Đề xuất đơn vị chuyên trách chống lãng phí

06/12/2024 14:37 GMT+7

Một đơn vị chuyên trách cấp cục sẽ được kiện toàn, trực thuộc Bộ Tài chính, để thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống lãng phí.

Đây là 1 trong 7 nhóm chính sách được Bộ Tài chính đề xuất xây dựng tại hồ sơ xây dựng luật Tiết kiệm, chống lãng phí, nhằm sửa đổi luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013.

Đề xuất đơn vị chuyên trách chống lãng phí- Ảnh 1.

Bệnh viện hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 (Hà Nam) là một trong những dự án điển hình về lãng phí

ẢNH: T.P

Luật sửa đổi dự kiến quy định 7 nhóm hành vi gây lãng phí, gồm: lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách; lãng phí trong đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, nhà ở thuộc tài sản công; lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, năng lượng.

Cùng đó là lãng phí trong quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; và lãng phí các nguồn lực khác của nền kinh tế.

Cơ quan chuyên trách về chống lãng phí

Bộ Tài chính đề xuất kiện toàn một đơn vị chuyên trách cấp cục trực thuộc Bộ Tài chính, để thống nhất thực hiện việc tham mưu, quản lý chung về công tác phòng, chống lãng phí trên cả nước.

Cục này sẽ hướng đến các nhiệm vụ như: xây dựng hoàn thiện chế độ, chính sách về tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng, ban hành các chương trình tổng thể về tiết kiệm, chống lãng phí; hướng dẫn các bộ ngành, địa phương thực hiện các quy định tại luật.

Cùng đó là thanh tra, kiểm tra việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí của các bộ ngành, địa phương; báo cáo Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan Đảng kết quả tiết kiệm, chống lãng phí của cả nước...

Bộ Tài chính khẳng định, đơn vị cấp cục sẽ được kiện toàn trên cơ sở không làm tăng thêm số lượng cơ quan, tổ chức, đơn vị (chỉ tập trung nhiệm vụ về một đầu mối, nâng từ cấp vụ lên cấp cục); và không làm tăng biên chế công chức của Bộ Tài chính.

Để khắc phục tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy, Bộ Tài chính cũng đề xuất cho phép doanh nghiệp nhà nước được trích lại một tỷ lệ % nhất định phần lợi nhuận vượt mức kế hoạch nhằm trích quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động, người quản lý doanh nghiệp và kiểm soát viên.

Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức nếu có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, vì lợi ích chung… thì có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu chẳng may có vi phạm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.