Phạt chưa đủ sức răn đe
Theo quy định của dự luật ATTP, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về ATTP tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính (được ấn định ít nhất bằng giá trị thực phẩm vi phạm đã tiêu thụ và nhiều nhất không quá 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ, tiền do vi phạm mà có sẽ bị tịch thu theo quy định của pháp luật) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Cho rằng cần có mức phạt đủ sức răn đe ngăn ngừa vi phạm, ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) đề nghị chỉ lấy một mức phạt cao nhất là gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ, bởi theo ĐB này: “Nếu để khoảng cách dao động từ ít nhất đến nhiều nhất không quá 7 lần sẽ dễ xảy ra tình trạng tiêu cực trong xử lý”.
“Tôi nghĩ mức phạt này đối với thực phẩm đã tiêu thụ là thấp, nhất là thực phẩm tươi sống có giá trị rất thấp, nếu chúng ta phạt bằng giá trị hoặc 7 lần thì tôi nghĩ mức phạt với rau, củ, quả và các sản phẩm tươi sống hằng ngày không đủ tính răn đe”, ĐB Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) hưởng ứng. Theo bà Hoa, cần phân mức xử phạt theo nhóm số lượng cụ thể, ví như với thực phẩm dưới 10 kg, từ 10 kg - 50 kg, và từ 50 kg trở lên để có mức phạt hợp lý.
ĐB Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai) không giấu được bức xúc khi đề nghị phải nâng mức xử phạt tối thiểu lên gấp 10 lần và mức tối đa thật cao, thậm chí gấp hàng trăm lần giá trị thực phẩm vi phạm đã tiêu thụ, vì những thiệt hại về sức khỏe của người tiêu dùng khó mà bù đắp được. “Mức xử phạt phải làm sao để những loại thực phẩm có chứa hóa chất độc hại có thể gây ung thư không còn đất sống, những hành vi xem thường pháp luật, xem thường nhân mạng, chỉ biết làm giàu, kiếm tiền trên sức khỏe của người khác như nhặt thực phẩm hết hạn sử dụng về thay nhãn mác, đưa ra thị trường tiêu thụ hoặc chế biến những thực phẩm từ nguồn nguyên liệu nhiễm khuẩn đã được phát hiện trong thời gian qua sẽ không còn có chốn “dung thân”, ĐB này nhấn mạnh.
Quy trách nhiệm cá nhân
ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nói ông rất muốn thành lập Ủy ban ATTP quốc gia để có một tổ chức đủ thẩm quyền giải quyết kịp thời tình trạng vi phạm ATTP hiện nay. Theo kinh nghiệm một số nước như Anh, Mỹ mà ông Thuyết dẫn ra thì Ủy ban Quản lý ATTP quốc gia ở nước họ họp hằng tháng công khai, được truyền hình, dân được đến dự và có thể nêu tất cả những thắc mắc để ủy ban này giải đáp, xử lý rõ ràng.
Cũng theo ông Thuyết, trong điều kiện Bộ Y tế nước ta phải gánh trách nhiệm rất lớn là khám, chữa bệnh và nhiều vấn đề phải lo, nếu thêm việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm là nặng. Theo kiến nghị của ông Thuyết, chỉ nên giao Bộ Y tế đi kiểm tra, và kiểm tra đến ngành nào, địa phương nào có chuyện thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin bộ ấy và địa phương ấy “cái ghế”. Có như thế thì mới được.
Tuy nhiên, giải pháp quan trọng hơn cả để bảo đảm quản lý ATTP, theo ông Thuyết, là “phải gắn với trách nhiệm cá nhân. Bộ, ngành nào, địa phương nào để xảy ra những vụ mất ATTP nghiêm trọng thì người đứng đầu nơi ấy phải chịu trách nhiệm, chứ không như hiện nay là mọi chuyện vẫn vô tư”. Bởi khi sợ bị xử lý, người đứng đầu mới lo củng cố bộ máy, lo công việc, đôn đốc các cấp trực thuộc làm tốt...
Dự kiến Luật ATTP sẽ được QH thông qua tại kỳ họp này và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2011.
500 lần ăn rau sẽ có 50 lần gặp nguy hiểm!
Ông Nguyễn Đăng Vang (ảnh), Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học -Công nghệ và Môi trường của QH nhận xét như vậy khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên sáng 1.6 về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
* Thưa ông, trước nay chúng ta đã có nhiều văn bản, quy định về bảo đảm ATVSTP nhưng tình trạng vi phạm vẫn ngày một gia tăng, người dân vẫn phải đối mặt với nỗi lo bệnh tật và các hiểm họa từ thực phẩm không rõ nguồn gốc. Luật ATTP lần này (có hiệu lực từ ngày 1.1.2011) liệu có giải quyết được tình trạng trên?
|
Ảnh: Nguyễn Thế Dũng |
- Trong Luật ATTP sửa đổi lần này, thứ nhất là phân công rõ trách nhiệm các bộ, giảm bớt đầu mối quản lý; thứ hai là quản lý theo chuỗi thực phẩm từ khâu đầu đến khâu cuối, truy xuất tận gốc, biết rõ nguyên nhân vi phạm, qua đó doanh nghiệp nào sản xuất, chế biến thực phẩm không an toàn sẽ phải chịu trách nhiệm. Trước nay, chúng ta có các văn bản quy định khá đầy đủ về đảm bảo ATVSTP nhưng do chúng ta không có đủ người thực hiện, lại không đầu tư kinh phí cho kiểm tra thực phẩm, xét nghiệm thật nhanh, rồi chi phí, lương cho đội ngũ thanh tra... nên thực tế có những hạn chế. Luật này sẽ khắc phục tất cả nhược điểm mà chúng ta đã phát hiện ra.
* Nhiều ý kiến cho rằng còn có lý do khác khiến tình trạng vi phạm ATVSTP vẫn phổ biến là do chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe và chưa quy trách nhiệm rõ ràng với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Lần này quy về đầu mối quản lý là Bộ Y tế thì liệu vi phạm ATTP có được cải thiện?
- Đầu mối là Bộ Y tế nhưng mỗi bộ đều có trách nhiệm riêng. Ví dụ như Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phải chịu trách nhiệm trên chuỗi sản phẩm do Bộ quản lý chứ không phải Bộ Y tế chịu trách nhiệm thay.
* Thực tế thời gian qua cho thấy, hầu hết các vụ việc nóng về vi phạm ATTP đều do báo chí hoặc người tiêu dùng phát hiện, phanh phui. Có vẻ như cơ quan chức năng vẫn thụ động chạy theo giải quyết các sự việc đơn lẻ hơn là có giải pháp chủ động bảo vệ người tiêu dùng trước mối nguy mất ATTP?
- Việc phát hiện vi phạm trong ATVSTP không riêng VN mà ở các nước cũng chủ yếu do người tiêu dùng phát hiện. Vấn đề là cơ quan chức năng phải vào cuộc sau khi người tiêu dùng phát hiện, tố giác.
* Vậy theo đánh giá của ông thì sự vào cuộc của cơ quan chức năng sau khi có phản ánh về vi phạm ATVSTP đã kịp thời và đạt yêu cầu hay chưa?
- Trong quá trình giám sát và đánh giá công tác ATVSTP từ năm 2004 đến năm 2008, phải nói công tác ATVSTP của chúng ta cũng có nhiều tiến bộ, đấy là sự thật. Chẳng hạn như bây giờ chúng ta thấy yên tâm hơn về thức ăn của chúng ta, không chỉ chúng ta mà ngay cả thế giới cũng thừa nhận thức ăn ở VN là ngon. Rồi rau quả, chúng ta cứ cho rằng kém chất lượng nhưng hiện cũng đang xuất khẩu với mức tăng trưởng rất nhanh, ví như năm ngoái xuất khẩu được tới 431 triệu USD. Hay như gạo, chúng ta xuất khẩu tới gần 6 triệu tấn và thực phẩm như thủy sản xuất tới 4,6 tỉ USD. Điều đó cho thấy thực phẩm của ta cơ bản là an toàn.
Tuy nhiên, vẫn còn thực phẩm không an toàn mà chúng ta không phát hiện ra được do thiếu trang thiết bị kiểm tra nhanh, hiện đại, thiếu lực lượng thanh tra chuyên ngành. Vì vậy, lần này Luật ATTP đưa ra chính sách tăng cường đầu tư cho các viện nghiên cứu, cho các cơ sở xét nghiệm hiện đại và khuyến khích các thành phần xã hội tham gia vào công tác VSATTP.
* Trả lời báo chí trước đây, ông từng thừa nhận không yên tâm khi ăn rau sống, liệu những con số xuất khẩu về lương thực, thực phẩm nói trên có đồng nghĩa với việc thức ăn hằng ngày người dân dung nạp đã có thể yên tâm về độ an toàn, và bản thân ông cũng đã thấy yên tâm khi ăn rau sống?
- Trong quá trình đánh giá của hầu hết các tỉnh, thống kê lại thì rau của chúng ta đảm bảo độ yên tâm được 91%, còn 9% chưa đảm bảo yêu cầu. Gần như người VN chúng ta ngày nào cũng ăn 1 - 2 lần rau, như vậy nếu 500 lần ăn rau sẽ có tới 50 lần (tức 10%) gặp nguy hiểm.
94% thức ăn đường phố đang “lọt lưới”
* Trên thực tế thì rất nhiều vụ ngộ độc xuất phát từ khâu chế biến, bảo quản thức ăn chứ không hẳn từ khâu sản xuất. Chế tài đối với thức ăn đường phố trong quy định của luật theo ông đã đủ để ngăn chặn tình trạng này chưa?
- Thức ăn đường phố hiện chưa đạt yêu cầu về vệ sinh thực phẩm. Chúng ta mới quản lý được khoảng 6,1%, còn gần 94% là chưa quản lý. Bây giờ bảo sau luật này chúng ta sẽ quản lý được bao nhiêu phần trăm thì phải kiểm tra, đánh giá lại nhưng có thể nói, lần này chúng ta thừa nhận vấn đề này phải được quản lý chứ không thả lỏng, cụ thể là giao cho UBND các cấp quản lý việc này, trong nghị định hướng dẫn sẽ phân cấp cụ thể cho cấp TP, huyện, phường xã...
* Vừa rồi có ĐB nói rằng Luật ATTP quy định mức phạt vi phạm tối đa bằng 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm là nhẹ và thiếu tính khả thi. Theo ông thì chế tài xử phạt như quy định của luật đã đủ để ngăn ngừa vi phạm?
- Vấn đề xử phạt vi phạm ATTP vốn gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây chúng ta đã quy định xử phạt hành chính vi phạm ATVSTP tới 70 triệu đồng, sau này lên tới 500 triệu đồng nhưng thực tế thống kê của chúng tôi cho thấy trong 1,3 triệu vụ việc bị xử phạt của 5 năm trước, trung bình mức phạt chỉ khoảng 800 nghìn đồng, khác xa so với mức phạt quy định hiện hành tối đa là 500 triệu đồng. Giờ quy định phạt gấp 7 lần giá trị hàng hóa cũng đã cao gấp rất nhiều lần so với mức xử phạt thực tế lâu nay, nên quy định như thế cũng là hợp lý.
* Xin cảm ơn ông!
Nguyệt Minh (thực hiện)
|
Nguyệt Minh
Bình luận (0)