Để titan thành 'thiên nga'

16/08/2014 02:10 GMT+7

Với trữ lượng dự báo quặng titan khoảng 660 triệu tấn, đứng hàng thứ 2 trên thế giới, VN có lợi thế rất lớn để phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến loại khoáng sản quý hiếm này.

Với trữ lượng dự báo quặng titan khoảng 660 triệu tấn, đứng hàng thứ 2 trên thế giới, VN có lợi thế rất lớn để phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến loại khoáng sản quý hiếm này.

 Khai thác titan
Khai thác titan tại H.Phù Mỹ, Bình Định - Ảnh: Văn Lưu

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng với thực trạng tai tiếng như thời gian qua, nếu không có đòn bẩy mạnh từ chính sách thì rất khó để “chú vịt con xấu xí” lột xác thành “thiên nga xinh đẹp”.

Hậu quả của việc cấp phép tràn lan

Hiện cả nước có trên 47 giấy phép khai thác titan đã được cấp và còn hiệu lực, với công suất trên 1,26 triệu tấn/năm. Trong 4 năm qua, có 5 nhà máy luyện xỉ đã đi vào sản xuất với tổng công suất 64.000 tấn xỉ/năm và chỉ sau 1 đến 2 năm hoạt động đã tiếp tục đầu tư mở rộng giai đoạn 2, nâng tổng công suất lên 137.000 tấn/năm. Các nhà máy sản xuất ilmenite hoàn nguyên hay các dự án sản xuất zircon bột, zircon siêu mịn... vẫn đang hoạt động đạt công suất thiết kế và cung cấp cho thị trường sản phẩm có chất lượng cao...

 

Nếu chúng ta không mạnh dạn đầu tư, không quyết tâm phát triển những khu công nghiệp chuyên sâu về chế biến titan thì chúng ta cũng không thể giành lấy cơ hội tạo ra giá trị thặng dư lớn với khoáng sản quý giá không thể tái tạo này

Ông Nguyễn Thượng Đắt, Phó chủ tịch Hiệp hội Titan VN

 Tuy nhiên, theo Hiệp hội Titan VN, việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản titan, khai thác tận thu titan tràn lan, khai thác các điểm mỏ chưa được thăm dò, đánh giá trữ lượng, khai thác không gắn với tuyển tinh... làm thất thoát tài nguyên. Do yếu về năng lực tài chính, chuyên môn nên nhiều doanh nghiệp (DN) titan sản xuất không ổn định, không có điều kiện để đầu tư thiết bị công nghệ mới nên sản phẩm không đáp ứng yêu cầu thị trường...

Ông Nguyễn Thượng Đắt, Phó chủ tịch Hiệp hội Titan VN, thẳng thắn: “Trước mắt, ngành công nghiệp titan phải làm thay đổi nhận thức của đại chúng về hình ảnh của mình hiện đang giống như “chú vịt con xấu xí”. Nói đến titan là nói đến sự tàn phá môi trường, nguy cơ phóng xạ, khai thác thiếu an toàn lao động, xuất khẩu lậu, DN titan thiếu trách nhiệm với xã hội... Những vấn đề đó đã làm méo mó hình ảnh của ngành titan. Để có thể thành “nàng thiên nga xinh đẹp” thì nội tại ngành titan phải tự điều chỉnh, các DN phải có chiến lược xây dựng và phát triển phù hợp”.

Phát triển công nghiệp chế biến sâu

Trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Công ty CP khoáng sản Quảng Trị Lê Vĩnh Thiều cho rằng nhà nước cần điều chỉnh lại mức thuế tài nguyên và phí môi trường, đảm bảo sự cân đối giữa giá thành với giá bán của DN, điều chỉnh lại mức thuế xuất khẩu cho các sản phẩm chế biến sâu và có chính sách giãn nợ trung hạn và ngắn hạn đối với các DN có đầu tư chế biến sâu hiện đang phải ngừng sản xuất do khó khăn về mặt thị trường...

Bên cạnh đó, để công nghiệp titan phát triển bền vững, theo ông Ngô Quốc Hội, Giám đốc Công ty CP khoáng sản An Khánh (Thái Nguyên), Chính phủ cần phê duyệt quy hoạch chế biến sâu titan theo hướng liên kết vùng, liên kết giữa các DN để tránh tình trạng cấp phép đầu tư chế biến sâu tràn lan dẫn đến khủng hoảng thừa nguồn cung sản phẩm chế biến sâu nhưng lại thiếu nguyên liệu đầu vào.

Theo ông Nguyễn Thượng Đắt, vấn đề chuyển giao công nghệ đòi hỏi cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để kết nối với những quốc gia có nền công nghiệp chế biến sâu titan rất hiện đại như Nga, Nhật, Mỹ. Nhà nước cần có chiến lược đào tạo nhân lực chuyên ngành, có thể là thành lập một viện nghiên cứu về titan hoặc những chuyên khoa về khai thác, chế biến sâu titan, về công nghệ thiết bị, tách quặng khoáng mỏ…

“Nếu chúng ta không mạnh dạn đầu tư, không quyết tâm phát triển những khu công nghiệp chuyên sâu về chế biến titan thì chúng ta cũng không thể giành lấy cơ hội tạo ra giá trị thặng dư lớn với khoáng sản quý giá không thể tái tạo này”, ông Đắt nói.

Nhu cầu ngày càng tăng

Titan phân bố tập trung ở khu vực miền núi phía bắc và ven biển miền Trung. Trong đó, tỉnh Bình Thuận có trữ lượng khoảng 599 triệu tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng quặng titan của VN. Theo Quy hoạch dự kiến phát triển ngành titan VN, mục tiêu đến năm 2020 sẽ hình thành ngành công nghiệp titan với các sản phẩm chế biến sâu đến pigment và titan xốp để đảm bảo nhu cầu trong nước về pigment; xuất khẩu các sản phẩm xỉ titan, titan xốp, muối zircon oxychloride... Đến năm 2030, ngành công nghiệp titan phải phát triển ổn định và bền vững với trung tâm khai thác, chế biến quặng titan quy mô lớn, công nghệ tiên tiến tại Bình Thuận.

Theo ông Đào Duy Anh, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ mỏ - luyện kim (Bộ Công thương), nhu cầu các sản phẩm chế biến từ quặng titan trên thế giới cũng như ở VN ngày càng tăng, tạo điều kiện để các sản phẩm của ngành công nghiệp khai thác, chế biến titan VN phát triển.

Hoàng Trọng

>> Người dân phản ứng khai thác titan tại Ninh Thuận: Đình chỉ hoạt động công ty khai thác titan
>> Phạt 200 triệu đồng công ty gây lũ bùn thải titan
>> Động thổ khu chế biến sâu titan lớn nhất Việt Nam
>> Kêu gọi đầu tư vào titan VN
>> Bình Định xin được cấp phép tận thu titan
>> Một công ty khai thác titan trái phép
>> Hàng ngàn tấn titan mờ ám 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.