Đề nghị y án chung thân Hà Văn Thắm, tử hình Nguyễn Xuân Sơn

Vũ Hân
Vũ Hân
27/04/2018 05:23 GMT+7

Hôm qua (26.4), đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm đại án OceanBank đã công bố bản luận tội, trong đó giữ nguyên mức án sơ thẩm đối với Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn cùng nhiều bị cáo khác.

Tòa sơ thẩm xử không oan
Bản luận tội nêu rõ, quá trình hoạt động từ 2008 - 2014 của Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) đã xảy ra nhiều vi phạm trong việc huy động tiền gửi; cho vay; chi vượt trần lãi suất; chi lãi ngoài hợp đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tham ô tài sản dẫn đến nợ xấu tính tới ngày 31.3.2014 hơn 14.000 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước, cho OceanBank và các tổ chức cá nhân; ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của nhà nước và các hậu quả khác. Nguyên nhân là vi phạm của bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank và Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank cùng nhiều bị cáo khác.
Đại diện Viện Kiểm sát (VKS) nhấn mạnh có đủ căn cứ để khẳng định Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt 246 tỉ đồng, gồm 69 tỉ đồng của Công ty BSC (do Hà Văn Thắm thành lập), 197 tỉ đồng của OceanBank (trong đó Ninh Văn Quỳnh đã nhận là cầm 20 tỉ đồng). Theo VKS, tất cả các thành viên của Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN) là các tổng công ty, công ty con, công ty liên doanh đều có số tiền gửi rất lớn tại OceanBank. Chỉ riêng PVN thời điểm cao nhất số tiền gửi tại OceanBank lên tới trên 12.000 tỉ đồng. Nguyễn Xuân Sơn là người có chức vụ, quyền hạn, có quyền quản lý phần vốn góp và các lợi ích phát sinh từ nguồn vốn này tại OceanBank; bị cáo cũng là người có ảnh hưởng, chi phối rất lớn và quyết định đến nguồn gửi tiền của PVN và các thành viên PVN tại OceanBank.
Chính vì vậy, trong số tiền 1.576 tỉ đồng OceanBank đã sử dụng để chi ngoài lãi suất, có 246 tỉ chi cho Nguyễn Xuân Sơn. “Nguyễn Xuân Sơn đã lợi dụng chức vụ, vị thế của mình, buộc Hà Văn Thắm phải chi tiền, thực tế đã nhận của OceanBank 246 tỉ đồng. Việc đưa và nhận số tiền trên của Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn đã cùng lúc phạm 2 tội: tội tham ô tài sản với số tiền 49 tỉ đồng là tiền của nhà nước vì PVN là doanh nghiệp 100% vốn thuộc sở hữu nhà nước và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt với số tiền còn lại là 197 tỉ đồng của OceanBank”, bản luận tội của VKS khẳng định và nhấn mạnh “kết án của tòa sơ thẩm là có căn cứ và không oan”.
Đại diện VKS cũng cho rằng, số tiền 49 tỉ đồng Nguyễn Xuân Sơn tham ô là khoản tiền thuộc sở hữu nhà nước do PVN đại diện quản lý, nên tòa sơ thẩm buộc Nguyễn Xuân Sơn phải bồi hoàn số tiền này cho PVN là đúng.
Chi lãi ngoài đã tiếp tay cho tham nhũng
Ngoài việc không chấp nhận đơn kháng cáo của Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn, đại diện VKS cũng đề nghị không chấp nhận đơn của Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Phó tổng giám đốc OceanBank; Nguyễn Minh Thu, nguyên Tổng giám đốc OceanBank; Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng; Hứa Thị Phấn, nguyên Cố vấn cấp cao HĐQT TrustBank; Lê Thị Thu Thủy, nguyên Phó tổng giám đốc OceanBank; Nguyễn Thị Thu Ba, nguyên Giám đốc khối bán lẻ OceanBank; Nguyễn Thị Nga, nguyên Kế toán trưởng OceanBank; Ngô Hải Nam, nguyên Giám đốc chi nhánh Quảng Ninh OceanBank...
Đại diện VKS cho rằng, hành vi chi lãi ngoài hợp đồng của các bị cáo nguyên là giám đốc khối hội sở, giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch từ cuối năm 2010 đến 31.12.2014 là vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, diễn ra liên tục trong nhiều năm, không chỉ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về vật chất là 1.576 tỉ đồng không thu hồi được mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Mặt khác, hậu quả của việc chi lãi suất vượt trần dẫn đến OceanBank thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại với giá 0 đồng, gánh toàn bộ nghĩa vụ và trách nhiệm đối với khách hàng, đầu tư cho việc tái cơ cấu OceanBank. Theo báo cáo tài chính của OceanBank (mới) vào ngày 16.5.2015, tổng tài sản ngân hàng là 23.000 tỉ đồng, nhưng số nợ phải trả lên tới hơn 35.000 tỉ đồng.
Kết quả điều tra và xét hỏi công khai tại phiên tòa cho thấy, bên cạnh chi lãi suất ngoài cho các khách hàng cá nhân, OceanBank đã chi cho các tổ chức kinh tế, trong đó đa số là các tổ chức kinh tế có vốn nhà nước, nhưng thực chất là chi cho các cá nhân lãnh đạo của các tổ chức này, tạo ra lợi ích nhóm, lợi dụng tài sản chung để trục lợi cá nhân, tiếp tay cho tham nhũng.
“Kết luận của VKS là không thay đổi hình phạt đối với các bị cáo. VKS đề nghị giảm hình phạt cho một số bị cáo, do đến phiên tòa phúc thẩm có tình tiết mới. Với các bị cáo không có tình tiết mới, VKS chưa có quan điểm vì mức hình phạt áp dụng cho một số bị cáo đã là nhẹ. Nếu các bị cáo hình phạt đã nhẹ, có thêm tình tiết mới thì cũng không có căn cứ xem xét”, đại diện VKS bày tỏ quan điểm.
Các bị cáo: Vũ Thị Thùy Dương (nguyên Giám đốc khối kế toán và giao dịch trong nước), Nguyễn Hoài Nam (nguyên Giám đốc khối nguồn vốn), Đỗ Đại Khôi Trang (nguyên Giám đốc khối khách hàng cá nhân), Trần Anh Thiết (nguyên Giám đốc chi nhánh Hà Nội), Nguyễn Thị Loan (nguyên Giám đốc chi nhánh Trung Yên), Nguyễn Phan Trung Kiên (nguyên Giám đốc phòng giao dịch Đông Đô) được đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. VKS cho rằng mặc dù hậu quả của các bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, nhưng xét thấy tính chất, mức độ hậu quả, hành vi thì hầu hết các bị cáo đều là người làm công, hưởng lương, thực hiện theo sự chỉ đạo, không được hưởng lợi. Đặc biệt, một số bị cáo đã khắc phục được toàn bộ số tiền chi lãi ngoài như Trần Anh Thiết, Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Phan Trung Kiên; số bị cáo còn lại khắc phục được một phần hậu quả hoặc phần lớn số tiền đã chi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.