Cho điểm để học sinh thuận tiện xét tuyển ĐH!
Để thuyết phục phụ huynh đăng ký cho con vào học, nhiều trường THPT tư thục tại TP.HCM cam kết đảm bảo đậu ĐH cho dù đầu vào của học sinh (HS) yếu kém. Và để thực hiện cam kết này, các trường đã sử dụng nhiều thủ thuật.
Bà P.T.T.N, giáo viên Trường THPT A. ở Q.Tân Phú, kể: “Ngay từ khi HS vào lớp 10, chúng tôi đã được chỉ định mỗi lớp đều phải làm 2 sổ điểm. Một sổ điểm phản ánh lực học thực chất của HS để có kế hoạch dạy cho phù hợp; một sổ điểm do giáo viên bộ môn phối hợp với giáo viên quản nhiệm làm. Sổ thứ hai này cho điểm không dựa trên lực học của HS mà bám sát yêu cầu xét tuyển mà các trường ĐH đưa ra nhằm giúp HS thuận tiện khi xét tuyển ĐH, CĐ”.
Giáo viên này nói thêm: “Khi vào trường, HS sẽ được tư vấn ngay là tốt nghiệp THPT thì nên học tiếp ngành nào, trường nào. Thông thường HS sẽ được định hướng vào các trường có xét tuyển bằng học bạ. Theo yêu cầu của từng trường ĐH, giáo viên bộ môn sẽ cân nhắc và cho điểm phù hợp. Nhiều em dù lực học rất yếu, có thể nói là không biết gì, nhưng giáo viên vẫn buộc phải cho điểm cao. Điều này khiến các em ỷ y không cần học vẫn có điểm. Đôi khi các em công khai chống đối giáo viên ngay tại lớp khiến giáo viên rất khó xử”.
tin liên quan
Dễ dãi xét tuyển thẳng vào ĐH bằng học bạ!Nếu trước đây hình thức ưu tiên xét tuyển vào ĐH chỉ dành cho đối tượng học sinh giỏi được ghi nhận bằng các giải thưởng ở quy mô lớn thì nay có thêm xét học bạ. Trong đó, có những trường đưa ra tiêu chí quá đơn giản.
Một giáo viên đang dạy tại Trường THPT Q. (Q.Tân Phú) cũng cho biết: “Để ý thì có thể thấy ngay chất lượng đầu vào của một số trường THPT ngoài công lập thường thấp hơn các trường công lập, nhưng điểm số giữa 2 đối tượng HS này thường không chênh lệch nhiều. Thậm chí điểm số của HS trường tư thục còn đều và có phần trội hơn so với HS trường công lập. Những HS “tiểu sử” xấu ở trường công lập nhưng ngay sau khi chuyển trường thì điểm số đã hoàn toàn khác. Điều này hoàn toàn không phải do chất lượng trường tư thục cao hơn hay phương pháp giáo dục tốt hơn mà do việc cho điểm dễ dàng hơn”. Giáo viên này còn thừa nhận việc dạy học tại trường mình khá hời hợt: “Thường thì trường hay chú trọng vào các môn chính như toán - văn - tiếng Anh - lý - hóa. Những môn còn lại hầu như HS không có quyền lựa chọn mà sẽ được trường “định hướng” xếp học theo thế mạnh của trường. Đặc biệt, năm trước HS không cần học giáo dục công dân và địa lý nhưng vẫn có điểm đầy đủ”.
Điểm số dễ dãi là thực tế ở nhiều trường
Một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nêu thực tế: “Khi Bộ GD-ĐT đưa ra một chính sách mới nào đó thì ngay lập tức các trường nghĩ cách đối phó. Cách đây 10 năm, khi Bộ vừa đưa ra quy định về việc tuyển thẳng thì ngay năm sau số HS đạt tuyển thẳng tăng vọt”. Vị này cũng thừa nhận khi đi kiểm tra các trường phổ thông thì phát hiện việc cho điểm dễ dãi không chỉ tồn tại ở một vài trường mà là thực tế ở nhiều trường, trong đó có cả những trường công lập. Nhiều trường hợp HS ở tỉnh có bảng điểm rất xấu nhưng ngay khi chuyển lên học tại TP.HCM thì điểm tăng lên một cách… đột biến.
tin liên quan
Học sinh quay tài liệu, đưa về địa phương rèn luyện đạo đức?Một phụ huynh học sinh Trường THCS Bình An, Q.2, TP.HCM phản ánh với Báo Thanh Niên về việc học sinh quay cóp tài liệu, vi phạm quy chế kiểm tra học kỳ 2 bị nhà trường kỷ luật bằng hình thức hạ hạnh kiểm xuống loại yếu đồng thời thông báo cho địa phương biết.
Về tình trạng tồn tại 2 sổ điểm, vị này nói rõ hơn: “Những trường áp dụng cách làm cùng lúc tồn tại 2 hệ thống sổ điểm để nâng điểm HS là sai. Tuy nhiên, vẫn có thể thấy họ còn chú ý tới việc nâng chất HS (khi dựa vào sổ điểm thật, các giáo viên có kế hoạch giảng dạy phù hợp với trình độ HS - tn). Nhưng cách làm này không nên vì với HS bậc THPT thì không cần đòi hỏi quá cao. Các đề kiểm tra, thi đánh giá quá trình học chỉ cần yêu cầu các em làm được từ 50 - 60% là đạt. Như vậy thì không cần phải cho điểm một cách tràn lan. Trường hợp nghiêm trọng hơn là việc nhiều trường chỉ tồn tại một hệ thống sổ điểm, thể hiện trong học bạ hoàn toàn hợp lệ nhưng là cho khống, không theo lực học của HS mà cho điểm một cách gian dối. Điểm này sẽ khiến cho HS ỷ lại, phụ huynh ngộ nhận và khiến chất lượng đào tạo không tới đâu”. (Còn tiếp)
Điểm học bạ giỏi nhưng điểm thi THPT chỉ trung bình
Cán bộ tuyển sinh một trường ĐH từng có 4 năm thực hiện phương thức xét tuyển theo học bạ, cho biết điểm trung bình lớp 12 trong học bạ của HS luôn cao hơn hẳn 2 năm lớp 10, 11.
Năm 2013, khi lần đầu áp dụng phương thức xét tuyển theo học bạ, cán bộ nhập điểm của trường đã rất ngạc nhiên khi nhận thấy dù xét điểm 5 - 6 học kỳ nhưng điểm lớp 12 của HS luôn ở mức cao. Qua mỗi năm thực hiện phương án xét tuyển này trường còn nhận thấy điểm trung bình học bạ của HS khi xét tuyển vào trường tăng dần lên, đặc biệt điểm lớp 12 cao hơn hẳn.
Cán bộ tuyển sinh này nhấn mạnh, việc điểm lớp 12 tăng cao có nhiều nguyên nhân. “Một hiệu trưởng trường phổ thông từng cho biết rất lo lắng về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của HS trong trường. Trước áp lực của kỳ thi THPT quốc gia, trường buộc phải chọn cách là “tác động” vào điểm lớp 12 trong học bạ vì bắt đầu từ năm 2015, 50% điểm xét tốt nghiệp được tính dựa vào điểm trung bình lớp 12 trong học bạ. Một khi điểm học bạ cao, điểm thi chỉ cần mỗi môn 3 điểm vẫn đỗ tốt nghiệp”, cán bộ này nói. Từ phía đơn vị tuyển sinh, người này cho rằng do biết rõ điểm số lớp 12 của HS luôn cao nên sau này các trường ĐH, CĐ đều đồng loạt thực hiện phương thức xét tuyển chỉ dựa vào kết quả học tập lớp 12.
Lãnh đạo một trường ĐH công lập cũng cho biết khá ngạc nhiên khi xem điểm học bạ của HS đăng ký xét tuyển vào trường mình. Nhiều HS có sự chênh lệch đáng kể giữa học lực trong học bạ so với điểm thi THPT quốc gia. Thông thường nếu đạt học lực giỏi một môn nào đó trong học bạ thì điểm thi môn đó tối thiểu phải từ loại khá trở lên, nhưng thực tế có những HS điểm thi môn đó chỉ ở mức trung bình. Dù chưa thực hiện thống kê dữ liệu điểm ở quy mô lớn nhưng kết quả này rõ ràng cho thấy sự chưa tương xứng giữa học bạ và điểm thi.
Hà Ánh
|
tin liên quan
Nữ sinh Quảng Trị giành học bổng du học 3 trường ĐH danh tiếngĐặng Quỳnh Giao (sinh năm 1999, học sinh lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị) đã xuất sắc giành 3 học bổng từ 3 trường đại học danh tiếng gồm: ĐH Mount Allison, ĐH St. Thomas và ĐH Ca’Foscari of Venice.
Bình luận (0)