Đề xuất thành lập lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh

21/03/2017 15:44 GMT+7

Theo Chính phủ, ngoài lực lượng kiểm ngư T.Ư, kiểm ngư vùng, cần thành lập lực lượng kiểm ngư tại 28 tỉnh.

Thông tin này được công bố tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) về dự án luật Thuỷ sản (sửa đổi) sáng 21.3.
Theo tờ trình của Chính phủ, một trong những điểm mới so với luật Thuỷ sản 2003 là bổ sung nội dung về lực lượng Kiểm ngư. Theo đó, dự luật quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm, phối hợp trong hoạt động của lực lượng này.
Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam được Chính phủ thành lập năm 2012, sau đó đến cuối năm 2016, Thủ tướng ban hành Quyết định số 2075/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2020, định hướng 2030.
Thống kê của Chính phủ cho biết, hiện cấp T.Ư có Cục Kiểm ngư và 5 chi cục Kiểm ngư Vùng. Cấp tỉnh có 28 chi cục thủy sản của các tỉnh, thành phố ven biển, được giao thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển như lực lượng Kiểm ngư, nhưng trên vùng biển ven bờ và vùng lộng.
Tờ trình của Chính phủ đề xuất việc hình thành lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh trên cơ sở chuyển đội ngũ thanh tra chuyên ngành về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Phòng Thanh tra (Pháp chế, thanh tra) thuộc Chi cục Thủy sản.
Theo Chính phủ, việc hình thành Kiểm ngư cấp tỉnh về cơ bản sẽ không làm phát sinh thêm nhân lực và phương tiện để triển khai nhiệm vụ, chỉ phát sinh ngân sách nhà nước để chi chế độ phụ cấp cho đội ngũ này, như Kiểm ngư hiện tại khoảng 9 tỉ đồng/năm.
Trình báo cáo thẩm tra dự luật này, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, qua khảo sát, không ít địa phương cho rằng, việc chuyển lực lượng thanh tra chuyên ngành tại chi cục thủy sản của 28 tỉnh sang kiểm ngư là không phù hợp. Thay vào đó, chỉ cần tăng cường nguồn lực phục vụ hoạt động thanh tra và có sự phối hợp tốt của Kiểm ngư vùng.
Mặt khác, nếu chuyển thành lực lượng kiểm ngư thực hiện trên vùng biển thì không có lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành trên các vùng nội thủy (sông, hồ, đầm, phá).
Phát biểu tại phiên họp, thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đề nghị cần tăng cường lực lượng Kiểm ngư ở các địa phương ở khu vực ven biển, cũng như trong khu vực thủy nội địa.
Theo tướng Minh, trong khoảng 10 năm nay, nguồn thuỷ hải sản của nước ta đang bị tận diệt bằng đủ các hình thức đánh bắt như kích điện, dùng thuốc nổ, hóa chất... "Trong nội địa, đến mùa cá đẻ, người đánh bắt mang kích điện đánh sáng rực cả dọc bờ sông, đánh như vậy nhưng chỉ được rất ít cá. Còn ở ngoài biển đánh hàng tấn thuốc nổ cũng chỉ thu được vài tấn cá", tướng Minh nói.
Vị Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cũng nhắc lại hiện tượng những năm qua, rất nhiều tàu cá của Việt Nam bị các nước ở khu vực bắt giữ và cho rằng, nguyên nhân chính là do nguồn lợi thuỷ sản ven biển cạn kiệt, phải sang vùng biển nước bạn đánh bắt.
Nhấn mạnh trong bố cục của dự thảo Luật cần có quy định cụ thể về quản lý Nhà nước, ở những khu vực nào được đánh bắt cá, mùa nào cấm đánh bắt, như mùa cá sinh sản cấm đánh bắt những khu vực ven bờ, những khu vực bảo tồn, tướng Minh đề nghị: “Phải cấp hạn ngạch đánh bắt cá, không thể để đánh bắt vô tội vạ như hiện nay”.
Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh cũng cho rằng, các quy định cấm trong luật còn quá chung chung, chưa rõ ràng. Dẫn chứng quy định ở các nước khác, khi mùa cá sinh sản đều cấm đánh bắt, đồng thời định rõ loại cá nào thì được đánh bắt, ông Việt nhận xét ở Việt Nam, do không cấm rõ ràng, mùa cá sinh sản ngư dân vẫn ra khơi đánh bắt hết nên mới dẫn đến câu chuyện tận diệt.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam với chiều dài hơn hơn 3.260 km bờ biển, phạm vi ngư trường hàng triệu km2, tiềm năng nghề cá rất lớn. Theo ông Cường, lực lượng chấp pháp trên biển hiện có những đầu mối khác nhau nhưng lực lượng kiểm ngư vẫn chưa được đầu tư nhiều. Ông Cường cho rằng, việc thành lập kiểm ngư tại 28 tỉnh là rất cần thiết để xử lý các sai phạm, đặc biệt nhiều khu vực là những vùng cần tăng cường giám sát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.