Đề phòng Trung Quốc, các nước Đông Nam Á sắm chiến đấu cơ mới

24/04/2016 06:00 GMT+7

Giữa lúc Trung Quốc tăng cường bành trướng trên Biển Đông, các nước Đông Nam Á nỗ lực thay thế những phi đội chiến đấu cơ già nua, mở đường cho các hãng sản xuất máy bay với những thương vụ hàng tỉ USD, theo Reuters.

Giữa lúc Trung Quốc tăng cường bành trướng trên Biển Đông, các nước Đông Nam Á nỗ lực thay thế những phi đội chiến đấu cơ già nua, mở đường cho các hãng sản xuất máy bay với những thương vụ hàng tỉ USD, theo Reuters.

Chiến đấu cơ Typhoon trong một triển lãm hàng không năm 2012 - Ảnh: ReutersChiến đấu cơ Typhoon trong một triển lãm hàng không năm 2012 - Ảnh: Reuters
Theo Reuters ngày 22.4, các nguồn tin từ chính phủ các quốc gia Đông Nam Á và hãng sản xuất máy bay tiết lộ với hãng tin này rằng những tháng sắp tới sẽ chứng kiến một số hợp đồng sắm máy bay quân sự trị giá hàng tỉ USD.
Các loại máy bay chiến đấu đang được nhắm tới có Typhoon (của liên doanh Eurofighter GmbH bao gồm bốn nước Đức, Tây Ban Nha, Anh, Ý), Su-30 (Nga), Rafale (Pháp)…
Một hội thảo bên lề triển lãm vũ khí tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) trong tuần này đã tạo cơ hội gặp gỡ cho khách hàng là đại diện chính phủ các nước và người bán là những hãng sản xuất vũ khí từ Mỹ, Nga, Pháp, Anh. Hội thảo này được tổ chức bốn năm một lần và những người tham dự trông rất bận rộn, theo ghi nhận của Reuters.
Một trong những khách hàng lớn ở khu vực Đông Nam Á là Malaysia. Chính quyền Malaysia đang nỗ lực thay thế các chiến đấu cơ MiG-29 thời thập niên 1990 do Nga sản xuất sau nhiều năm trì hoãn.
Các nguồn tin cho Reuters biết Kuala Lumpur có thể mua đến 18 chiến đấu cơ, với tổng trị giá hợp đồng trên 2,5 tỉ USD.
Các lựa chọn cho Malaysia bao gồm: máy bay JAS 39 Gripen (Thụy Điển), Typhoon (của liên doanh Eurofighter), Su-30 (Nga), Rafale (Pháp)…
Một chiến đấu cơ Su-35 của Không quân Nga. Loại tiêm kích hiện đại này đang chào hàng với Đông Nam Á AFP

“Chúng tôi kỳ vọng Malaysia là quốc gia thứ 9 trên thế giới sắm Typhoon”, theo ông John Brosnan, giám đốc phụ trách khu vực châu Á của hãng BAE Systems (Anh). BAE Systems là một trong số bốn đối tác của Eurofighter GmbH.
Reuters dẫn lời các nguồn tin tiết lộ Việt Nam cũng đã thảo luận với hãng Saab (sản xuất JAS 39 Gripen) và Dassault (sản xuất Rafale) để mua 12 chiến đấu cơ mới.
Các nguồn tin khác của Reuters cho hay Việt Nam cũng đang đàm phán với Nga để mua một số chiến đấu cơ Su-35. Nhưng các quan chức của Rosoboronexport, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý xuất khẩu vũ khí Nga, từ chối bình luận về thông tin này.
Các công ty quốc phòng Mỹ lẽ ra thu được nhiều hợp đồng nhờ vào xu hướng tăng cường sắm máy bay quân sự mới ở Đông Nam Á do nhờ chào bán nhiều ở khu vực này trong giai đoạn thập niên 1980 và 1990, nhưng nay phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều đối thủ khác nhau tại thị trường này.
Thái Lan, đang sở hữu các chiến đấu cơ F-5 của hãng Northrop (Mỹ) và F-16 của Lockheed Martin (Mỹ), đã chuyển sang mua sắm JAS 39 Gripen của hãng Saab (Thụy Điển) và có thể sắm thêm nhiều vũ khí do Thụy Điển sản xuất.
“Chúng tôi muốn các chiến đấu cơ mới, chúng tôi có những kế hoạch dài hạn, nhưng chúng tôi không có nhiều kinh phí. Và hiện chưa có bất kỳ thỏa thuận mua bán nào”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Thái Lan Kongcheep Tantrawanit cho hay.
Một chiến đấu cơ Rafale do Pháp sản xuất AFP
Hãng Boeing (Mỹ) đang nỗ lực chào hàng chiến đấu cơ F/A-18E/F Super Hornet cho Malaysia. Malaysia đang sở hữu những phiên bản cũ của dòng Boeing F-18 Hornet, nhưng Kuala Lumpur dường như hướng sang các hãng châu Âu, các nguồn tin ngành công nghiệp quốc phòng tiết lộ.
Trong khi đó, Indonesia, mới trang bị các chiến đấu cơ F-16 (đã qua sử dụng) của Lockheed Martin, sắp đạt được thỏa thuận với Nga mua tiêm kích hiện đại Su-35 để thay thế cho phi đội Su-30.
Ở Đông Nam Á, Singapore là nước chỉ sử dụng chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất, theo Reuters.
Trung Quốc cũng đang tăng cường sự hiện diện trên bảy đảo nhân tạo Bắc Kinh xây phi pháp trên bảy đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Vào ngày 17.4, một máy bay quân sự Y-8 của Trung Quốc lần đầu tiên đáp xuống Đá Chữ Thập thuộc Trường Sa. Washington lâu nay luôn cáo buộc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông, điều này khiến các quốc gia láng giềng Đông Nam Á quan ngại.
“Căng thẳng leo thang ở châu Á - Thái Bình Dương đã đẩy mạnh tiến trình hiện đại hóa quân sự tại nhiều quốc gia”, ông Craig Caffrey, nhà phân tích của trang tin quốc phòng IHS Jane's (Anh) nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.