Đề xuất loại tác phẩm Chí Phèo khỏi chương trình môn văn khiến dư luận 'dậy sóng'

06/12/2017 12:42 GMT+7

Theo anh Nguyễn Sóng Hiền, một nghiên cứu sinh về giáo dục ở Trường đại học Newcastle (Australia), vì lợi ích của giáo dục, hãy loại tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình môn văn ở phổ thông. Đề xuất khiến dư luận "dậy sóng".

Trước khi đưa ra những lập luận để làm cơ sở cho đề xuất loại tác phấm Chí Phèo ra khỏi chương trình môn văn ở bậc học phổ thông, anh Hiền khẳng định: “Ở khía cạnh văn học, tác phẩm có thể được đánh giá là thành công về phong cách viết. Tuy nhiên, đứng trên góc độ giáo dục, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng cần cân nhắc kỹ lại”.

Theo anh Hiền, nhân vật Chí trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao đơn giản chỉ là một đứa trẻ không được giáo dục, và không thể là đại diện hay điển hình cho một tầng lớp nào trong xã hội mà Chí đang sống.

Những diễn biến tâm lý, hành vi của Chí chỉ như những đứa trẻ cùng hoàn cảnh ở bất kỳ xã hội nào khác. Vì vậy, không thể quy chụp rằng Chí bị xã hội phong kiến lưu manh hoá, hay bị cường hào ác bá làm hại. Số phận của Chí là một số phận đáng thương, vì khi sinh ra đã phải chịu thiệt thòi và bất công. Nhưng chúng ta cũng kịch liệt phê phán và phản đối những hành vi lưu manh, thú tính của hắn. Và ngay cả việc giết Bá Kiến sau khi uống rượu say cũng là một hành động không thể dung thứ.

Anh Hiền cho rằng, việc nhiều học giả và nhà phê bình hình tượng hoá nhân vật này là sự phản kháng của tầng lớp bần nông đối với giai cấp cường hào, ác bá chính là sự quy chụp và áp đặt khiên cưỡng.

tin liên quan

Thay đổi cách dạy, học văn
Sẽ có sự thay đổi trong việc dạy học môn văn để học sinh không còn buồn chán mà say mê, yêu thích môn học này.
“Chí đã giết người trong lúc say, đó là hành vi không phải của một con người. Cho dù ở bất kỳ xã hội nào, những hành động đó đều đáng bị lên án và cách ly ra khỏi đời sống xã hội”, anh Hiền phân tích, và đặt vấn đề: “Liệu có nên vẫn tiếp tục giữ trong chương trình phổ thông hay không, khi mà bản thân tác phẩm Chí Phèo không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục, mà ngược lại, có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh?”.

Suy nghĩ lệch lạc?

 Sau khi bài viết được một báo mạng đăng tải và nhiều trang mạng dẫn lại, quan điểm của tác giả đã khiến dư luận “dậy sóng”, trong đó giới giáo viên dạy văn trong các trường phổ thông là những người bộc lộ phản ứng mạnh mẽ nhất. Một nhà giáo đã nghỉ hưu ở Hà Nội bình luận: “Nhận thức văn học khen chê nó phụ thuộc vào khả năng nhận thức của từng người, nhưng phải xét vào lịch sử sự ra đời của tác phẩm ấy”.

Một cô giáo trẻ bày tỏ: “Hôm nay, em vừa dạy xong phần tác phẩm Chí Phèo cho học sinh, cũng cố gắng gieo vào lòng các bạn trẻ những ý nghĩa và giá trị tốt đẹp, nhân văn có từ nhân vật, tác phẩm và tấm lòng nhà văn. Giờ đọc được suy nghĩ lệch lạc của bạn trẻ này (tác giả Nguyễn Sóng Hiền - phóng viên) bỗng thấy buồn. Bạn ấy đã đem những suy nghĩ nông cạn, hời hợt, méo mó vào việc đánh giá một nhà văn chân chính và một tác phẩm có giá trị”.

Còn cô Nguyễn Hằng Nga, Tổ trưởng tổ văn, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) bức xúc: “Nam Cao vốn là đại diện xuất sắc của văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Truyện ngắn Chí Phèo của ông là một kiệt tác của văn học Việt Nam thế kỷ 20. Vậy mà hôm nay có một bạn hậu sinh nào đó tuyên bố hùng hồn rằng nên huỷ bỏ việc giảng dạy tác phẩm này khỏi chương trình phổ thông! Thật là đau xót quá! Thương cho nhà văn Nam Cao quá!”.

Cô Nga cũng cho rằng, anh Nguyễn Sóng Hiền đã không nhìn nhân vật này bằng con mắt lịch sử và thời đại của nhân vật, mà đã nhấc Chí Phèo ra khỏi thời đại của anh ta một cách khiên cưỡng. Theo cô Nga, việc cho hành động Chí Phèo xông đến Thị Nở là hiếp dâm không có tính giáo dục là do người đọc đã đọc, cảm tác phẩm một cách hời hợt ở bề ngoài của chi tiết.

Cô Nga phân tích: “Tình yêu mộc mạc và chân thành của Thị Nở với Chí Phèo sẽ không thể có được sau khi bị hiếp dâm! Chả người đàn bà nào lại tự nguyện ở cùng người đàn ông sau khi bị hiếp dâm. Tình yêu ấy chính là chất xúc tác quan trọng để bản chất lương thiện của Chí được đánh thức. Và bạn nghiên cứu sinh kia đã không hiểu nổi rằng tư tưởng nhân đạo độc đáo của Nam Cao muốn gửi gắm qua tác phẩm chính là ông khẳng định rõ ràng rằng người nông dân dù có bị đẩy vào bước đường cùng, dù bị sống trong lốt quỷ nhưng bản chất lương thiện của họ luôn tiềm ẩn và lúc nào cũng đáng quý trọng. Có lẽ ít có nhà văn nào thương người nông dân được như Nam Cao”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.