ĐH Quốc gia Hà Nội mới đây đã ban hành thông báo chính sách thu hút nhà khoa học xuất sắc. Đối tượng thu hút gồm các nhà khoa học có thành tích nghiên cứu xuất sắc ở trong và ngoài nước (bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài), có mong muốn tham gia nghiên cứu khoa học, đảm nhận các vị trí trưởng nhóm nghiên cứu mạnh ở các lĩnh vực KH-CN mà ĐH Quốc gia Hà Nội định hướng nghiên cứu ưu tiên (gồm hơn 41 hướng nghiên cứu của hơn 7 lĩnh vực).
Hình thức làm việc không chỉ là hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động mà còn có cả hợp đồng thuê khoán chuyên môn. Tùy theo hình thức ký kết hợp đồng, các nhà khoa học có thể chủ động làm việc tại ĐH Quốc gia Hà Nội, trong nước và nước ngoài...
Trao đổi với Báo Thanh Niên, một lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, trong hoạt động nghiên cứu khoa học thì không nhất thiết phải dùng cán bộ cơ hữu mà có thể dùng cơ chế hợp tác.
Mục tiêu của chính sách thí điểm này là thu hút người để làm việc chứ không phải để có biên chế. Với hình thức hợp đồng thuê khoán chuyên môn, ĐH Quốc gia Hà Nội có thể giảm bớt thủ tục hành chính với các đối tượng như nhà khoa học giỏi đã lớn tuổi, nhà khoa học người nước ngoài (trường hợp này muốn ký hợp đồng lao động thì phải có giấy phép lao động)…
Việc thu hút nhà khoa học xuất sắc là để có những nhà khoa học xuất sắc làm chủ trì các nhiệm vụ KH-CN, góp phần tạo điều kiện phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, chứ không phải hợp tác cốt chỉ để có sản phẩm (công bố quốc tế). Đây là chính sách thu hút để đầu tư bài bản lâu dài. Vì thế, tùy từng trường hợp, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ có cơ chế phù hợp, vấn đề quan trọng là thực chất và đầu tư hiệu quả, không chạy theo hình thức.
"Trường hợp đặc biệt mới phải ký hợp đồng thuê khoán chuyên môn. Vì việc thuê khoán chuyên môn là để áp dụng với các hợp đồng chuyển giao KH-CN. ĐH Quốc gia Hà Nội đang kết nối với nhà khoa học và doanh nghiệp nên việc áp dụng cơ chế thuê khoán khiến cho 3 bên đều thuận lợi", vị lãnh đạo này giải thích.
Cũng theo thông báo trên, nhà khoa học xuất sắc khi được thu hút về sẽ được hưởng nhiều quyền lợi như được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của Nhà nước và ĐH Quốc gia Hà Nội; được ưu tiên sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dùng chung của ĐH Quốc gia Hà Nội; được đảm bảo các điều kiện việc làm, trang thiết bị và triển khai cơ chế chính sách theo thỏa thuận để có thể đẩy mạnh các lĩnh vực KH-CN mũi nhọn của Việt Nam; được đề xuất đầu tư tăng cường năng lực để phát triển nhóm nghiên cứu mạnh.
Đặc biệt, nhà khoa học sẽ được đầu tư kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH-CN từ 3 tỉ đồng trong 3 năm.
Bình luận (0)