Đề nghị tăng mức phạt hành vi quấy rối tình dục lên 10 - 30 triệu đồng

15/11/2019 00:00 GMT+7

Ngày 14.11, Văn phòng Chính phủ cùng Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính. Sau 6 năm thi hành luật đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng cần nâng mức xử phạt vi phạm hành chính, đặc biệt là các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM), Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với một trong những hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” là không mang tính răn đe đối với người vi phạm. “Tôi thấy mức xử phạt này quá nhẹ. Tương ứng các hành vi trên có thể là quấy rối tình dục trong thang máy, xe buýt... nhưng mức xử phạt ấy đồng nghĩa với việc xem thường pháp luật, tình trạng mất trật tự công cộng sẽ ngày càng tăng, dư luận bức xúc”, luật sư Hậu nói và đề nghị mức xử phạt có thể tăng lên từ 10 - 30 triệu đồng.
Trao đổi với PV Thanh Niên bên lề hội thảo, ông Lưu Đức Quang (giảng viên Khoa Luật, Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng nên tách xử phạt hành chính các hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” ra một điều khoản riêng và tăng mức phạt từ 5 - 40 triệu đồng, tùy hành vi, mức độ, và mức phạt cũng phù hợp với mức phạt tối đa được quy định trong luật Xử lý vi phạm hành chính.
“Các hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm được hiểu nôm na là quấy rối tình dục và hành vi này được gộp chung vào hành vi thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng. Như vậy hành vi thả “dê” trong thang máy không khác gì thả chó ngoài công viên. Việc quy định như vậy không còn phù hợp với thực tế”, ông Quang đánh giá và đề nghị cần hình sự hóa các hành vi vi phạm trên.
Theo ông Quang, hành vi quấy rối tình dục đối với trẻ em được hình sự hóa bằng hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi; Bộ luật Lao động năm 2013 quy định nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Và năm 2015, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội có Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc, trong đó nêu rõ các hành vi được xem là quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Vì vậy, đây là cái nền, là kinh nghiệm cho các nhà lập pháp tiếp tục đưa ra khái niệm thế nào là hành vi quấy rối tình dục tại nơi công cộng. Từ đó, phổ quát, nâng tầm từ xử phạt hành chính đến xử lý hình sự tùy hành vi, mức độ vi phạm. Chẳng hạn, từng bị xử phạt hành chính nhưng tiếp tục tái diễn sẽ bị xử lý hình sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.