'Đi bão': Vui thôi, đừng vui quá!

27/01/2018 09:00 GMT+7

Để tận hưởng niềm vui trọn vẹn khi 'đi bão', đừng quên bỏ túi những lời khuyên cần thiết!

Nói không với hành vi phản cảm
Kể từ sau những trận đấu thăng hoa của U.23 Việt Nam ở giải U.23 châu Á lần này, đặc biệt là sau chiến thắng ngoạn mục trước U.23 Iraq ở tứ kết và U.23 Qatar ở bán kết, giới trẻ đã rủ nhau đổ xuống đường để "đi bão" ăn mừng chiến thắng.
Trong số vô vàn hình ảnh đẹp của những người "đi bão", thì vẫn có một bộ phận người trẻ có những hành vi phản cảm, để lại những hình ảnh được cho là không đẹp.
Có thể kể như nhiều nhóm cổ động viên cả nam lẫn nữ không ngần ngại trút bỏ xiêm y, để "mình trần như nhộng" khi "đi bão"... Những hình ảnh này khiến nhiều người bức xúc.
"Thấy những hành động đó phản cảm vô cùng. Ăn mừng phải lành mạnh, 'đi bão' cho vui cùng mọi người thì được, chứ 'lột đồ' như thế thì không thể chấp nhận được", Hồ Hiếu Trung, SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nói.
Hãy nói không với những hành vi phản cảm khi "đi bão" Ảnh: Chụp màn hình
Theo luật sư Nguyễn Văn Chiến (TP.HCM) thì trong những lần "đi bão" vừa qua, không ít người trẻ đã có hành động bột phát, sử dụng cờ Tổ quốc sai mục đích, không đúng quy định.
"Nếu người nào có hành vi cố ý xúc phạm Quốc kỳ như: giẫm đạp, xé rách quốc kỳ... sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, được quy định tại Điều 351 Bộ Luật hình sự 2015, có hiệu lực ngày 1.1.2018", ông Chiến nói.
Đối với việc nhiều bạn trẻ thề thốt nếu tuyển U.23 Việt Nam chiến thắng sẽ "lột đồ", đốt xe, hoặc lên mạng viết lời hứa hẹn sẽ ăn mừng bằng các hành động phản cảm khi "đi bão", thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoài Thương, Trung tâm kỹ năng mềm Việt Tâm, khuyên: "Đừng vì quá vui mà xốc nổi như vậy. Phấn khích quá để rồi thoải mái đưa ra những lời hứa, thề thốt như thế sẽ dễ gặp nhiều hệ lụy. Lời thề thốt ấy có thể là 'không sao' khi đang có cảm xúc hưng phấn, nhưng đến lúc 'phải thực hiện' thì rất xấu hổ".
Cũng theo bà Thương: "Vui thôi, chứ đừng vui quá. Đừng để bản thân 'quá đà', 'lỡ trớn' bất kỳ điều gì. Thay vào đó, có thể cổ vũ, ủng hộ đội tuyển bằng nhiều hành động thiết thực hơn, hoặc có thể hứa bằng những lời tốt đẹp hơn như: sẽ đãi bạn bè bữa ăn thân mật, cố gắng chăm học hơn...".
Đêm 23.1, nhiều người phát hoảng khi thấy không ít bạn trẻ chở những con chó ra đường để cùng ăn mừng. Đáng lưu ý, chủ nhân không hề quan tâm đến việc rọ mõm chó, khiến người khác bất an. "Người ra đường chung vui là được rồi, đừng dắt chó theo làm gì, có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của người khác", Lê Phương Uyên, SV Trường ĐH Sài Gòn, nói.
Chú chó không được bịt rọ mõm cũng được đưa "đi bão" khiến nhiều người lo ngại Ảnh: Quỳnh Trương
Đừng lạm dụng "đi bão"
Theo chia sẻ của nhiều người trẻ, đêm nay 27.1, sau trận đấu chung kết giữa U.23 Việt Nam và U.23 Uzbekistan, dù kết quả có như thế nào, thì tuyển U.23 Việt Nam vẫn là những nhà vô địch trong lòng người hâm mộ.
Vì lẽ đó, như lời Nguyễn Thúy Hạnh, SV Trường ĐH Hoa Sen thì: "Chúng mình sẽ 'đi bão' sau trận đấu, để ăn mừng kỳ tích của đội tuyển".
"Có lẽ rất lâu nữa mới có cơ hội 'đi bão' nên sau trận chung kết, bất kể chiến thắng hay thất bại, mình và bạn bè cũng sẽ xuống đường. Đây là dịp không thể bỏ qua. 'Đi bão' để tận hưởng những phút giây vui vẻ, chia vui cùng đội tuyển", Trần Minh Nhựt, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết.
Tuy nhiên, theo anh Trương Hoàng Trọng (35 tuổi, ở Q.5, TP.HCM) thì: "Đi bão" cho vui cùng người hâm mộ thì không sao. Nhưng đừng "kiếm cớ" để "đi bão" xuyên đêm, rồi để "đi bão" biến tướng thành đua xe, phóng xe bạt mạng". Anh Trọng kể vào khuya 23.1, đã chứng kiến nhiều nhóm bạn trẻ "xé gió" kinh hoàng trong đêm, ngay sau trận đấu U.23 Việt Nam chiến thắng U.23 Qatar.
"Đi bão" an toàn
Từng "đi bão" ăn mừng chiến thắng trong hai đêm 20.1 và 23.1, Lê Quỳnh Anh, SV Trường ĐH Gia Định, cho biết: "Mình thấy nhiều người ăn mừng bằng cách chạy xe thật nhanh, nẹt pô, lạng lách, đánh võng, khiến người khác lo sợ. Mong là đêm 27.1, không phải thấy những hình ảnh đó nữa".
Được biết, trong hai đêm 20.1 và 23.1, hàng ngàn người đổ xuống đường "đi bão" ăn mừng chiến thắng của U.23 Việt Nam, trong quá trình tuần tra kiểm soát, phân luồng xe, lực lượng CSGT đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm như: la hét quá khích, lạng lách, đánh võng, chạy tốc độ cao, nẹt pô, rú ga, chở quá người quy định… gây mất an ninh trật tự và nhiều khả năng gây nguy hiểm cho người khác.
Câu chuyện một thanh niên 26 tuổi ở Hải Phòng khi "đi bão" vào chiều tối 23.1 đã gặp tai nạn giao thông và tử vong tại chỗ cũng chính là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người.

Đêm nay có "đi bão" thì nhớ đảm bảo an toàn, bạn nhé Ảnh: Minh Tú
"Đêm nay 27.1 chắn chắn tôi sẽ hòa vào những dòng người đi ăn mừng đội tuyển U.23 Việt Nam sau những chiến thắng hiển hách. Nhưng dù vui thế nào thì cũng bảo đảm an toàn cho bản thân", anh Trần Đình Phước (27 tuổi, ở Q.10, TP.HCM), nói.
Anh Phước lưu ý cho những ai đang có dự định "đi bão" tối nay, đó là: "Đừng quên đội nón bảo hiểm khi ra đường. Nhớ đem theo giấy tờ tùy thân. Đổ bình xăng thật đầy vì quãng đường di chuyển có thể rất dài, đề phòng hết xăng giữa đường. Nhớ đem theo áo khoác. Đừng về nhà quá khuya. Có như vậy thì mới 'đi bão' an toàn được".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.