'Đến muộn, biết sau', cơ hội trong TPP sẽ nhỏ lại

30/01/2016 06:25 GMT+7

“Khi tôi nói hiệp định này (TPP) đến năm 2018 sẽ có hiệu lực, đa số mọi người đều bảo “Ôi, thế thì còn dài lắm, lo gì”. Đây đúng là câu chuyện nước đến chân mới nhảy”, ông Huỳnh lo ngại.

“Khi tôi nói hiệp định này (TPP) đến năm 2018 sẽ có hiệu lực, đa số mọi người đều bảo “Ôi, thế thì còn dài lắm, lo gì”. Đây đúng là câu chuyện nước đến chân mới nhảy”, ông Huỳnh lo ngại.

Hôm qua 29.1, tại hội thảo “TPP, những điều doanh nghiệp (DN) cần biết” do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại khi đã gần đến ngày hiệp định này được ký kết chính thức (4.2.2016) nhưng nhiều DN vẫn chưa nắm được các nội dung chính của hiệp định.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn chính sách thương mại quốc tế VCCI, cho biết vừa qua khi gặp gỡ nông dân và một số chủ DN làm nông nghiệp ở các địa phương, ông nhận được câu hỏi: Bao giờ TPP có hiệu lực và tác động thế nào đến hoạt động sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi? “Khi tôi nói hiệp định này đến năm 2018 sẽ có hiệu lực, đa số mọi người đều bảo “Ôi, thế thì còn dài lắm, lo gì”. Đây đúng là câu chuyện nước đến chân mới nhảy”, ông Huỳnh lo ngại.
Ở một góc nhìn khác, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Võ Trí Thành cho rằng: “Thách thức lớn nhất là làm sao tận dụng được tất cả những cơ hội mà TPP mang lại. Muốn vậy cần có niềm tin sẽ thành công, đồng thời khai thác tốt nhất các lợi thế so sánh của mình.
Còn nếu chỉ nói đến những thách thức, khó khăn và lo ngại thì sẽ chỉ thấy DN VN “yếu toàn diện”, không có cơ hội để cạnh tranh trong sân chơi này”. “Và nếu thế, tại sao chúng ta phải tham gia đàm phán và ký kết?”, ông Thành đặt vấn đề, đồng thời dẫn chứng năm 2000 VN ký BTA với Mỹ, khi đó nhiều người lo ngại sẽ thua thiệt nhưng sau 1 năm Mỹ đã thành thị trường xuất khẩu lớn nhất và trong 15 năm xuất khẩu của VN sang Mỹ đã tăng lên trên 30 lần. “Nếu DN tự tin, “dám chơi” và khai thác tốt các lợi thế so sánh, VN sẽ thành công”, ông Thành khẳng định.
Đồng tình ý kiến của ông Thành, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập của VCCI, quan trọng là ở thời điểm này, để tận dụng hiệu quả cơ hội tham gia TPP, các cơ quan của Chính phủ cần nhanh chóng hỗ trợ và thông tin kịp thời cho các DN trong nước, đặc biệt về những điểm mạnh - yếu của từng thị trường thành viên, các hàng rào phi thuế quan cụ thể. “Về phía DN cũng cần chủ động hơn bởi TPP là một sân chơi lớn. Các DN “đến muộn, biết sau”, chắc chắn miếng bánh cơ hội sẽ nhỏ lại, thậm chí mất luôn không gian cho tồn tại và phát triển”, bà Trang nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.