Trong dự thảo này cũng nêu, học sinh, sinh viên được trả tiền làm thêm giờ theo thỏa thuận với người sử dụng lao động căn cứ trên thời gian thực tế làm, khối lượng và chất lượng công việc...
Giúp bảo vệ quyền lợi cho học sinh, sinh viên
Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phòng Truyền thông và công tác sinh viên, Phân hiệu Trường ĐH Thủy lợi TP.HCM, cho biết ủng hộ đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
"Thực tế cho thấy nhiều sinh viên sa đà vào việc làm thêm mà lơ là việc học. Có những trường hợp sinh viên mệt mỏi khi đến giảng đường, không thể tiếp thu bài giảng vì dành quá nhiều thời gian để làm thêm ban đêm với các công việc ở: bar, pub, bida, quán nhậu… Vì lẽ đó, đề xuất này sẽ khống chế được thời gian làm thêm của sinh viên, giúp các bạn có thể dành nhiều thời gian cho nhiệm vụ học tập hơn", tiến sĩ Sơn nói.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội một tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, cũng cho rằng thời gian qua có nhiều vụ việc sinh viên sập bẫy lừa "việc nhẹ lương cao", bị chèn ép khi đi làm thêm, nhận mức lương bèo bọt không tương xứng với công sức bỏ ra, thậm chí không được trả tiền công… "Thế nên nếu đề xuất này đi vào thực tiễn, sẽ có thể giúp bảo vệ quyền lợi chính sách của sinh viên khi đi làm thêm", vị này cho biết.
Luật sư Nguyễn Hải Long, Đoàn luật sư tỉnh Tây Ninh, nhìn nhận hiện nay có nhiều học sinh, sinh viên tranh thủ thời gian rảnh để đi làm thêm nhằm có thu nhập và kinh nghiệm, kỹ năng sống.
"Nhu cầu làm thêm của học sinh, sinh viên là rất lớn. Tuy nhiên, vì thiếu những hiểu biết về pháp luật nên họ không ký kết hợp đồng lao động, bỏ qua các điều kiện, vấn đề quản lý lao động… Để rồi khi có tranh chấp, tai nạn xảy ra, học sinh, sinh viên thường chịu những thiệt thòi… Chính vì thế, khi Dự thảo luật Việc làm (sửa đổi) được triển khai áp dụng thì người sử dụng lao động (tức nơi tuyển dụng) phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Khi đó, người lao động (là học sinh, sinh viên) được đảm bảo quyền lợi một cách tốt hơn như hiện nay. Nếu người sử dụng lao động sai phạm, cơ quan chức năng có thể dựa vào luật để kịp thời chấn chỉnh, xử lý".
Luật sư Long cũng cho rằng tại nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Úc… cũng đã có những quy định cụ thể để giới hạn thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên, du học sinh và được ủng hộ, đồng tình. "Thế nên, đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là hoàn toàn khả thi trong thời gian tới", luật sư Long nói.
Những lăn tăn…
Cũng trong Dự thảo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.
Tuy nhiên, đại diện một số Trường ĐH tại TP.HCM "than khó" về vấn đề này. Hiệu trưởng một trường đại học tại Q.5, TP.HCM, cho biết: "Bên cạnh những sinh viên tìm việc làm thêm do Phòng Công tác chính trị và học sinh, sinh viên cung cấp, thì cũng có nhiều trường hợp tự tìm việc qua mạng xã hội mà không báo về khoa, trường. Từ đó, trường không thể kiểm soát thực hư. Những điều này dẫn đến việc không thể quản lý một cách chặt chẽ".
Đại diện Phòng Công tác sinh viên một trường đại học ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cũng nói: "Rất khó để quản lý giờ làm thêm của sinh viên. Nếu sinh viên làm thêm 48 giờ/tuần mà báo 20 giờ/tuần thì trường cũng không thể biết được thời gian chính xác. Thực tế, có những sinh viên muốn làm thêm thật nhiều để kiếm thu nhập. Ở mỗi trường có hàng ngàn, thậm chí chục ngàn sinh viên. Nên theo tôi, việc quản lý, giám sát giờ làm thêm của sinh viên là không thể".
Vị này cho rằng: "Quan trọng là ý thức của sinh viên. Sinh viên cần biết "cân đo đong đếm" thời gian để làm thêm không ảnh hưởng đến kết quả học tập. Ngoài ra, tôi khuyến khích sinh viên nên đi làm thêm những công việc liên quan đến ngành học. Chứ đừng học quản trị nhà hàng khách sạn mà đi làm thêm bằng việc chạy xe ôm công nghệ. Hoặc học tài chính ngân hàng nhưng đi phụ bán cà phê, quán ăn…".
Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phòng Truyền thông và công tác sinh viên, Phân hiệu Trường ĐH Thủy lợi TP.HCM, thì khuyên: "Sinh viên ở độ tuổi đã trưởng thành, nên cần chủ động sắp xếp thời gian biểu một cách hợp lý giữa làm thêm và đảm bảo hoàn thành tốt việc học tập tại trường. Cần nhớ, nhiệm vụ chính của sinh viên chính là học tập".
Cần sự đồng hành của doanh nghiệp
Anh Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM, nhìn nhận việc học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động được làm thêm nhưng không quá 20 giờ/tuần, nghĩa là khoảng 3 giờ/ngày là có thể đảm bảo được việc học, đồng thời kiếm thêm thu nhập cũng như được trải nghiệm thực tế trong thời gian rảnh.
"Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ doanh nghiệp thì cũng có hạn chế. Bởi lẽ hiện nay, các công ty thường phân ca từ 4 – 8 giờ/ngày, tức từ 24 - 48 giờ/tuần (hoặc 28 - 56 giờ/tuần nếu làm cả 7 ngày). Để tháo gỡ tình trạng so le này, rất cần sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc bố trí thời gian cho học sinh, sinh viên làm thêm. Doanh nghiệp làm được điều đó thì rất tốt", anh Sang nói.
Cùng quan điểm, chuyên gia tâm lý Vũ Nhật Thịnh, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, TP.HCM, cho rằng các doanh nghiệp cần ủng hộ đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo đó, các đơn vị tuyển dụng nên tuyển lao động làm việc bán thời gian một cách hợp lý. Cần phân bổ lại thời gian để học sinh, sinh viên có thể ứng tuyển làm thêm dưới 3 giờ/ngày, tức đảm bảo được không quá 20 giờ/tuần. Và các trường nên tổ chức những buổi trò chuyện với học sinh, sinh viên. Qua đó, giúp các bạn hiểu được lợi ích khi làm thêm, đồng thời nhìn ra những hệ lụy nếu dành quá nhiều thời gian cho việc kiếm tiền, chểnh mảng việc học.
"Quả thật không thể "ép" học sinh, sinh viên ký cam kết đi làm thêm không quá 20 giờ/tuần. Các trường không có chức năng làm việc này. Thay vào đó, rất cần sự trung thực của học sinh, sinh viên", ông Thịnh nói.
Đừng "bán sức khỏe"
Bác sĩ Hoàng Anh Quân, làm việc tại Phòng khám Bệnh viện ĐH Y dược 1, Q.10, TP.HCM, cho rằng khi học sinh, sinh viên mải mê làm thêm có thể kiếm thu nhập cao nhưng cũng vô tình "bán sức khỏe". Bởi nếu làm thêm trong thời gian 8 giờ/ngày, tức từ 48 - 56 giờ/tuần, thêm vào đó là phải đến trường, học bài, ôn thi… dễ dẫn đến tình trạng thiếu ngủ, kiệt sức, căng thẳng, kém minh mẫn...
Vì thế, bác sĩ Quân cho rằng làm thêm không quá 20 giờ/tuần là hợp lý, giúp đảm bảo hiệu suất công việc, học tập, thư giãn, ngủ nghỉ, giữ gìn sức khỏe. Bác sĩ Quân cũng khuyên cần chế độ ngủ đủ giấc từ 6 - 8 giờ/ngày, có chế độ ăn uống hợp lý…
Trước đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, một số doanh nghiệp cũng đã có động thái đồng tình.
Chẳng hạn, chị Trần Thị Diệu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Skill Media, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết sẽ suy nghĩ để thay đổi thời gian hợp lý nhằm giúp sinh viên đang làm thêm tại công ty cũng như các cửa hàng mà chị đang quản lý có thể đảm bảo không quá 20 giờ/tuần.
"Hiện nay, mỗi ca làm thường 6 giờ/ngày. Theo đó, mỗi tuần sẽ khoảng 36 – 42 giờ/tuần. Tôi sẽ điều chỉnh cho phù hợp bằng cách rút ngắn thời gian mỗi ca làm xuống 3 giờ/ngày", chị Hiền nói. (còn tiếp)
Kỳ tới: Làm thêm không quá 20 giờ/tuần, học sinh, sinh viên nói gì?
Bình luận (0)