Trong lúc đang trong tình trạng “rắn mất đầu” sau khi ông Dominique Strauss-Kahn buộc phải từ chức Tổng giám đốc vì nghi án xâm hại tình dục, IMF lâm vào cảnh “họa vô đơn chí” khi trở thành mục tiêu mới nhất của tội phạm mạng. AFP dẫn đánh giá của giới chuyên gia cho hay đây là một vụ tấn công có quy mô lớn và hết sức phức tạp, với hậu quả vẫn chưa xác định được. IMF đang đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch giải cứu nhiều nước châu u khỏi khủng hoảng tài chính và là kho chứa thông tin tuyệt mật về tình hình tài chính thế giới.
|
Quả bom nổ chậm
Báo The New York Times hôm 11.6 đưa tin giới chức IMF đã thông báo với nhân viên về vụ tấn công bí mật vào giữa tuần qua. “Vào tuần rồi, chúng tôi phát hiện một số vụ truyền nhận tập tin đáng ngờ và qua điều tra cho thấy một máy tính bàn của chúng ta đã bị xâm nhập và dùng để truy cập một số hệ thống khác”, theo thư điện tử ngày 8.6 do Giám đốc thông tin Jonathan Palmer gửi đi. Tuy nhiên, đến khi thông tin lan đến báo giới, phát ngôn viên IMF là David Hawley mới xác nhận về vụ việc. Bên cạnh việc cam đoan tổ chức vẫn hoạt động bình thường, ông Hawley nói: “Tôi có thể xác nhận IMF đang điều tra một sự cố” và không cho biết gì thêm.
Một số quan chức cấp cao của IMF cho hay sự việc hết sức phức tạp và nghiêm trọng. Do vai trò ngày càng quan trọng của tổ chức này trong bối cảnh thế giới biến động dữ dội về kinh tế, tài chính, nhất là khi nó đảm nhiệm vai trò trung tâm trong các chương trình cứu trợ cho Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Ireland, cũng như xử lý các dữ liệu nhạy cảm về những nước mấp mé bờ vực phá sản, kho dữ liệu của IMF chứa những thông tin thuộc dạng có thể dẫn đến biến động thị trường. Đó là chưa kể dữ liệu về các cuộc trao đổi giữa những nguyên thủ quốc gia trong lúc đàm phán các điều kiện cứu trợ. Những thỏa thuận này, theo lời của một quan chức IMF, không khác “những quả bom nổ chậm về chính trị đối với nhiều nước”. Đến nay, vẫn chưa rõ bọn tin tặc đã tiếp cận được thông tin gì trong đợt xâm nhập.
Quan ngại về vụ việc lớn đến nỗi tổ chức “chị em” với IMF là Ngân hàng Thế giới (WB) quyết định cắt đứt hệ thống liên mạng chia sẻ thông tin giữa thể chế tài chính này. The New York Times dẫn lời phát ngôn viên của WB là Rich Mills xác nhận biện pháp trên đã được thực hiện cho đến khi điều tra rõ mức độ nghiêm trọng và bản chất của cuộc tấn công.
Cài nội gián điện tử
Theo AP hôm qua, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã chính thức mở cuộc điều tra. Giới chuyên gia về an ninh mạng nhận định đây là một cuộc tấn công có chủ đích, được lên kế hoạch chặt chẽ. Theo đó, tin tặc xâm nhập hệ thống của IMF bằng phương pháp “spear fishing”, đánh lừa người truy cập cung cấp thông tin thông qua những website giả mạo có giao diện giống với các trang mà nạn nhân hay sử dụng. Thông qua hành động này, tin tặc cài phần mềm được thiết kế để trở thành “nội gián điện tử” đối với từng quốc gia trong số 187 thành viên của IMF, nhằm rút tỉa thông tin đặc biệt về một nước cụ thể. “Mã độc đã được phát triển và tung ra nhằm mục đích này”, Reuters dẫn lời chuyên gia Tom Kellerman làm việc cho cả IMF và WB nhận xét. Còn một chuyên gia an ninh mạng giấu tên nói rằng những kẻ thực hiện vụ tấn công vào hệ thống của IMF có liên hệ với một chính phủ nước ngoài. Tuy nhiên, rất khó xác định được sự liên hệ này.
Cuộc chạy đua vũ trang mạng Thế giới đang tiến vào kỷ nguyên của cuộc chạy đua vũ trang mạng với ngày càng có nhiều phần mềm độc hại phức tạp được phát triển với mức độ nguy hiểm cao mà lại khó phát hiện, AFP dẫn lời chuyên gia Mikko Hypponen báo cáo trong một cuộc họp của NATO vào cuối tuần qua. Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ Leon Panetta, người vừa được Tổng thống Barack Obama đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng của nước này, đã tiên đoán về một vụ đánh úp trên mạng. Sự việc xảy ra đối với IMF là vụ mới nhất trong chuỗi các cuộc tấn công của tin tặc gần đây nhằm vào những tổ chức và tập đoàn quan trọng trên thế giới. Trong các mục tiêu tầm cỡ, có tập đoàn an ninh tin học RSA, tập đoàn tài chính Citigroup, hãng máy bay Boeing, “đại gia” sản xuất vũ khí Lockheed Martin, tập đoàn Google và hãng Sony. Mới đây, cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt 3 thành viên của nhóm tin tặc khét tiếng Anonymous, vốn bị nghi ngờ đứng sau vụ tấn công Sony. Các nạn nhân khác của nhóm này còn có các website chính phủ tại Ai Cập, Algeria, Libya, Iran, Chile, Colombia và New Zealand. Anonymous vừa tuyên bố sẽ trả thù vụ bắt giữ. |
Thụy Miên
Bình luận (0)