TNO

'Đệ nhất khoái' hàu sữa Nhật Lệ

21/05/2014 06:57 GMT+7

Sông Nhật Lệ dài vỏn vẹn 85km, chảy từ thượng nguồn là đỉnh U Bò thuộc dãy Trường Sơn đến điểm cuối là cửa biển Nhật Lệ, bao đời qua vẫn lưu giữ một sản vật trời ban. Đó là hàu, món ngon “thiên hạ đệ nhất khoái” của dòng Nhật Lệ. >> Ai mua hàu không? >> Tươi ngon gỏi hàu tái chanh

Sông Nhật Lệ dài vỏn vẹn 85km, chảy từ thượng nguồn là đỉnh U Bò thuộc dãy Trường Sơn đến điểm cuối là cửa biển Nhật Lệ, bao đời qua vẫn lưu giữ một sản vật trời ban. Đó là hàu, món ngon “thiên hạ đệ nhất khoái” của dòng Nhật Lệ.
>> Ai mua hàu không?
>> Tươi ngon gỏi hàu tái chanh

 Ngất ngây hàu sữa Nhật Lệ 1
Hàu xào rau húng, một loại rau có mùi thơm đượm rất đặc trưng, trồng ở làng rau Võ Xá

Nếu ra Quảng Bình và nhắc đến hàu, người ta nghĩ ngay đến sông Nhật Lệ, tiếp đến là thị trấn Quán Hàu, lãnh địa nức tiếng của loài động vật nhuyễn thể này (chỉ cách Đồng Hới chưa đầy chục cây số khi xuôi về hướng nam). Nơi đây có nhiều hộ gia đình sống bằng nghề khai thác hàu, cùng rất nhiều hàng quán với món hàu luôn có trong thực đơn chính.

Tiếng lành đồn xa cũng lắm khi phản tác dụng, thực khách khắp miền lần mò tìm đến ăn hàu, hậu quả nguồn cung cấp ở Quán Hàu không đủ. Bởi cả ngày, một người đi khai thác hàu năng suất cao cũng chỉ tách được 2 - 3kg hàu nhân.

Đây là một công việc không đơn giản, vì phải tách đến hơn 20kg hàu vỏ mới kiếm được trung bình 1kg hàu nhân, hàu chưa kịp lớn cũng đã lên bàn nhậu. Vậy là hàu Huế, hàu đâu đó ở khu vực miền Trung được trà trộn vào các hàng quán, giảm đi ít nhiều phong vị “đệ nhất khoái” của dòng Nhật Lệ.

Quyết không bỏ qua cơ hội lai rai với Nhật Lệ đệ nhất khoái (tất nhiên phải là hàu xịn đóng dấu Nhật Lệ), nhờ sự mách nước của một anh bạn thổ công, tôi lần mò ra cửa biển Nhật Lệ từ sớm.

Lúc này thuỷ triều rút, lộ ra bãi đá cạn chắn xéo với cửa biển, hứng trọn hàu theo con nước chu du từ miền thượng trước khi đổ ra đại dương. Mỗi ngày, cư dân trong vùng ra cửa biển lấy hàu phải chạy đua với thuỷ triều, chưa đầy 10 giờ sáng, cả vùng cửa biển lại mênh mang nước.

Tháng 4 đến tháng 10 cũng là mùa hàu đổ sữa. Từng con hàu vừa tách ra khỏi đá đưa lên bờ lấy nhân, thịt không quá lớn, chỉ độ hai lóng tay, nhưng mập núc, căng tròn, mới nhìn bằng nửa con mắt đã… ứa nước miếng.

 
Nét tươi ngon, hấp dẫn của hàu sữa Nhật Lệ

Món dân dã và nhanh gọn nhất là hàu sống. Gắp con hàu căng sữa, chao qua bát nước chanh khử nhớt, quệt chút mù tạt cay nồng, rắc vào miếng hàu hột muối nhỏ, chêm lá húng nồng thơm của làng rau Võ Xá, để rồi nhắm mắt, cắn một miếng ngập răng cho bao tinh tuý lẫn béo ngậy của “đệ nhất khoái” tràn khắp vòm họng.

Chẳng biết phải do hàu ngon, hay các gia vị dân dã đi kèm mang phong vị đặc trưng riêng, khiến cho tay gắp hết miếng này, đến miếng nữa, ăn hoài mà không ngán.

Đã đời với hàu sống, còn có hàu xào húng, hàu chiên trứng, đến cháo hàu... đều dễ chế biến nhanh gọn, bởi sản vật này chẳng cần diêm dúa, hoa mĩ với gia vị cao sang, cũng đủ tạo nên một thực đơn hàu Nhật Lệ ngon đến quên sầu, không hổ danh “Nhật Lệ đệ nhất khoái”.

 

Cùng xem thêm những hình ảnh về hàu Nhật Lệ:

 'Đệ nhất khoái' hàu sữa Nhật Lệ  3
Toàn cảnh cửa biển Nhật Lệ lúc thuỷ triều lên

'Đệ nhất khoái' hàu sữa Nhật Lệ  4
Dải đá ngầm lộ ra khi thuỷ triều xuống, cũng là lúc người dân đi lấy hàu

'Đệ nhất khoái' hàu sữa Nhật Lệ 5
20kg hàu vỏ mới có được khoảng 1kg hàu nhân

'Đệ nhất khoái' hàu sữa Nhật Lệ 6
Hàu được chuyển về các nhà hàng ven biển Đồng Hới, là món đặc sản dùng trong ngày

Nguyễn Đình (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.