Đề xuất thêm 2 tỉ USD phát triển ĐBSCL

19/06/2019 07:39 GMT+7

Ngày 18.6, tại TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu .

Đồng bằng sông Cửu Long nên sản xuất ít gạo hơn

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Nghị quyết 120 là một bước đột phá về tư duy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL. Sau
2 năm triển khai đã đạt được nhiều kết quả tích cực như tăng trưởng GDP của vùng năm 2018 đạt mức ấn tượng là 7,8%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây, cao hơn mức tăng trưởng GDP cả nước là 7,08%. Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng lần đầu tiên đạt 15,7 tỉ USD. Đạt được những kết quả trên chứng tỏ nghị quyết đã vạch ra hướng đi đúng.

Chuyển dịch kinh tế đúng hướng

Ảnh: TTXVN
       
Cơ hội, thách thức đôi khi cũng do chính cách chúng ta nhìn vấn đề. Chẳng hạn là tình trạng xâm nhập mặn nếu nhìn theo cây lúa thì thấy thách thức, nhưng nhìn theo con tôm lại là cơ hội. Cho nên trong nguy có cơ hội và chúng ta có thể còn làm tốt hơn những gì đã làm được trong thời gian qua
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, nông nghiệp ĐBSCL đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực như: tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây… gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp của vùng chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, trái cây; giảm lúa. Cụ thể, giai đoạn 2015 - 2018, diện tích gieo trồng lúa giảm mạnh khoảng 195.000 ha chủ yếu do giảm vụ; tỷ trọng giá trị sản xuất lúa gạo trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp giảm từ 27,7% xuống 26,4% trong khi diện tích nuôi trồng thủy sản tăng từ 742.700 ha lên 807.300 ha, tương ứng tăng từ 35,4% lên 42%. Diện tích trái cây tăng từ 308.600 ha lên 347.600 ha, tỷ trọng tăng từ 9,1% lên 10,2%. Ngoài sản xuất, công nghiệp chế biến nông sản, bảo quản sau thu hoạch đạt được nhiều kết quả, tỷ lệ chế biến tăng cao trong ngành thủy sản, đặc biệt là cá tra.
Tuy nhiên, ông Cường cũng thừa nhận: Chuyển dịch cơ cấu và đổi mới tổ chức sản xuất vẫn còn chậm; sản xuất nhỏ, phân tán chưa được khắc phục triệt để. Sự liên kết, hợp tác sản xuất giữa các chủ thể để hình thành các chuỗi giá trị chưa nhiều. Ứng dụng công nghệ cao, hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản còn hạn chế. Thị trường tiêu thụ nông sản thiếu bền vững, chưa đủ đáp ứng được sức sản xuất lớn và đang gia tăng của nền nông nghiệp hàng hóa. Năng lực thích ứng biến đổi khí hậu và ứng phó với thiên tai chưa được cải thiện nhiều.

Gần 800 km bờ sông, biển sụt lún

Nhưng thách thức đáng lo ngại nhất của ĐBSCL đang phải đối mặt là tình trạng sụt lún ngày càng nghiêm trọng. Báo cáo của Bộ TN-MT cho biết, đến năm 2018 ĐBSCL có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786 km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 149 km. Tình hình sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa mà còn xuất hiện cả mùa khô, diễn ra ở các tuyến sông chính cho đến các hệ thống kênh, rạch với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm. Điểm nguy hiểm nhất thuộc tỉnh Cà Mau với tổng chiều dài 14 km.
Đặc biệt, tình trạng sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức, dẫn đến biến dạng mặt đất. Đây là vấn đề không chỉ của riêng ĐBSCL mà của cả TP.HCM. Tính chung cả đồng bằng và TP.HCM có khoảng 9.650 giếng khai thác nước ngầm cấp nước tập trung cho sinh hoạt và sản xuất, khai thác với quy mô từ 10 m3/ngày trở lên. Riêng TP.HCM có khoảng 1.920 giếng, lưu lượng khai thác 519.000 m3/ngày. Tổng lưu lượng khai thác của các giếng nêu trên gần 2 triệu m3/ngày. Trong 20 năm qua đã có khoảng 10 nghiên cứu của các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước về vấn đề này. Tất cả đều có chung kết quả, trong 25 năm qua, ĐBSCL bị lún trung bình khoảng 18 cm do hậu quả của việc hạ thấp mực nước dưới đất. Mô hình đã ước lượng sụt lún trung bình hiện tại do khai thác nước dưới đất là 1,1 cm/năm, một số khu vực trên 2,5 cm/năm với xu hướng ngày càng tăng.
Nông nghiệp đồng bằng đang chuyển dịch đúng hướng khi giảm dần trồng lúa, tăng mạnh nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái Ảnh: Công Hân
Kết quả nghiên cứu của Bộ TN-MT cho thấy, sụt lún có nhiều nguyên nhân về cả tự nhiên và tác động của con người. Đến nay, chưa có nghiên cứu, đánh giá cụ thể để xác định mức độ tác động của từng nguyên nhân gây lún. Nhưng khai thác nước dưới đất quá mức là một trong những nguyên nhân gây sụt lún đất ở khu vực TP.HCM và ĐBSCL.

Đầu tư cho ĐBSCL là đầu tư cho cả nước

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định Nghị quyết 120 là đúng đắn. ĐBSCL có khoảng 20 triệu người, diện tích trên 4 triệu ha, là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước và đã đóng góp 20% GDP cả nước. Nếu tính cả TP.HCM và Đông Nam bộ thì quy mô GDP chiếm hơn 60% cả nước. Đầu tư cho ĐBSCL cũng có nghĩa là đầu tư cho cả nước, là đầu tư cho TP.HCM. Vai trò của ĐBSCL không chỉ quan trọng đối với TP.HCM hay VN mà còn đối với thế giới khi cung cấp khoảng 2% lương thực toàn cầu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực ở châu Á, Mỹ Latin và châu Phi. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp phù hợp thì dự báo đến năm 2100 nước biển dâng gây ngập 40% diện tích ĐBSCL, ảnh hưởng đến sinh kế của 55% người dân, gián tiếp tác động đến giá lương thực của toàn thế giới.
Thủ tướng nhấn mạnh, một thống kê gần đây cho thấy trong 10 năm trở lại đây 1,7 triệu người di cư ra khỏi ĐBSCL, tạo ra thách thức cho nhiều địa phương, nhất là TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ. "Cơ hội, thách thức đôi khi cũng do chính cách chúng ta nhìn vấn đề. Chẳng hạn là tình trạng xâm nhập mặn nếu nhìn theo cây lúa thì thấy thách thức, nhưng nhìn theo con tôm lại là cơ hội. Cho nên trong nguy có cơ hội và chúng ta có thể còn làm tốt hơn những gì đã làm được trong thời gian qua", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp hành động, người dân hưởng ứng; tiếp tục bố trí lại nguồn lực, bổ sung nguồn lực trước hết là hạ tầng cứng, đào tạo nguồn nhân lực cho ĐBSCL. “Doanh nghiệp, HTX, trang trại, kinh tế hộ lớn hành động bằng các dự án đầu tư cụ thể. Người dân hưởng ứng bằng tăng cường sự nhận thức đồng thuận và tham gia cùng với Chính phủ và cộng đồng. Việc tái cơ cấu không phải cấp tỉnh, mà cấp thôn ấp, gia đình cũng phải tham gia. Phải tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự linh hoạt của chính sách”, Thủ tướng chỉ đạo. Dẫn bài viết của GS Võ Tòng Xuân về vướng quy hoạch rất nhiều, chồng chéo đến mức quá phức tạp, Thủ tướng chỉ đạo, đây là khó khăn cần tháo gỡ, xây dựng chính sách chuyển đổi cơ cấu cho đồng bằng. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường. Bố trí lại đất đai cho phù hợp với lúa gạo, trái cây, thủy sản gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng thương hiệu. Nghiên cứu, giảm diện tích đất trồng lúa trên cơ sở tăng năng suất trên cùng một đơn vị diện tích. Tiến tới sản xuất gạo chất lượng cao, gạo dược liệu để gia tăng giá trị.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua ngân sách trung ương đã quan tâm nhiều hơn cho vùng này nhưng chưa đủ. ĐBSCL hiện còn thiếu hạ tầng, giao thông, chưa có cảng nước sâu, đường sắt, hệ thống đường thủy chưa phát triển đồng bộ. Ông Dũng đề xuất phân bổ 45.000 tỉ đồng (tương đương 2 tỉ USD) cho khu vực này trong 5 năm tới, nhằm đẩy nhanh các dự án cấp bách. Trong đó, một nửa lấy từ ngân sách, còn lại huy động từ những nguồn khác.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại VN: Từ năm 2015 tới nay chúng tôi đã huy động khoảng 1,6 tỉ USD cho các hoạt động tại ĐBSCL, phần lớn gắn với Nghị quyết 120. Trong thời gian tới chúng tôi đặt mục tiêu huy động thêm ít nhất 880 triệu USD để triển khai nghị quyết. Những nguồn lực này sẽ hỗ trợ các cấp chính quyền trung ương và địa phương cũng như các bên liên quan...
Ông Robbert Moree, Điều phối viên Chương trình đồng bằng, Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước (Hà Lan): Thay đổi của vùng ĐBSCL gồm cả 2 năm là sự phát triển và tính dễ bị tổn thương; cả 2 khía cạnh này đang gia tăng. Về cơ bản, các nguồn tài nguyên của ĐBSCL đang bị khai thác sử dụng thay vì được quản lý theo hướng bền vững. Vì vậy, chúng ta sẽ phải thay đổi nếu muốn có vùng đồng bằng an toàn, bền vững và sản xuất hiệu quả. Thách thức của ngày hôm nay là chọn một lộ trình phát triển khác. Thay đổi phải dẫn đến tăng khả năng phục hồi, làm cho đồng bằng bền vững.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.