Chia sẻ nói trên của thầy Nguyễn Văn Đường cũng là tâm tư của hàng nghìn giáo viên (GV) ở Hà Nội khi tiếp cận văn bản hướng dẫn thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp (thi thăng hạng - NV) GV của Sở Nội vụ và Sở GD-ĐT Hà Nội. Trong khi đó, đồng nghiệp ở một số tỉnh bạn lại được xét thăng hạng thay vì phải thi. Thầy Đường cùng gần 2.500 GV đã làm đơn thư gửi lãnh đạo các cấp để đề nghị bỏ thi. Trong số này gần 50% là các GV thuộc thế hệ 6X, 7X. Hàng nghìn thầy cô cho rằng nếu Hà Nội tổ chức thi để thăng hạng sẽ gây nhiều bất lợi cho những đối tượng là GV đã lớn tuổi.
Chưa kể, công sức, thời gian GV dành cho việc ôn tập và dự thi cũng không ít, nhưng tính chất kỳ thi lại không khẳng định hoặc chứng minh được giá trị cốt lõi gì đối với ngành giáo dục. Tiêu chí quan trọng nhất để xét thăng hạng cho GV chính là những đóng góp cho ngành giáo dục.
Trước những tâm tư của GV ở nhiều địa phương, Bộ GD-ĐT mới đây đã có phản hồi. Dù quan điểm đứng về phía GV nhưng chỉ riêng sự ủng hộ của một mình Bộ GD-ĐT vẫn chưa thể giúp GV bớt âu lo. Bộ GD-ĐT cho rằng Bộ không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng. Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, đề xuất của GV về việc bỏ hình thức thi thăng hạng là có căn cứ.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết đã nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115 và Bộ GD-ĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này. Hiện Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng.
Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã có nhiều đề xuất liên quan đến đảm bảo quyền lợi cho các GV, trong đó chủ trương sẽ bỏ thi và xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để trả lương theo vị trí việc làm, được đông đảo cán bộ quản lý, GV đồng tình. Hàng vạn nhà giáo mong mỏi đề xuất ấy sớm được thể hiện bằng các văn bản quy phạm pháp luật chứ không phải dừng lại ở chủ trương hay mong muốn của một bộ, ngành.
Trong thời gian chờ quyết định chính thức từ Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT cũng chỉ có thể đề nghị các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng nhằm tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm xác định được những GV thực sự xứng đáng để thăng hạng.
Năm học mới đang đến gần, cùng việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, yêu cầu đặt ra với GV ngày càng cao về chuẩn trình độ, về chuyên môn, về phương pháp dạy học. Điều mong mỏi lớn nhất của GV là họ được yên tâm tập trung vào chuyên môn, được đánh giá, nâng hạng và trả lương xứng đáng với thực lực cống hiến bằng một chính sách thống nhất, chứ không phải thấp thỏm với việc địa phương mình năm nay thi hay xét tuyển để thăng hạng.
Bình luận (0)