Để không phải chuyện hên xui

30/12/2012 03:00 GMT+7

Sau những quyết định xử lý mạnh mẽ với các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài sai phạm, những ngày cuối năm, Bộ GD-ĐT đã công bố kết quả thanh tra các trường vi phạm về việc xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh. Đồng thời đề nghị xử lý kỷ luật cảnh cáo và khiển trách hiệu trưởng các trường có nhiều sai phạm.

Việc các trường tuyển vượt chỉ tiêu so với năng lực và tiêu chí theo quy định là hết sức phổ biến. Thậm chí nhiều trường chấp nhận bị phạt vì số tiền phạt đó chẳng thấm vào đâu so với số học phí thu được. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thừa nhận điều này trong phát biểu tại hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2013. Ông khẳng định: “Kiểm tra chỉ tiêu tuyển sinh 2012 thấy có không ít trường tuyển vượt rất nhiều so với năng lực đào tạo. Vi phạm này đã trở thành phổ biến, tràn lan. Việc phạt nặng các trường lên đến 80 triệu đồng thì các trường vẫn có lãi từ số thí sinh tuyển vượt”. 

Vì thế, việc xử lý mạnh mẽ vừa qua giúp các trường nhận ra rằng không phải cứ sai, bị phạt tiền (không đáng kể) rồi tái phạm. Dư luận đồng tình còn vì điều này thể hiện rõ ràng nhất ý nghĩa của tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Các trường luôn kêu gọi Bộ phải giao nhiều quyền tự chủ nhưng khi để tự quyết định lại gây ra sai phạm! Quan trọng hơn, chính động thái này của Bộ sẽ lập lại kỷ cương trong tuyển sinh và đào tạo ở rất nhiều trường, giúp phụ huynh và thí sinh biết được đâu là địa chỉ đáng tin cậy.

Thế nhưng, cũng còn nhiều vấn đề đặt ra từ những quyết định này. Đó là làm sao cho tất cả các trường bị xử phạt cảm thấy đây không phải là chuyện hên xui, dư luận không e ngại Bộ chỉ chăm chăm vào chuyện phạt mà thiếu tính cảnh báo.

Từ khi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng “3 chung”, số lượng thí sinh ảo là rất lớn, đặc biệt khi năm nay Bộ cho phép các trường không xác định số lần nguyện vọng thí sinh đăng ký xét tuyển. Theo quy định, các trường không được phép gọi thí sinh vượt 120% chỉ tiêu. Trên thực tế, con số này không còn khả thi vì chỉ có những trường tốp trên mới đảm bảo được tỷ lệ này. Các trường công lập tốp giữa và dưới hầu hết đều buộc phải gọi trên 120% mới mong có đủ chỉ tiêu. Không trường nào dám chắc chắn bao nhiêu phần trăm số thí sinh gọi sẽ nhập học vì vậy việc vượt quá tỷ lệ quy định để cuối cùng đủ, thiếu hay cao hơn chỉ tiêu lại là chuyện hên xui. Vì lẽ đó, nếu không phải kiểm tra 30 trường mà mở rộng ra nhiều nữa, chắc chắn số trường vi phạm sẽ rất cao.

Cũng có ý kiến cho rằng nếu giao ngân sách chi thường xuyên cho các trường ổn định trong 3 năm thì nên chăng việc xem xét vượt chỉ tiêu hay không cũng nên cân đối trong khoảng thời gian này.  

Những động thái vừa qua của Bộ phần nào giúp người dân có được niềm tin rằng nếu muốn làm và làm dứt khoát, Bộ sẽ chấn chỉnh được nhiều hạn chế trong ngành. Và, quan trọng là, điều này mới thể hiện rõ vai trò chính yếu của Bộ: không giải quyết vấn đề sự vụ mà thanh kiểm tra để đề xuất hoặc ra quyết định xử lý sai phạm; vạch ra chính sách vĩ mô mang tầm chiến lược... Tuy vậy, nếu căn cứ trên những quy định thực tế, bao quát hơn, công việc này của Bộ sẽ chuyên nghiệp hơn. Các trường cũng không lý do gì cho rằng không thể thực hiện được, và trường bị phạt chẳng qua là xui vì bị thanh tra.

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.