Đề nghị bỏ hình phạt tử hình 8 tội danh

16/04/2009 00:01 GMT+7

* Chưa bỏ án tử hình đối với tội tham ô và nhận hối lộ Tại phiên thảo luận hôm qua 15.4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Ủy ban Tư pháp (UBTP) đề nghị bỏ hình phạt tử hình 8 trong số các tội danh quy định áp dụng án tử hình tại Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự trình QH lần đầu, bao gồm: tội hiếp dâm (Điều 111); tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139); tội buôn lậu (Điều 153); tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180); tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197); tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Điều 221); tội đưa hối lộ (Điều 289); tội phá hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334).

UBTP đề nghị chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với 9 tội danh, trong đó có tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh...

Tại phiên thảo luận, đề nghị giữ lại mức án tử hình đối với 2 tội tham ô và nhận hối lộ nhận được sự tán đồng của tất cả các Ủy viên UBTVQH. Riêng án tử hình đối với tội phạm về ma túy, còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Thu Ba cho biết qua kết quả tập hợp thì đa số ý kiến các vị ĐBQH và các đoàn ĐBQH nhất trí với phương án tách Điều 194 thành hai điều 194, Điều 194a và bỏ hình phạt tử hình đối với tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy. Do có ý kiến đề nghị giữ lại hình phạt tử hình đối với tội chiếm đoạt chất ma túy, nên UBTP đề xuất hai phương án tách Điều 194, với điểm khác nhau cơ bản là: một phương án quy định áp dụng án tử hình và một phương án bỏ án tử hình đối với tội chiếm đoạt chất ma túy.

Sau khi nhắc lại chuyện đau lòng của một cán bộ mới vào nghề thi hành án, khi thấy trong kho có ma túy thì nổi lòng tham chiếm đoạt số ma túy này và bị kết án tử hình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường kết luận: “Kinh nghiệm thế giới cho thấy, cho dù bộ máy tư pháp có hoàn thiện đến đâu đi nữa thì cũng không thể loại trừ những sai lầm”. Từ kết luận này, ông Cường đề nghị nên bỏ án tử hình đối với tội tàng trữ, vận chuyển và chiếm đoạt ma túy, chỉ áp dụng án tử hình đối với tội mua bán. Cùng quan điểm với Bộ trưởng Tư pháp, Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Dương Thanh Biểu cung cấp thêm thông tin, hằng năm có khoảng gần 200 án tử hình, trong đó có khoảng 1/3 án thuộc tội về ma túy nhưng hầu như không có án tử hình nào vì tội vận chuyển ma túy.

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, từng kinh qua chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp, lại cho rằng: “Nếu chiếm đoạt ma túy để mua bán thì phải xử cả về hai tội, tội chiếm đoạt và tội mua bán”. Ông Lưu bày tỏ: “Chiếm đoạt ma túy mà không tử hình thì vô lý, chiếm đoạt còn nguy hiểm hơn mua bán”.

Là người trực tiếp đấu tranh với tội phạm về ma túy, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm cũng tha thiết đề nghị giữ lại án tử hình đối với tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán ma túy. Thứ trưởng Tiệm cho biết, thực tế đã phát hiện được rất nhiều vụ vận chuyển 20 – 30 tấn ma túy, thậm chí lên tới hàng trăm tấn, vụ vận chuyển lớn được phát hiện gần đây nhất nếu quy ra giá trị cũng đủ để mua 2 chiếc máy bay Boeing. “Bây giờ tách ra để xử lý, tôi cho rằng sẽ tạo ra kẽ hở, kẽ hở là người ta khai ra là vận chuyển”, ông Tiệm lo lắng.

Xung quanh quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số tội danh trong lĩnh vực chứng khoán, UBTP cho rằng các tội phạm thuộc lĩnh vực chứng khoán mới được bổ sung trong Bộ luật Hình sự nên trước mắt chỉ nên quy định trách nhiệm hình sự đối với những hành vi phạm tội phổ biến và gây hậu quả nghiêm trọng, như tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật khi chào bán, niêm yết... Việc quy định trách nhiệm hình sự đối với các hành vi chào bán, kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường chứng khoán không có giấy phép, UBTP cho rằng các hành vi này xuất phát từ các quan hệ kinh tế, dân sự, vì vậy đề nghị trước mắt chỉ xử lý về mặt dân sự hoặc hành chính là phù hợp.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.