinh theo nhu cầu người học, dẫn đến tình trạng đào tạo kém chất lượng.
Sẽ ban hành bộ chuẩn năng lực trong tháng 2
Ngày 3.2, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khẩn cho biết dự kiến trong tháng này sẽ ban hành bộ chuẩn năng lực cơ bản bác sĩ đa khoa. Theo đó, bộ chuẩn được chia thành 4 lĩnh vực với 22 tiêu chuẩn và 65 tiêu chí. Mỗi lĩnh vực thể hiện một chức năng cơ bản của bác sĩ đa khoa như năng lực hành nghề chuyên nghiệp, ứng dụng kiến thức y học, chăm sóc bệnh và năng lực giao tiếp, cộng tác.
Theo ông Khẩn, bộ chuẩn năng lực được cấu trúc theo khuôn mẫu chung của bác sĩ khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các quốc gia Đông Nam Á, có điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh thực tế ở VN. Việc xây dựng và ban hành quy định này sẽ giúp tăng cường sự giám sát của người dân, người bệnh và cộng đồng về việc thực hiện những cam kết của nhà trường với xã hội về chất lượng đào tạo nhân lực ngành y. Đồng thời, đây còn là căn cứ để xây dựng chuẩn đầu ra, xác định chương trình, phương pháp và nội dung học phù hợp cho chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.