Đèn tuýp tiết kiệm điện “made in VN”

10/05/2011 04:40 GMT+7

Từ ý tưởng về một bộ sản phẩm tiết kiệm điện dành cho đèn tuýp, sau hơn một năm nghiên cứu, nhóm tác giả của ĐH Bách khoa Hà Nội đã chế tạo thành công bộ thiết bị có thể tiết kiệm từ 30 - 50% mức điện năng tiêu thụ của hệ thống đèn tuýp.

Trưởng nhóm tác giả - TS Nguyễn Phan Kiên, giảng viên bộ môn Công nghệ và Kỹ thuật Y sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ, dự án bắt đầu từ phong trào ĐH Bách khoa Hà Nội phát động sinh viên tiết kiệm điện trên giảng đường. Ngoài vận động sinh viên nâng cao ý thức tiết kiệm điện bằng cách tắt hết đèn chiếu sáng trên giảng đường, hành lang sau giờ học, TS Nguyễn Phan Kiên đã lập nhóm nghiên cứu chế tạo thiết bị có thể tiết kiệm điện ngay cả khi hệ thống đèn đang hoạt động.


Bộ thiết bị có thể tiết kiệm từ 30 - 50 % mức điện năng tiêu thụ của hệ thống đèn tuýp - Ảnh: Phan Hậu

Sản phẩm bộ thiết bị tiết kiệm điện này từng giành giải Nhất tại cuộc thi Ý tưởng xanh năm 2010, nằm trong khuôn khổ Hành trình xanh - Go Green nhằm tôn vinh các ý tưởng về sử dụng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường trong giới trẻ. Chiến thắng này đã mang lại nguồn kinh phí 250 triệu để triển khai bộ sản phẩm vào đời sống.

Kể lại quá trình nghiên cứu, TS Kiên cho biết, các thành viên trong nhóm lặn lội xin đo đạc, khảo sát ở rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên cả nước có nhu cầu lớn về điện chiếu sáng. Thống kê từ Tập đoàn điện lực Việt Nam, lượng năng lượng điện dùng trong chiếu sáng luôn chiếm hơn 20% tổng năng lượng tiêu thụ trên toàn quốc. Bởi thế, nếu thành công, thiết bị này sẽ góp phần đáng kể trong tiết kiệm điện năng.

Theo thiết kế, bộ thiết bị tiết điện này có cấu tạo gồm một cảm biến ánh sáng, hệ thống đo dòng áp, vi điều khiển nhận, xử lý dữ liệu và hệ thống biến đổi năng lượng. Khi bóng đèn được bật sáng ổn định, phần mềm cài đặt trong thiết bị sẽ kiểm tra thông số dòng áp rồi tự động đo cường độ ánh sáng ở môi trường xung quanh so sánh với mức sáng tiêu chuẩn đã đặt trước để thực hiện cân bằng sáng cho phù hợp. Kết quả thí nghiệm với giàn 25 bóng đèn tuýp đang vận hành chiếu sáng với cường động dòng điện 5,78 (A) nhưng khi khởi động thiết bị, cường độ dòng điện nhanh chóng giảm xuống chỉ còn 2,93 (A).

Quan nhiều thí nghiệm, chạy thử nghiệm trên thực tế tại các cơ sở sản xuất, bộ thiết bị này có khả năng tiết kiệm từ 30 - 50% mức điện năng tiêu thụ. Ngoài ra, các thí nghiệm cũng cho thấy, ngoài khả năng tiết kiệm điện, trong một năm một giàn 50 bóng đèn chiếu sáng có thể giảm tới 0,8 tấn khí CO2 phát thải ra môi trường.

Mạc Văn Hải, một thành viên trong nhóm nghiên cứu cũng chia sẻ thêm, hiện nay các giải pháp tiết kiệm điện cho đèn tuýp chưa nhiều, chỉ có chấn lưu điều chỉnh sáng, chấn lưu hai công suất. Do phải nhập từ nước ngoài nên giá thành sản phẩm rất cao, lại tác động trực tiếp, ảnh hưởng tuổi thọ bóng đèn nên người dân dù muốn tiết kiệm cũng không mặn mà với thiết bị này.

Khắc phục nhược điểm này, thiết bị tiết kiệm của nhóm chỉ nhằm giảm thiểu năng lượng dư thừa chứ không tác động trực tiếp vào hệ thống đèn chiếu sáng. Tuy nhiên, thiết bị này chỉ phát huy tác dụng khi lắp đặt ở nơi có nhu cầu lớn về điện chiếu sáng như trường học, doanh nghiệp và siêu thị với giàn từ 16 bóng trở lên. Trong tương lai, nhóm tiếp tục phát triển nghiên cứu với mục tiêu tìm ra thiết bị gắn trực tiếp vào máng đèn tuýp, giúp tiết kiệm cho bóng đèn đơn lẻ tại các hộ gia đình.

Theo tính toán, giá thành một bộ thiết bị bao gồm cả chi phí lắp đặt, bảo hành dao động trên dưới 8 triệu đồng, với tuổi thọ sử dụng không dưới 10 năm. Sau thời gian cho sử dụng miễn phí thiết bị thử nghiệm, hiện nhóm đã bắt đầu nhận được đơn đặt hàng cung cấp thiết bị từ các siêu thị, cơ sở sản xuất.

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.