Đề nghị cân nhắc mức phạt hành chính tối đa 2 tỉ đồng

03/11/2011 16:30 GMT+7

(TNO) Dự luật Xử lý vi phạm hành chính quy định mức xử phạt tiền tối thiểu là 50.000 đồng và tối đa lên tới 2 tỉ đồng. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) cho rằng việc tăng mức phạt tiền là cần thiết để đảm bảo tính răn đe, song “cần cân nhắc mức tăng bao nhiêu là hợp lý”.

>> Đề xuất đưa Luật biểu tình vào chương trình chuẩn bị
>> Cần chấm dứt đầu tư dàn trải

Chính phủ vừa trình dự luật Xử lý vi phạm hành chính tại phiên họp QH chiều nay, 3.11. Về quy định mức xử phạt đặc thù ở các lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị đối với khu vực nội thành của các TP trực thuộc T.Ư, Chính phủ cho biết có 2 luồng ý kiến.

Ý kiến thứ nhất đề nghị giao Chính phủ quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực trên, trên cơ sở đề nghị của HĐND TP trực thuộc T.Ư.

Ý kiến khác đề nghị giao HĐND TP trực thuộc T.Ư quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức phạt chung được quy định tại nghị định của Chính phủ. Tại phiên họp Thường vụ QH (TVQH) diễn ra ngay trước kỳ họp thứ 2 của QH khóa 13, nhiều Ủy viên TVQH đã đề nghị theo phương án này.

Báo cáo thẩm tra về nội dung này của dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết nhiều ý kiến tán thành với loại ý kiến thứ nhất. Tuy nhiên, cũng có ý kiến không tán thành vì cho rằng, “quy định như vậy sẽ tạo ra sự không bình đẳng trong cùng một cấp hành chính, những người có cùng một chức vụ như nhau nhưng lại có thẩm quyền xử phạt khác nhau đối với hành vi vi phạm giống nhau”.

Mặt khác, cần làm rõ đối với lĩnh vực khác như hình sự, thuế có áp dụng hình phạt, mức phạt tiền cao hơn nơi khác không? Ý kiến này cho rằng, hiện nay Nhà nước ta đang thực hiện thí điểm việc xử phạt cao hơn ở nội thành của các thành phố, đô thị đặc biệt, vì vậy, “cần phải tổng kết thực tiễn này rồi mới đưa vào quy định trong luật”.

Cần cân nhắc mức tăng tiền phạt

Khoản 1 Điều 23 của dự luật quy định mức xử phạt tiền tối thiểu là 50.000 đồng và tối đa là 2 tỉ đồng. Cơ quan thẩm tra cho rằng, “việc tăng mức phạt tiền là cần thiết, để bảo đảm tính răn đe, phù hợp với thực tiễn, nhưng cần cân nhắc mức tăng bao nhiêu là hợp lý”.

Mặt khác, theo cơ quan thẩm tra, không nên chỉ chú trọng nâng mức xử phạt tiền cao mà cần quan tâm đến các giải pháp kinh tế xã hội, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phải chú trọng công tác tổ chức, thực hiện nghiêm các biện pháp khác.

Chẳng hạn, đối với hành vi xây dựng trái phép chỉ cần phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền vừa phải nhưng áp dụng nghiêm biện pháp “buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép” sẽ có tác dụng tốt hơn; tránh trường hợp phạt tiền cao nhưng lại “cho tồn tại”.

Cũng theo ông Lý, có ý kiến cho rằng, so với pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính mới chỉ qua 3 năm thi hành, từ 2008 đến nay, thì việc tăng mức phạt tiền tối thiểu gấp 5 lần và tối đa tăng gấp 4 lần là quá cao, không phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cũng như thu nhập của nhân dân; không tương xứng so với mức phạt tiền được quy định trong bộ luật Hình sự.

 Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.