Đề nghị cung cấp thông tin về sản phẩm tương ớt Chin-su bị thu hồi

Liên Châu
Liên Châu
09/04/2019 07:05 GMT+7

Trước đó, có thông tin Nhật thu hồi 18.000 chai tương ớt Chin-su do có chất phụ gia axit benzoic.

Ngày 8.4, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế, cho biết Cục đã liên lạc và đề nghị Mạng lưới cơ quan ATTP quốc tế (INFOSAN) cung cấp thông tin chính thức về việc sản phẩm tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật cũng như nguyên nhân bị thu hồi.
“Về nguyên tắc, khi có bất cứ sự cố nào về thực phẩm bị cấm hay chứa chất nguy hiểm có thể đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, INFOSAN sẽ cảnh báo ngay để thu hồi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa nhận được cảnh báo từ INFOSAN”, bà Nga nói và cho biết thêm Cục ATTP sẽ có văn bản gửi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) đề nghị xác minh thông tin về việc sản phẩm tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản vì tương ớt là sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý chất lượng của bộ này.
Trước đó, có thông tin Nhật thu hồi 18.000 chai tương ớt Chin-su do có chất phụ gia axit benzoic. Theo bà Nga, axit benzoic là phụ gia thực phẩm (chống nấm mốc) được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) cho phép sử dụng. Tại VN, axit benzoic cũng được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau. “Chúng tôi có tìm hiểu thì được biết Nhật Bản không cho phép sử dụng axit benzoic trong tương ớt nhưng vẫn cho phép sử dụng axit benzoic trong các nhóm thực phẩm khác. Cụ thể, theo quy định tại danh mục phụ gia sử dụng trong chế biến thực phẩm ở Nhật Bản ban hành mới nhất (cuối năm 2018), chất này được phép sử dụng trong nước tương (xì dầu) với hàm lượng 0,6 gr/kg; trứng cá 2,5 gr/kg; siro 0,6 gr/ kg; bơ thực vật 1 gr/kg; chất này cũng được sử dụng trong đồ uống không cồn, tương cà chua (ketchup)...”, bà Nga nói.
Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng ATTP, axit benzoic không phải chất cấm mà là chất bảo quản được sử dụng với hàm lượng nhất định. Dù là tiêu chuẩn chung nhưng cũng có nhiều phụ gia thực phẩm nước này cấm, nước kia không. Với axit benzoic, gần 190 quốc gia cho phép sử dụng. Có chất VN cấm sử dụng nhưng vẫn được các nước chấp nhận, như VN không chấp nhận Ractoramin B trong chăn nuôi nhưng một số nước như Nhật, Úc, New Zealand vẫn cho phép sử dụng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.