Để quy định dạy thêm đi vào thực tiễn

13/04/2013 09:34 GMT+7

UBND TP.Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 13 về “Quy định quản lý dạy thêm, học thêm trên địa TP”. Xung quanh quy định này còn nhiều tranh cãi...

Thắt chặt hoạt động dạy thêm

 
Theo QĐ 13, giáo viên không được dạy thêm đối với học sinh tiểu học đã học ngày 2 buổi - Ảnh: D.H

Quyết định 13 của UBND TP quy định chặt về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP. Theo quy định, giáo viên không được dạy thêm đối với học sinh (HS) tiểu học và HS đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tại trường. Giáo viên hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, giáo viên các trường phổ thông tư thục đều không được phép tổ chức hoặc tham gia tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường. Những cá nhân không có bằng, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm không được mở lớp, không được tham gia giảng dạy tại các lớp dạy thêm, học thêm. Không dạy thêm cho HS của lớp chính khóa mà giáo viên đang giảng dạy tại trường, trừ trường hợp giáo viên các trường phổ thông dạy thêm tại trường do hiệu trưởng nhà trường phân công. Hoạt động dạy thêm, học thêm phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người học; không được ép buộc HS học thêm để thu tiền. Riêng các tổ chức, cá nhân được cấp phép quản lý HS ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình HS phải đảm bảo: lớp học có diện tích bình quân tối thiểu 1,1m2/HS theo quy định của Bộ GD-ĐT; có đủ ánh sáng, môi trường sạch sẽ, an toàn vệ sinh thực phẩm (nếu có tổ chức bữa ăn) và tuyệt đối không được dạy thêm. Cùng nhiều quy định khác có tính chất khép kín, quản lý chặt hoạt động dạy thêm, học thêm.

Rất khó để triển khai trong thực tiễn

Mới đây, tại cuộc họp triển khai do Sở GD-ĐT tổ chức, đã có nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh quy định này. Ông Trần Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND Q.Thanh Khê cũng góp ý, quy định về dạy thêm học thêm trên văn bản là vậy, nhưng sẽ rất khó khăn khi triển khai. Đối với học sinh bậc tiểu họckhông phải trường nào cũng đủ điều kiện để tổ chức dạy bán trú, trong khi nhu cầu thực tế các bậc phụ huynh rất muốn gửi con sau giờ học bởi họ không thể nghỉ làm để ở nhà chăm sóc con buổi thứ hai. Và việc giữ trẻ này rõ ràng là ngoài nhà trường, UBND cấp xã, phường phải có trách nhiệm quản lý, nhất là về khâu vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn việc quản lý giáo viên dạy thêm theo quy định, nhưng với những giáo viên về hưu, tổ chức dạy thêm tại nhà, làm thế nào để quản lý được những thầy cô này? Nhiều ý kiến tại cuộc họp triển khai cho rằng, quy định không cho phép giáo viên dạy thêm học sinh của lớp chính khóa mà giáo viên đang dạy tại trường sẽ không thuận lắm, bởi việc học thêm xuất phát từ nhu cầu người học, học sinh, phụ huynh đều muốn chọn thầy cô giỏi để học, không thể quy định cấm họ được lựa chọn.

Trong khi đó, theo thầy Nguyễn Thanh Phương, hiệu trưởng trường THPT Ngô Quyền thì việc quản lý dạy thêm, học thêm bên ngoài nhà trường không thể quy hết trách nhiệm cho hiệu trưởng, bởi thực tế có nhiều giáo viên dù không đăng ký dạy thêm, nhưng vẫn tổ chức mở lớp dạy tại nhà, hiệu trưởng không thể quản. Chỉ có thể là lực lượng công an địa phương sẽ phù hợp hơn. Theo ông Vĩ Sách, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Thanh Khê, không thể để việc cấp giấy phép về dạy thêm - học thêm cho Sở Kế hoạch - Đầu tư vì rõ ràng sẽ gây nên sự chồng chéo trong công tác quản lý...

Sẽ tôn trọng quyền được dạy học

Trước những thắc mắc, ngại ngần của những cán bộ làm công tác giáo dục, ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng giải thích rõ, trên cơ sở quyết định 13 của UBND TP, các phòng GD-ĐT tham mưu cho chính quyền phân công bộ phận quản lý và xử đối với vấn đề này; triển khai QĐ 13 đến tận giáo viên, các tổ dân phố, đến cha mẹ HS để phối hợp thực hiện. Nếu có thêm những ý kiến đóng góp thì Sở tập hợp soạn thảo văn bản hướng dẫn cụ thể gửi cho các đơn vị, phòng GD-ĐT triển khai thực hiện. Về trách nhiệm của Hiệu trưởng, ông Chinh giải thích thêm, chỉ xử lý về trách nhiệm sau khi ngành đã đi kiểm tra, phát hiện có trường hợp giáo viên của trường đó vi phạm quy định và gửi công văn về cho nhà trường mà hiệu trưởng trường đó không xử lý nghiêm minh, rốt ráo; chứ không phải buộc hiệu trưởng kiểm tra xử lý.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng cho hay, để xây dựng nên một quy định như quyết định 13, đã có nhiều cuộc họp xin ý kiến từ giáo viên đến các cán bộ quản lý của ngành giáo dục. Vì vậy, những quy định của quyết định 13 bám rất sát thực tế. Tuy cũng còn một số vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhưng sẽ ứng dụng linh hoạt. “Với quy định này, lãnh đạo ngành giáo dục TP khẳng định lại một lần nữa, đó là ngành sẽ tạo mọi điều kiện, tôn trọng quyền được dạy học của các giáo viên. Nhưng, cũng cần nói rõ, với những trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm, không vị nể!” ông Chinh nhấn mạnh.

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.