Dệt may, điện tử, ô tô sắp dừng sản xuất vì đói nguyên liệu

Chí Hiếu
Chí Hiếu
27/02/2020 07:49 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp ngành điện - điện tử chỉ còn đủ linh kiện, phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng một tháng nữa; trong khi khối da dày, dệt may cũng chỉ dự trữ nguyên phụ liệu đủ cho sản xuất tới tháng 4.2020.

Cầm cự được 1 - 2 tháng nữa

Thông tin trên được ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho biết tại cuộc họp chiều 26.2 của Bộ Công thương để bàn về tình hình sản xuất trước diễn biến của dịch Covid-19.
Theo ông Hoài, các ngành sản xuất Việt Nam đang chịu tác động lớn từ dịch bệnh Covid-19, thậm chí nhiều doanh nghiệp (DN) đối diện việc tạm ngừng sản xuất vì thiếu nguyên vật liệu, do nguồn cung từ các nước có dịch Covid-19 bị giảm, như Trung Quốc, Hàn Quốc. Cụ thể, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của cả Việt Nam - Trung Quốc khiến việc thông quan các lô hàng nhập khẩu khó khăn hơn. Thứ hai, các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu cho Việt Nam tại Trung Quốc cũng đang tạm ngừng, hoặc hoạt động rất ít do dịch bệnh. Mặt khác, do công nghiệp chế biến, chế tạo được tổ chức theo chuỗi giá trị rất chặt chẽ, nên việc tìm được ngay nguồn thay thế là hết sức khó khăn.

Sản xuất của nhiều ngành công nghiệp trọng điểm chỉ duy trì được tới tháng 3. Rõ ràng chúng ta phụ thuộc vào nhập khẩu chứ chưa thể cải thiện ngay được

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

Một trong số những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là điện - điện tử. “Hiện nay, các DN điện tử chỉ còn đủ lượng linh kiện, phụ kiện sản xuất đến giữa hoặc cuối tháng 3.2020”, ông Hoài nói và cho biết thêm, ngành dệt may, da giày cũng chỉ còn nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3 hoặc đầu tháng 4. Đối với ngành sản xuất lắp ráp ô tô, báo cáo của Cục Công nghiệp cho biết, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 4 tỉ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó nhập khẩu nhiều nhất là từ Hàn Quốc với 1,14 tỉ USD (chiếm 28,5%), Nhật Bản (0,72 tỉ USD, tương đương 18,04%) và từ Trung Quốc là 0,7 tỉ USD. Tính toán của Cục Công nghiệp cho thấy, đến khoảng cuối tháng 3, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ thiếu linh kiện, phụ kiện phục vụ sản xuất.

Cần có hàng rào phi thuế quan tạm thời

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết thêm, chỉ riêng trong chuỗi cung ứng của châu Á, sản phẩm của Trung Quốc chiếm tới 40%. Do đó, không chỉ Việt Nam bị tác động, song không thể phủ nhận “tác động tới Việt Nam là rất lớn”. Để đối phó tình hình này, ông Trần Tuấn Anh đề nghị các cơ quan thuộc bộ cần tiếp tục phân tích dự báo, đồng thời xây dựng đối sách để ứng phó. “Sản xuất của nhiều ngành công nghiệp trọng điểm chỉ duy trì được tới tháng 3. Rõ ràng chúng ta phụ thuộc vào nhập khẩu chứ chưa thể cải thiện ngay được”, ông Trần Tuấn Anh lo ngại. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Chúng ta không bi đát, không trầm trọng hóa vấn đề nhưng phải chủ động”.
Theo ông Trương Thanh Hoài, Bộ Công thương đã có nhiều đề xuất với Chính phủ về các giải pháp phát triển công nghiệp trong nước. Đó là đầu tư nguồn lực từ ngân sách để tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh kiện, phụ kiện đầu vào nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, thu hút chuyển dịch đầu tư các ngành sản xuất (trong đó có sản xuất linh kiện, phụ kiện) từ Trung Quốc sang Việt Nam
Trong khi đó, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, đề nghị cân nhắc áp dụng hàng rào thuế quan và phi thuế quan với hàng nhập khẩu đang cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của ta, nhất là trong nông sản.
“Nhập khẩu rau quả hằng năm của chúng ta gần 1,8 tỉ USD; hơn 1 tỉ USD sữa và sản phẩm sữa; thịt cũng 1,4 tỉ USD… Để tăng cầu nội địa, phải tính tới biện pháp phi thuế tạm thời với hàng đang nhập khẩu từ các nước”, ông Đông nói. Cùng với đó, theo ông Đông, cũng nên điều chỉnh quy mô sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường đang giảm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.