Đề và bài giải gợi ý môn Văn - Hoá

31/05/2006 18:22 GMT+7

Nhằm đáp ứng nhu cầu mong đợi của phụ huynh, học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm nay, Thanhnien Online sẽ giới thiệu Đề và bài giải gợi ý môn Văn, môn Hoá do giáo viên Văn, Hoá trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM thực hiện. Đề và bài giải gợi ý môn Hoá Đề và bài giải gợi ý môn Văn

Đề thi môn văn (Không phân ban)

Thí sinh chọn một trong hai đề sau:

Đề I:

Câu 1 (2,0 điểm)
Những nét chính nào trong cuộc đời của nhà thơ Êxênin đã ảnh hưởng đến sáng tác của ông?

Câu 2 (8,0 điểm)
Anh hoặc chị hãy phân tích truyện ngắn Mùa lạc của Nguyễn Khải để làm rõ cảm hứng hồi sinh trong tác phẩm.

Đề II

Câu 1 (2,0 điểm)
Anh hoặc chị hãy trình bày hoàn cảnh ra đời bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

Câu 2 (2,0 điểm)
Trình bày ngắn gọn quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh.

Câu 3 (6,0 điểm)
Hãy phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ Tâm tư trong tù của Tố Hữu:

Cô đơn thay là cảnh thân tù!
Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực
Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!
Nghe chim reo trong gió mạnh lên triều
Nghe vội vã tiếng dơi chiều đập cánh
Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh
Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về...

(Theo Văn học 12, tập một, phần VHVN, NXB Giáo dục 2006-tr.26)

Bài giải gợi ý môn văn

Đề I:

Câu I (2,0 điểm)

Những nét chính trong cuộc đời của nhà thơ Exênin đã ảnh hưởng đến sáng tác của ông:

- Êxênin sinh ra trong một gia đình nông dân tại một làng nhỏ ven sông, lớn lên giữa ruộng đồng và  thảo nguyên. Tình yêu quê hương với những ngôi nhà gỗ đơn sơ, tình yêu thiên nhiên với đất trời, cây cỏ, vật nuôi, tình yêu với những con người nông dân nghèo khổ  là nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ông.

- Người mẹ thân yêu  thuộc nhiều dân ca đã truyền cho ông nguồn văn học dân gian nuôi dưỡng thơ ca ông. (Đây là một yếu tố rất gần gũi nhưng sách giáo khoa không đề cập, người biên soạn ghi thêm để tham khảo). Tình cảm tôn giáo trong thơ Exênin là do chịu ảnh hưởng từ bà ngoại.

- Tâm hồn ông bị giằng xé giữa cái cũ và cái mới. Ông tiếp nhận Cách mạng tháng Mười nhưng tâm hồn không hòan tòan hòa nhập được với Cách mạng. Điều đó khiến cuối đời ông lâm vào tâm trạng u uất đau buồn.

Câu II ( 8,0 điểm )

Phân tích truyện ngắn “Mùa lạc” của Nguyễn Khải để làm rõ cảm hứng hồi sinh của tác phẩm:

Thí sinh cần nêu 4 ý sau:

Ý 1. Giới thiệu chung:

- Về tác giả: Nguyễn Khải là một cây bút, thông minh, có tài năng tiêu biểu cho thế hệ các nhà văn hình thành trong kháng chiến chống Pháp. Với những trang văn thiên về phân tích tâm lý một cách sắc sảo, khám phá triết luận đời sống một cách khách quan, Nguyễn Khải đã dựng nên những bức chân dung tinh thần của cuộc sống và con người trong thời đại mới.

- Về tác phẩm: Miền Bắc bước vào thời kỳ cải tạo và xây dựng CNXH, vừa xây dựng những vùng đất, vừa xây dựng những  tâm hồn người. “Mùa lạc” 1960 là kết quả chuyển đi thực tế của nhà văn lên nông trường Điện Biên vốn là chiến trường nóng bỏng mới im tiếng súng, khói lửa chiến tranh vừa tan.

- Nêu luận đề: Truyện “Mùa lạc” kể về thân phận và sự đổi đời của nhân vật Đào trong cuộc sống mới, qua đó tác giả thể hiện một cách cảm động về sự hồi sinh cuộc sống sau cuộc kháng chiến chống Pháp.

Ý 2. Sự hồi sinh của vùng đất:

Chiến trường trở thành nông trường là cảm hứng về sự hồi sinh trong thời hậu chiến . Nguyễn Khải đã miêu tả cảnh vật trong sự tương phản để làm nổi bật sự biến đổi thần kỳ. Khu pháo binh của giặc năm xưa là bãi trồng lạc của đội sản xuất bây giờ. Từ vùng đất “ngợp lên” dây thép gai, mìn… nay đã bát ngát màu xanh của đỗ, của ngô, của lạc…

Đất đã hồi sinh: “Sự sống  đã nảy sinh từ trong cái chết, cuộc sống vĩ đại đã trở lại rồi…”

Ý 3. Sự hồi sinh của những tâm hồn người

Nhưng sự hồi sinh có ý nghĩa lớn lao nhất lại phải là sự hồi sinh diễn ra trong tâm hồn những con người.

* 3-1. Họ là những người lính vừa buông tay súng, là những con người bước ra từ trong bóng tối cuộc đời cũ. Họ gặp nhau, sống và lao động cùng nhau, cùng nhau mơ ước và khao khát một cuộc đời trong hạnh phúc dựng xây.

- Duệ là một cô gái mồ côi. Duệ thèm khát hạnh phúc vì từ bé đến lớn, cô chỉ thấy “tủi nhục lo âu”. Ngưòi con gái “nhút nhát, lo âu và cô độc” ấy cuối cùng đã tìm thấy tình yêu đẹp với Huân. Hạnh phúc và sự đổi đời đã xua tan những năm tháng mồ côi và cô độc.

* 3-2. Niềm cảm hứng về sự hồi sinh được nói đến nhiều nhất, tha thiết nhất trong nhân vật chính - Đào

+ 3-2-a. Không thể thấy hết ý nghĩa của sự đổi đời ở Đào nếu không tái hiện lại cuộc đời trong quá khứ đầy bất hạnh của Đào: lấy phải người chồng không ra gì, rồi chồng chết, con chết, tấm thân góa bụa phải gồng gánh, ngược xuôi. Đào lao vào công việc, dấn thân vào nổi vất vả để quên đi nỗi bất hạnh. Những cay đắng tủi hờn tạo ra lối sống bất cần “táo bạo và liều lĩnh”. Đào lên Điện Biên với tâm lý của kẻ chán đời.

+ 3-2-b. Nhưng, chị không ngờ trên mảnh đất Điện Biên, chị đã đổi thay cả số phận và biến chuyển trong tính cách:

- Thay đổi trong cuộc đời: Đào tìm thấy hạnh phúc. Lá thư cầu hôn của Dịu, anh bộ đội phục viên phụ trách lò gạch - lời yêu thương đầu tiên sau hơn chục năm lẽ loi góa bụa - làm Đào xúc động. Đào tìm thấy quê hương, Điện Biên là quê hương thứ hai của chị.

- Biến chuyển trong tính cách: Sự “ghen tị với mọi người” nhường chỗ cho thái độ thân tình hồ hởi. Từ “hờn giận cho chính mình”, Đào tin vào cuộc sống để có những dự định, những ước vọng… Từ lối “sống liều lĩnh”, bất cần, Đào nghĩ tới trách nhiệm lo toan, đùm bọc. Niềm hạnh phúc đã thức dậy, bản chất dịu dàng, yêu thương của người phụ nữ.

+ 3-2-c. Lý giải: Vì sao có sự hồi sinh đó?

- Trước hết, yếu tố đầu tiên có ý nghĩa quyết định là tiềm lực sống mãnh liệt của Đào. Chị chán chường đến cùng cực, nhưng cũng khát khao hạnh phúc đến cháy bỏng. Chị lao động hết mình và có ý thức phẩm giá, dám đối chọi và có khả năng đối chọi với đời.

- Vai trò của cuộc sống lao động mạnh khỏe trên xứ sở Điện Biên với mặt đất mênh mông, với nhịp điệu lao động mê say, khỏe khoắn.

- Và, còn có vai trò lớn lao hơn nữa của tình thương, của cuộc sống tập thể đầy lòng nhân ái.

Ý 4. Kết luận:

- Cốt truyện đơn giản, mạch truyện chậm rãi, lối kể chuyện đầm ấm, nhẹ nhàng, “Mùa lạc” không vẽ nên những chuyện hồ hởi, phơi phới lạc quan. Nó là một chút hạnh phút mới chớm nở, còn e ấp nhưng cũng đáng được trân trọng, tin tưởng đi tiếp về tương lai.

- Qua những xúc cảm thật ấm áp, tha thiết về sự hồi sinh, nhà văn Nguyễn Khải đã tô đậm giá trị nhân đạo của tác phẩm, của thời đại mới.

Thí sinh tại phòng thi trường PTTH Trưng Vương, TPHCM vào sáng nay 31/5 - (ảnh: Đào Ngọc Thạch)

Đề II

Câu I (2,0 điểm)

Trình bày hòan cảnh ra đời bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng: Hòan cảnh ra đời của bài thơ gắn với đòan quân Tây Tiến, nên thí sinh phải trình bày 2 ý sau:

- Đòan quân Tây Tiến được thành lập năm 1947, có nhiệm vụ vừa bảo vệ biên giớ, vừa đánh tiêu hao quân giặc… Những người lính phần lớn là những thanh niên, học sinh, trí thức Hà Nội.

- Hòan cảnh ra đời: Là đại đội trưởng trong binh đòan Tây Tiến, sau hơn một năm chiến đấu, ông nhận nhiệm vụ mới. Cuối năm 1948, tại Phù Lưu Chanh (Hà Tây), Quang Dũng viết bài thơ thể hiện nỗi nhớ các đồng chí, đồng đội của mình.

Câu II (2,0 điểm)

Trình bày ngắn gọn quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh: Thí  sinh cần trình bày những điểm chủ yếu sau:

Ý 1. Văn học là vũ khí phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng:

- Người xem văn học là một họat động tinh thần phong phú và phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng.

- Người xác định vai trò và vị trí to lớn của người nghệ sĩ: “Văn học nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trân ấy” (Thư gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa tòan quốc 1951). Và, khẳng định: “Nay ở trong thơ nên có thép - Nhà thơ cũng phải biết xung phong” (Cảm tưởng đọc Thiên gia thi)

Ý 2. Văn học phải phục vụ quần chúng nhân dân:

- Người đặc biệt chú ý đến đối tượng thưởng thức, đó là nhân dân. Phải viết sao cho nhân dân hiểu, yêu thích và làm thơ. Phải viết về đời sống nhân dân, nói lên tâm tư nguyện vọng của nhân dân, động viên khích lệ nhân dân trong cuộc chiến đấu giành độc lập tự do và xây dựng đất nước.

- Người yêu cầu người cầm bút phải ý thức: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?

Ý 3. Văn học phải có tính chân thật:

- Về nội dung: phải phản ánh đúng hiện thực đời sống, phải thể hĩen được tinh thần dân tộc, chú ý nêu gương người tốt, việc tốt.

- Về nghệ thuật: tránh lối viết cầu kỳ, xa lạ, lai căng. Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt.

Câu III (6,0 điểm)

Phân tích đoạn thơ trong bài thơ “Tâm tư trong tù” của Tố Hữu: Thí sinh phải trình bày 4 ý sau:

Ý 1. Giói thiệu chung:

- Về tác giả: Tố Hữu (1920-2002) là một trong những nhà thơ lớn nhất, tiêu biểu nhất của nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Ông được xem là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng. Là tiếng thơ của lẽ sống, của lý tưởng, thơ Tố Hữu đã đến với mọi tấm lòng.

- Về tác phẩm: Tháng 4/1939, giữa lúc đang họat động cách mạng sôi nổi, Tố Hữu bị địch bắt. Giữa những bức tường lạnh lẽo của nhà giam, ông đã viết những bài thơ của những ngày “xiềng xích”, trong đó có “Tâm tư trong tù”. Bài thơ là tiếng lòng khao khát tự do của người thanh niên trẻ tuổi lần đầu bị tù đày, cũng là lời tự dặn lòng của người chiến sĩ cách mạng trước thử thách.

- Về đoạn thơ: Đoạn thơ phân tích là khổ thứ 2, phần đặc sắc nhất của bài thơ, thể hiện niềm cô đơn và lòng khát khao hướng ra cuộc sống bên ngoài.

Ý 2. Phân tích cụ thể:

+ 2-a. Bốn dòng đầu - Từ nỗi cô đơn khát khao hướng ra cuộc sống bên ngoài: bốn câu đầu của khổ hai lập lại bốn câu đầu của bài thơ có tác dụng nhấn mạnh, khắc sâu nét tâm trạng nổi bật của người chiến sĩ.

- Câu mở đầu  bật lên như tiếng kêu không kìm nén được thể hiện nỗi đau của người chiến sĩ trẻ đang say sưa hoạt động giữa bạn bè, đồng chí, đồng bào. Như vậy, cô đơn trong trường hợp này thể hiện sự gắn bó tha thiết của người chiến sĩ với xã hội, với phong trào cách mạng. Đó là tâm trạng rất thực, rất tự nhiên.

- Ba dòng sau - Đằng sau tâm trạng cô đơn là lòng khát khao cuộc sống

Trong hòan cảnh ngục tù, người thanh niên cộng sản chỉ có thể cảm nhận cuộc sống bên ngoài qua những âm thanh mà người tù đã lắng nghe không chỉ bằng thính giác bén nhạy “tai mở rộng” mà bằng cả tâm hồn “lòng sôi rạo rực”.

Chỉ có tâm hồn thơ trẻ mới có cách cảm nhận mới mẽ và ngộ nghĩnh qua cách diễn đạt “tiếng đời lăn”. “Náo nức” vừa là âm thanh của cuộc sống, vừa là tiếng lòng của nhà thơ.

- Lời thơ sôi nổi, mạnh mẽ, bộc trực, những từ láy cuối dòng thể hiện chính xác tâm trạng thơ trẻ ấy. Bốn câu thơ vì thế đã trở thành điệp khúc của bài ca khát khao tự do, chứa chan tình yêu cuộc sống.

+ 2-b. Bốn dòng sau - Lắng nghe những âm thanh của cuộc sống bên ngoài

- Những âm thanh của thiên nhiên, sự sống. Đó là những âm thanh quen thuộc, nhưng mỗi âm thanh lại gợi lên theo nó những hình ảnh sinh động, gợi ra một thế giơiă đầy sức căng, sức trẻ: tiếng chim vui hót như “reo”, tiếng gió thổi mạnh mẽ như “triều dâng”, tiếng dơi đập cánh vội vã...

- Những âm thanh của đời thường, bình dị:

Người chiến sĩ mất tự do đang “nghe” âm thanh cuộc đời bằng tâm hồn và trí tưởng tượng mãnh liệt. Từ tiếng rung khẽ của chiếc “lạc ngựa” mà hình dung ra cả bức tranh gợi cảm, cùng lúc thể hiện nhiều cảm giác và nhiều nét tạo hình.

Đặc sắc hơn cả là câu thơ cuối cùng gợi đến một âm thanh lần đầu vang vọng vào thơ: “tiếng guốc”. m thanh ấy là biểu tượng của cuộc đời bình dị, nhưng hàm chứa bao nỗi khao khát và bao niềm hạnh phúc.

Tiếng guốc vọng về từ “dưới đường xa” còn gợi không khí vắng lặng trong buổi chiều muộn trên đường phố Huế vô cùng thân thiết của nhà thơ. Câu thơ không chỉ đơn thuần ghi lại một tiếng động mà cò là một xao động của tâm tư. Động từ “nghe” xuyên suốt bốn dòng thơ gây ấn tượng mạnh.

Ý 4. Kết luận:

- Giá trị chủ yếu của đọan thơ là ở chất nhân văn và ở sức mạnh nghệ thuật của ngôn từ. Bằng những vần thơ đẹp giàu hình ảnh, âm thanh, cảm giác... nhà thơ đã tha thiết bộc lộ những khát khao thầm kín của con người: khao khát được sống cuộc sống tự do, bình yên. Đó là những tình cảm, tâm trạng rất thực, rất người, rất nhân bản.

Người gợi ý: Nguyễn Thị Phương Liên
(Nguyên giáo viên Văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.