Đến năm 2030, Việt Nam có 5 ĐH quốc gia thuộc nhóm trường hàng đầu châu Á?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
16/11/2023 11:53 GMT+7

Bên cạnh 2 ĐH quốc gia Hà Nội và TP.HCM, Việt Nam dự kiến có thêm 3 ĐH quốc gia và có mục tiêu 5 ĐH này sẽ nằm trong nhóm trường hàng đầu châu Á, có ít nhất 20 lĩnh vực nằm trong top 1.000 của các bảng xếp hạng quốc tế uy tín.

Đây là thông tin trong Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (trừ các trường thuộc Bộ Công an, Quốc phòng, các trường CĐ sư phạm) của Bộ GD-ĐT.

Toàn quốc có 5 ĐH quốc gia

Theo dự thảo này, việc sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH được thực hiện theo hướng cơ bản giữ ổn định về số lượng và cơ cấu, tập trung tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô của các cơ sở giáo dục ĐH.

Cụ thể, đến năm 2030, cả nước có khoảng 250 cơ sở giáo dục ĐH và 50 phân hiệu. Trong đó, có khoảng 30 cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm quốc gia, bao gồm 5 ĐH quốc gia, 5 ĐH vùng và từ 18 đến 20 cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm ngành quốc gia. Đồng thời có khoảng 100 cơ sở giáo dục ĐH đầu mối khác trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương.

Đến năm 2030, trường ĐH công lập không đạt chuẩn sẽ bị giải thể? - Ảnh 1.

ĐH Bách khoa Hà Nội được dự kiến trở thành ĐH quốc gia

T.L

5 ĐH quốc gia dự kiến bao gồm: ĐH Quốc gia Hà NộiĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Huế, ĐH Quốc gia Đà Nẵng và ĐH Quốc gia Bách khoa Hà Nội. Các cơ sở đào tạo này sẽ có quyền tự chủ cao hơn những mô hình còn lại, có sứ mạng dẫn dắt và vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia về phát triển nhân tài, nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bộ GD-ĐT đưa ra mục tiêu các ĐH quốc gia nằm trong nhóm ĐH hàng đầu châu Á, có ít nhất 20 lĩnh vực nằm trong top 1.000 của các bảng xếp hạng quốc tế uy tín.

Bên cạnh đó, có ít nhất 70 cơ sở giáo dục ĐH tư thục, bao gồm các cơ sở giáo dục ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài.

Cơ bản không thành lập trường ĐH công lập mới

Về định hướng sắp xếp, phát triển các trường ĐH công lập trong giai đoạn tới năm 2030, những trường không đạt chuẩn sẽ được củng cố, sắp xếp theo các phương án tái cấu trúc và tập trung đầu tư để đạt chuẩn trong lộ trình từ 3 đến 5 năm; sáp nhập để trở thành một đơn vị đào tạo hoặc một phân hiệu của một cơ sở giáo dục ĐH có uy tín hoặc đình chỉ hoạt động đào tạo trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030.

Dự thảo cho biết cơ bản sẽ không thành lập trường ĐH công lập mới, trừ các trường hợp: cần thiết thành lập tại một số vùng có mức độ tiếp cận ĐH thấp, cụ thể Tây Bắc bộ (1), Đông Bắc bộ (1), Tây nguyên (1), Đồng bằng Sông Cửu Long (1); tổ chức lại một số trường đào tạo, bồi dưỡng trực thuộc các cơ quan trung ương đã được phép đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH; đã có chủ trương thành lập được cấp có thẩm quyền quyết định còn thời hạn cho đến thời điểm quy hoạch này có hiệu lực thi hành.

Với các trường đào tạo giáo viên, Bộ GD-ĐT dự kiến sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, căn cứ năng lực và uy tín, khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển đội ngũ giáo viên của các địa phương, từng vùng và cả nước. Đến năm 2030, cả nước có khoảng 50 cơ sở giáo dục ĐH đào tạo giáo viên các trình độ. Trong đó, 11 trường giữ vai trò hạt nhân với khoảng 50% tổng quy mô đào tạo sư phạm toàn quốc.

Những trường này gồm: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm 2, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm (thuộc ĐH Huế, Thái Nguyên, Đà Nẵng), Trường ĐH Giáo dục (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Vinh, Quy Nhơn, Tây Nguyên, Cần Thơ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.