Đến thủ đô bí ẩn nhất thế giới - Kỳ 1: Cận cảnh Yangon

24/11/2007 00:30 GMT+7

Sự kiện Chính phủ Myanmar dời thủ đô từ Yangon lên Nay Pyi Taw vào đầu năm 2006 là bước đi gây ngạc nhiên với toàn thế giới. Hơn một năm trôi qua, Nay Pyi Taw vẫn rất ít được biết tới. Phóng viên Thanh Niên vừa có chuyến đi thú vị tới thủ đô bí ẩn này.

Giữa một thành phố khá tối vì ít đèn đường và nhiều cây xanh, tháp vàng chùa Shwe Dagon hiện lên sáng rực một góc trời Yangon.  

Cố đô 

Đến Yangon vào một buổi tối giữa tháng 11, dưới cánh máy bay, tôi dễ dàng nhận ra biểu tượng của thành phố, đó là ánh rực rỡ của tháp vàng chùa Shwe Dagon. Giữa một thành phố khá tối, ánh sáng từ cụm tháp chùa dường như rực rỡ thêm bội phần. Ngôi chùa có tuổi còn cao hơn cả thành phố Yangon với tháp làm bằng vàng này là trái tim của Phật giáo Myanmar. 

Yangon, vốn hình thành từ làng Dagon hồi thế kỷ thứ 6, vừa chính thức chia tay vai trò thủ đô của Liên bang Myanmar vào tháng 3.2006. Thủ đô mới của Myanmar là Nay Pyi Taw, cách đó khoảng 350 km về phía bắc. Đó là một thành phố được xây mới hoàn toàn cách đây vài năm, từ một ngôi làng heo hút trên vùng đồi lúp xúp thuộc phân khu Mandalay. Dù trái tim quyền lực đã được chuyển đến Nay Pyi Taw, Yangon hiện vẫn là thành phố lớn nhất Myanmar, là cửa ngõ chính của quốc gia nằm phía tây khu vực Đông Nam Á này. 

Hầu hết các chuyến bay đến và rời Myanmar đều thông qua Sân bay quốc tế Yangon, nằm cách trung tâm thành phố chừng 15 km. Đó là một sân bay rất nhỏ, không có gì thuyết phục người ta tin rằng nó từng có một quá khứ vàng son, từng được xếp vào nhóm sân bay quốc tế tốt nhất Đông Nam Á mấy chục năm về trước. Gần đây, Chính phủ Myanmar đã xây một nhà ga mới khá khang trang để đón khách thập phương. Trong hoàn cảnh ở Myanmar vừa có một số diễn biến căng thẳng, lượng khách nước ngoài đến quốc gia này vốn đã ít giờ lại càng thưa hơn. Thế nên, tiếng là sân bay quốc tế nhưng phi trường Yangon không có vẻ tấp nập như nhiều sân bay chính ở các quốc gia cùng khu vực. Sau này, khi đã thâm nhập vào đất nước Myanmar, tôi cũng dễ dàng nhận ra sự hiu quạnh tương tự ở nhiều khách sạn lớn và các khu du lịch nổi tiếng. Nhiều tòa nhà văn phòng cho thuê ngay trung tâm Yangon cũng chịu chung số phận. Đất nước Myanmar tuyệt đẹp, người dân Myanmar hiếu khách, nhưng một số khó khăn chủ quan và khách quan đã khiến nơi này không được nhiều du khách, nhà đầu tư quốc tế chọn làm điểm đến.

Ấn tượng taxi dù 


Taxi dù trên đường phố Yangon - Ảnh: Đỗ Hùng

Sau những cảm nhận ban đầu, tôi bắt đầu tìm hiểu về cuộc sống hôm nay ở Yangon. Buổi tối đầu tiên, cùng với những người bạn là doanh nhân bản xứ, tôi đã có một cuộc khám phá thú vị, qua nhiều quán bar, nhà hàng, tụ điểm vui chơi và những khu phố nghèo. Cuộc sống về đêm ở thành phố khá nhộn nhịp, với những quán bar đông đúc, những ban nhạc hát tiếng Anh rất ngọt và khu phố người Hoa với cảnh nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng cùng những xe hàng rong với tiếng rao bổng trầm như hát. Dưới màn đêm, sự lam lũ hiện lên cùng với một vẻ đẹp lãng mạn.  Đảo qua một số khu mua sắm và vui chơi, tôi phát hiện ra rằng ở Myanmar không có thẻ ATM và các loại thẻ tín dụng. Đi đâu người ta cũng mang tiền mặt theo. Ngặt một nỗi là tiền "chạt" (kyat) có tỷ giá khá thấp so với USD (1 USD tương đương 1.300 kyat) mà tờ tiền có mệnh giá cao nhất của nước này là tờ 1.000 kyat. Thế nên mỗi lần ăn nhậu, mua sắm, người ta thường phải "vác" một cọc tiền to tướng theo, rất bất tiện. "Trước kia cũng có thẻ ATM, nhưng do một số khó khăn về kinh tế, nó không còn tồn tại nữa. Thẻ tín dụng cũng không", người bạn doanh nhân tên Aung Myin giải thích. Nhưng gây cho tôi nhiều ngạc nhiên nhất là chuyện xe cộ. 

Có thể nói Yangon là kinh đô của taxi dù. Những khái niệm như đồng hồ tính cước, máy lạnh trên taxi trở nên rất xa xỉ ở nơi đây. Với Yangon, khi muốn đi taxi, người ta chỉ cần vẫy tay để thương lượng giá, kiểu như xe ôm ở ta. Và ở Yangon, taxi là những chiếc xe hơi có "niên đại" không dưới 20 năm, có nghĩa là rất cũ kỹ, tồi tàn và khó nhận ra đó là xe của nhà sản xuất nào. Dường như đó là một cỗ máy hổ lốn, vá víu, miễn là có thể lăn bánh và chở được người. Giá cho một cuốc taxi từ sân bay về trung tâm Yangon khoảng 4.000 đến 5.000 kyat. Cũng không đắt lắm nhưng nói chung khách phải biết thương lượng và đôi khi phải chấp nhận đi chung với người khác như... đi xe buýt.

Ở Yangon nói riêng và Myanmar nói chung, phương tiện giao thông là cả một câu chuyện dài, lạ lùng đến mức khó hiểu. Tại thành phố lớn nhất Myanmar này, xe máy bị cấm. "Tại sao?", tôi thắc mắc với anh bạn Naing Soe, là một doanh nhân trẻ của Yangon. Anh ta cười: "Tôi không biết. Chính phủ có thể ban hành bất cứ chính sách nào. Không có giải thích. Người dân cứ phải tuân thủ". "Thế ở những thành phố khác thì sao, như Mandalay hoặc Sittwe chẳng hạn? Cũng cấm luôn?". "Không, chỉ ở Yangon thôi". "Tại sao?". "Tôi không biết!".

Người dân Yangon nếu không có xe hơi riêng thì thường đi lại bằng xe buýt và các loại xe chở khách khác. Nói chung ở đây người ta có thể chở khách bằng bất cứ loại xe nào, từ xe buýt cho đến những chiếc xe tải cải biến. Tất cả đều cũ kỹ, có lẽ được sản xuất cách đây không dưới 20 năm và đã được lắp ghép, "mông má", chỉnh sửa vô số chi tiết. Tất cả đềìu chật cứng người, người ngồi bên trong, người đứng cheo leo bên ngoài thành xe. Dưới cái nắng chang chang của tháng 11, những chiếc xe nhét đầy khách trông thật ngột ngạt. Nhìn xe khách trên đường phố Yangon vào cuối năm 2007, tôi chợt liên tưởng tới những chuyến xe đò rệu rã, ì ạch thường chạy dọc Việt Nam hơn 20 năm về trước. 

Không có cảnh nhốn nháo của xe gắn máy như ở Việt Nam nên đường phố Yangon nhìn từ xa thì khá sang, nhưng lại gần mới thấy hết độ gồ ghề của nó. Khoảng 85% số xe ô tô lưu thông đã quá cũ. Số xe đời từ năm 2000 tới nay có lẽ chỉ chiếm khoảng 6-7%. Ước lượng này chỉ có tính tương đối, nhưng cũng có thể đưa ra một hình dung cơ bản về đường phố Yangon hiện tại. Có nhiều lý do khiến dân Myanmar "chuộng" xe cũ. Kinh tế là một. Dù đất nước đã có những chuyển biến đáng kể trong thời gian gần đây nhưng nhìn chung dân chúng đại đa số vẫn còn nghèo, không đủ tiền sắm xế hộp, số người khấm khá cũng chỉ đủ khả năng mua xe cũ, rất cũ mà thôi. Nhưng đó không phải là lý do chính, quan trọng nhất vẫn là chính sách không khuyến khích dùng xe hơi của chính phủ. Chính sách này đã khiến xe ô tô ở đây, cùng với điện thoại di động và internet, trở thành những mặt hàng đắt ngoài sức tưởng tượng của hầu hết chúng ta. Ở Việt Nam, giá xe ô tô đã thuộc vào hàng "top" thế giới, nhưng giá xe ở Myanmar mới xứng đáng với "ngôi vị quán quân". Tôi đã bị sốc sau khi biết giá chiếc Toyota Camry 2.2 đời 1994 cũ kỹ với nội thất đơn sơ của doanh nhân Naing Soe... 

 

Cảnh sinh hoạt trên đường phố Yangon (Myanmar)

Ký sự của Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.