Nhiều người khuyết tật đi xe buýt tại TP.HCM vẫn còn bị phân biệt đối xử. Có trường hợp xe buýt không dừng lại đón người khuyết tật vì sợ tốn thời gian, không thu được “tiền tươi”.
Đó là phản ánh của đại diện người khuyết tật tại buổi tọa đàm chia sẻ thông tin về điều kiện tiếp cận 6 tuyến tàu điện ngầm TP.HCM cho người khuyết tật, do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức vào sáng 16.6.
Bà Võ Thị Hoàng Yến, thạc sĩ Phát triển con người, Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và phát triển cho rằng, những người làm chính sách ở trên hiểu rõ những cái khó của người khuyết tật nhưng khi chỉ đạo xuống cấp dưới thì nhiều người không hiểu và không thực hiện đúng.
Bà Yến lấy một dẫn chứng là việc xây lề đường cho người khuyết tật tại TP.HCM nhưng lại để cây xanh ngáng lối đi của người ngồi xe lăn. Điều này khiến người khuyết tật đi tiếp cũng không được, xuống lại cũng không xong.
|
Cũng theo bà Yến, TP.HCM có một số xe buýt có lối lên xuống, ghế ngồi dành cho người khuyết tật nhưng tài xế không chịu dừng lại đón vì sợ tốn thời gian và vì người khuyết tật có vé đi xe buýt miễn phí.
Ông Chu Ngọc Hùng, Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, hiện trạng giao thông còn nhiều rào cản đối với người khuyết tật. Chẳng hạn đối với hệ thống giao thông đường sắt hiện nay, đường ray nằm nổi trên mặt đất chưa đồng mức sàn tàu và ke ga; cửa tàu hẹp, nhiều bậc lên xuống, người bình thường lên xuống còn khó. Tuy nhiên, cải tạo những bất cập này là “vô cùng khó khăn”.
Về một số trường hợp từ chối phục vụ trong ngành hàng không đối với người khuyết tật trong thời gian qua, ông Hùng cho rằng, không thể đổ lỗi cho bên nào. Đó là vì trong một số trường hợp xuất phát từ việc thiếu thông tin từ người khuyết tật về điều kiện đi máy bay và ngược lại. Ngoài ra cũng có lỗi của nhân viên phục vụ ngành hàng không.
Đối với những bất cập về tiếp cận giao thông công cộng mà đại diện những người khuyết tật chỉ ra, ông Hùng cho rằng, chính sách của Bộ GTVT rất rõ ràng nhưng trách nhiệm thực hiện, tổ chức quản lý được phân cấp cho chính quyền địa phương.
Đại diện của những người khuyết tật tại TP.HCM cũng bày tỏ quan ngại khi sắp tới, TP sẽ đưa vào sử dụng 6 tuyến metro hiện đại. Đại diện của Ban Đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, khi hệ thống metro hoàn thành, nhà ga có bố trí thang máy cho người khuyết tật, mỗi nhà ga đều có máy bán vé tự động; cửa bán vé có đường riêng cho người khuyết tật; cửa soát vé đủ rộng để người khuyết tật đi qua...
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Thành, Hội Người khuyết tật VN cho rằng, trong quá trình xây dựng hệ thống metro, cần có đại diện của người khuyết tật trong thành phần giám sát để kiểm tra những hạng mục xây dựng riêng cho người khuyết tật có đạt yêu cầu và chất lượng hay không.
Bà Trần Thị Ngời, Hiệu trưởng trường Khuyết tật thính giác Hy vọng 1 đề nghị Bộ GTVT xem xét cấp giấp phép lái xe (thay vì giấy phép lái xe tạm thời như hiện nay) cho người khiếm thính để người khiếm thính không phải đối phó và “né” CSGT. Về điều này, ông Hùng cho rằng, các cơ sở sát hạch và cấp giấy phép lái xe khi tổ chức cấp bằng lái có xét đến tiêu chuẩn về sức khỏe đối với học viên. Nên nếu có trường hợp người khiếm thính bị từ chối cấp giấy phép lái xe là điều dễ hiểu. Ông Hùng nói sẽ ghi nhận ý kiến này và cần tham khảo thêm ý kiến của cơ quan chuyên môn về y tế. |
Trần Duy
Bình luận (0)