Để giờ học không tẻ nhạt

19/11/2014 07:15 GMT+7

Để học sinh hứng thú trong học tập, nhiều giáo viên đã tìm mọi cách tạo niềm vui trong từng giờ lên lớp.

 
Tiến sĩ Hoàng Đỗ Ngọc Trầm, giảng viên Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
 - Ảnh: M.Quyên

Bùi Thị Thu, giáo viên dạy môn vật lý của Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.Phú Nhuận (TP.HCM) cho rằng giáo viên hiện nay phải luôn tự học, sáng tạo để thu hút học sinh trong tiết dạy của mình. Bên cạnh việc truyền thụ kiến thức, cần quan tâm để có thể nắm bắt được tâm lý, hoàn cảnh của từng  học sinh. Từ đó tư vấn cho học sinh về tình cảm, tình yêu, phương pháp học tập thông qua trao đổi trực tiếp hoặc các trang mạng xã hội.

Cô Thu thường ứng dụng thông tin trong dạy học môn lý đồng thời có những sáng kiến, đề tài áp dụng có hiệu quả trong giảng dạy. Tiêu biểu là sáng kiến đổi mới phương pháp giảng dạy môn lý, giải nhanh một số bài tập trắc nghiệm vật lý 12. Theo cô Thu, khi áp dụng những đổi mới này, các học viên yếu, trung bình đã lấy lại được căn bản; các học sinh khá, giỏi đã nâng cao kỹ năng làm bài tập và thực hành thí nghiệm. Đặc biệt, học sinh rất hứng thú trong các giờ học môn vật lý.

Nói đến các giờ học của tiến sĩ Hoàng Đỗ Ngọc Trầm, giảng viên Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, hẳn nhiều sinh viên còn nhớ những khoảnh khắc hết sức thú vị. Trước khi vào bài giảng, cô nói với cả lớp: “Các em được thiền trong vòng 3 phút nhé!”. Cô Trầm chia sẻ: “Những lúc bước vào lớp học, nhìn sinh viên có dấu hiệu mệt mỏi hoặc chưa sẵn sàng để tiếp tục một giờ học mới, tôi thường nói các em hãy thiền đi, hãy tĩnh lặng, nghỉ ngơi vài phút, lấy lại sự cân bằng để tiếp nhận một bài học mới”.

Không chỉ vậy, vào mỗi đầu giờ học, cô Trầm lại thu hút sinh viên bằng những đoạn phim, câu chuyện ý nghĩa mà mình vừa sưu tầm được. Cho dù nó không liên quan gì đến kiến thức các môn học mà cô dạy nhưng lại giúp sinh viên có thêm hiểu biết về xã hội hoặc kỹ năng sống, kỹ năng làm việc... Rồi cô trò lại cùng trao đổi, bình luận nhanh về các nội dung đó trước khi bước vào bài giảng chính. Ngoài ra, trong các tiết học của cô Trầm, sinh viên còn được tham gia các trò chơi, thực hành kỹ năng mềm như làm việc nhóm như thế nào, làm sao để thuyết trình trước đám đông mà không run...

Lê Thanh - Mỹ Quyên

>> Vận dụng sơ đồ tư duy trong học tập
>> Thầy trò "đổi gió" để tiết học thiết thực hơn
>> Tiết học khó quên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.