Đề nghị lùi thời điểm có hiệu lực của Luật Thuế thu nhập cá nhân

07/08/2007 17:06 GMT+7

Ngày 7.8, tại Hà Nội, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯMTTQVN) phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân. Phó chủ tịch UBTƯMTTQVN Đỗ Duy Thường; Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Trần Đại Hưng; lãnh đạo các tổ chức thành viên, Hội đồng tư vấn của MTTQVN; Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính... cùng dự hội nghị.

Các đại biểu nhất trí cho rằng: Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, trong bối cảnh Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO thì việc ban hành luật về thuế thu nhập cá nhân cho phù hợp với sự phát triển và thông lệ quốc tế là điều cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, để phát huy hiệu lực của Luật Thuế thu nhập cá nhân trong cuộc sống hay để Luật có tính khả thi cao, trở thành công cụ pháp lý đảm bảo công bằng xã hội, Dự thảo Luật cần được hoàn thiện hơn về kỹ thuật lập pháp, tránh gắn kết với nhiều chính sách xã hội làm giảm tính độc lập của một sắc thuế...

Theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Khánh, Viện Khoa học kiểm sát - Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, tính khả thi của Luật không chỉ phụ thuộc vào sự phù hợp giữa quy định của Luật với các điều kiện kinh tế-xã hội, sự chuẩn bị các nguồn lực bảo đảm thi hành, mà còn ở kỹ thuật lập pháp. Để tăng cường tính khả thi, các quy định của Luật phải được trình bày đơn giản, dễ hiểu, dễ vận dụng và không có sự chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn về mặt cơ cấu, nội dung, hình thức.

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ đề nghị: Không đánh thuế vào nguồn thu nhập lương hưu, bởi lẽ đây là tiền do chính người dân bỏ ra, đóng góp vào Quỹ bảo hiểm xã hội, nay Bảo hiểm xã hội chi trả dần cho họ. Đại biểu cũng đề nghị không nên đánh thuế vào khoản lãi từ gửi tiết kiệm và không nên dồn thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế thu nhập cá nhân của chủ doanh nghiệp làm một bởi thuế thu nhập doanh nghiệp không trừ gia cảnh còn thuế thu nhập cá nhân được từ gia cảnh.

Chủ tịch Hiệp hội công thương TP Hà Nội Vũ Duy Thái nêu ý kiến: Quan điểm công bằng trong dự thảo luật chưa được quán triệt, bởi đã là thuế thu nhập cá nhân thì mỗi cá nhân có thu nhập đều phải nộp thuế. Cá nhân có thu nhập cao phải nộp thuế nhiều, cá nhân thu nhập thấp thì nộp thuế ít. Tuy nhiên, Dự thảo đã để ngoài sắc thuế tới 15 khoản thu không phải chịu thuế, trong đó có các khoản phụ cấp thường xuyên như chi phí đưa đón, ăn nghỉ, cũng như các khoản phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp chức vụ từ ngân sách nhà nước không xem là thu nhập chịu thuế, nhưng các khoản phụ cấp tương ứng ở các doanh nghiệp lại thuộc diện chịu thuế...

Các đại biểu còn đóng góp nhiều ý kiến vào đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân, các loại hình thu nhập chịu thuế, không chịu thuế, khoản giảm trừ gia cảnh, quy định về người phụ thuộc, quy định về tổng mức giảm trừ gia cảnh, thời điểm tính số tiền giảm trừ gia cảnh, về quản lý thuế thu nhập cá nhân... Riêng về thời điểm có hiệu lực của Luật Thuế thu nhập cá nhân kể từ ngày 1.1.2009, đa số các đại biểu đề nghị lùi lại ít nhất một năm trở lên.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.