Đến Thủ tướng Na Uy đăng 'Em bé Napalm' cũng bị Facebook xóa bỏ

10/09/2016 08:32 GMT+7

Sau khi Thủ tướng Na Uy đăng tải bức ảnh 'Em bé Napalm' cùng bài viết phản ứng về việc bức ảnh này bị Facebook liệt vào danh sách ảnh khỏa thân, Facebook tiếp tục xóa bài viết này sau đó vài giờ.

Theo tờ The Local Na Uy, ngày 9.9, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg đã cáo buộc Facecbook xóa bỏ bài đăng của bà về bức ảnh “Em bé Napalm”.
Thủ tướng Solberg đã đăng tải bài viết phản ứng về vụ việc gây tranh luận quyết liệt đang diễn ra tại nước này nhiều tuần qua liên quan đến bức ảnh “Em bé Napalm” vào ngày 9.9 và ngay sau đó bị Facebook xóa đi.
Bà Solberg đã viết trên Facebook rằng bà đánh giá cao nổ lực của Facebook khi ngăn chặn các hình ảnh và nội dung mang tính bạo lực hay khiêu dâm, nhưng trong trường hợp này, Facebook đã sai.
Bài đăng của Thủ tướng Na Uy Erna Solberg bị Facebook xóa sau đó vài giờ. Ảnh chụp màn hình The Local
Bà viết trên trang Facebook của mình: “Facebook đang gây ra sự nhầm lẫn khi kiểm duyệt những bức ảnh như thế này. Điều đó tạo ra sự hạn chế quyền tự do ngôn luận. Tôi ủng hộ những cuộc tranh luận lành mạnh, cởi mở và tự do – trên mạng hay bất cứ nơi nào khác. Nhưng tôi nói không với kiểu kiểm duyệt như thế này”.

Facebook đang gây ra sự nhầm lẫn khi kiểm duyệt những bức ảnh như thế này. Điều đó tạo ra sự hạn chế quyền tự do ngôn luận. Tôi ủng hộ những cuộc tranh luận lành mạnh, cởi mở và tự do – trên mạng hay bất cứ nơi nào khác. Nhưng tôi nói không với kiểu kiểm duyệt như thế này.

Thủ tướng Na Uy

Sau khi bài viết của mình bị xóa, Thủ tướng Na Uy đã đăng tiếp bức ảnh “Em bé Napalm cùng với các bức ảnh mang tính biểu tượng lịch sử khác nhưng che đi một phần nội dung của các bức ảnh”.
Bà viết: “Trong khi tôi đang trên đường từ Oslo đến Trondheim, Facebook đã xóa bài viết trên trang Facebook của tôi. Với việc gỡ bỏ những bức ảnh như thế này, Facebook đang làm gì vậy? Có lẽ là ý định tốt, hay muốn chỉnh sửa lịch sử?”.
Bà kêu gọi “ông lớn Facebook” nên xem xét lại chính sách biên tập của mình.
“Tôi muốn con cái tôi và con cái người khác lớn lên trong một xã hội mà lịch sử được dạy đúng với sự thật của nó. Nhưng chúng có thể học ở đâu từ các sự kiện lịch sử. Hôm nay, các bức ảnh là nguồn tư liệu dễ gây ấn tượng và quan trọng đến nỗi nếu bạn chỉnh sửa các sự kiện lịch sử hay về những người trong lịch sử thì bạn sẽ thay đổi cả lịch sử và thay đổi cả sự thật vốn có”.
Trong khi đó, tờ báo lớn nhất Nauy Aftenposten cũng cho đăng tải trên trang nhất bức thư gởi nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, cáo buộc đã lạm quyền khi gỡ bỏ bức ảnh mang tính biểu tượng lịch sử.
Thủ tướng Na Uy đăng tải tiếp các bức ảnh mang tính lịch sử nhưng xóa đi một phần nội dung bức ảnh để phản ứng với cách làm cứng nhắc của “ông lớn” Facebook Ảnh chụp màn hình The Local
Bức ảnh “Em bé Napalm” đã được chính tờ báo này đăng lại ngay trên trang nhất như một lời khẳng định mạnh mẽ với Facebook về tính lịch sử của bức ảnh thay vì bị liệt vào danh sách ảnh khỏa thân như Facebook đã đối xử.
Trên tờ Charlotte Observer, ông Paul Colford, Phó chủ tịch đồng thời là Giám đốc Phòng quan hệ truyền thông hãng tin AP, nói rằng: “Hãng tin AP tự hào về bức ảnh của ông Nick Út và ghi nhận sự ảnh hưởng mang tính lịch sử của bức ảnh đó. Ngoài ra, chúng tôi giữ bản quyền đối với bức ảnh đầy sức mạnh này”.
Trả lời qua email với Báo Thanh Niên, ông Nick Út, tác giả của bức ảnh “Em bé Napalm” cho biết sẽ sớm thông tin về sự việc này vì hiện đang công tác tại Trung Quốc. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.