Đi chợ giúp dân: Phát loa gọi từng nhà

22/07/2021 07:32 GMT+7

Đều đặn vào 7 giờ 30 mỗi ngày, tiếng loa của đội tình nguyện đều vang lên trong các khu phong tỏa tại P.Trung Mỹ Tây, Q.12 (TP.HCM) để ghi đơn, đi chợ giúp người dân tại đây.

Ngày nào cũng giúp đi chợ

7 giờ 30, em Trần Nguyễn Anh Khoa (16 tuổi) đã đứng phát loa trước các hộ dân trong khu phong tỏa: “Cô, chú, anh, chị có nhu cầu đi chợ thì mang đơn ra cho tụi con, tụi con đi mua”. Tiếng loa được Anh Khoa phát lặp đi lặp lại, cho đến khi có người dân hé cửa ra để gửi đơn hàng nhờ đi chợ giúp. Đó là tiếng loa của các tình nguyện viên đội tình nguyện đi chợ giúp người dân trong khu phong tỏa tại P.Trung Mỹ Tây, Q.12.
Sau khi nghe loa thông báo, anh Lê Văn Trọng (39 tuổi, quê Thanh Hóa) từ phòng trọ ra phía trước hàng rào phong tỏa để gửi đơn hàng kèm tiền mặt. Anh Trọng vốn là lao động tự do, dịch Covid-19 bùng phát khiến anh mất việc làm. Trước đó, anh Trọng đã tự cách ly 14 ngày, định sẽ làm xét nghiệm Covid-19 để về quê tránh dịch. Vừa tự cách ly xong thì chỗ anh ở lại bị giăng dây phong tỏa thêm 21 ngày nữa do có ca nhiễm Covid-19. “Tôi vào TP.HCM sống có một mình thôi, người thân toàn ở quê nên không ai tiếp tế cho. May có các bạn tình nguyện viên đến ghi đơn đi chợ giúp. Tính ra tôi ở nhà 1 tháng rồi, tiền cũng sắp cạn nên chỉ gửi mua một ít đồ về nấu cơm”, anh nói.
Sau khi nhận đơn hàng và tiền, Anh Khoa nhanh chóng xác nhận với anh Trọng: “Em nhận của anh 200.000 đồng, để em đọc lại các món anh cần mua: rau, nửa ký thịt, sả. Nếu có món nào hết hàng, anh thông cảm giúp em”. Xác nhận xong, Anh Khoa giao đơn lại cho thành viên khác tổng hợp, rồi tiếp tục phát loa và đi nhận đơn tại các hộ dân. Hầu như các hộ dân tại khu phong tỏa đều đã quen với tiếng loa thông báo, nên đã để sẵn giấy ghi đơn hàng kèm tiền mặt trên bàn với vài lời nhắn nhủ: “Con chịu khó mua giúp nhé, cảm ơn nhiều”.
Chị Phạm Thị Thúy Hằng, Phó bí thư Đoàn P.Trung Mỹ Tây (Q.12), cho biết vào đầu tháng 6 tại P.Trung Mỹ Tây có một số điểm phong tỏa, người dân không thể đi chợ và việc mua hàng hóa rất khó khăn. Từ đó, mô hình đội tình nguyện đi chợ giúp người dân trong khu phong tỏa với 7 thành viên đã ra đời để hỗ trợ người dân. Không chỉ mua nhu yếu phẩm, nếu người dân cần mua thuốc men cũng có thể liên hệ trực tiếp, các thành viên sẽ có mặt ngay để hỗ trợ.
Đi chợ giúp dân: Phát loa gọi từng nhà1

Nhóm đi chợ giúp người dân trong khu phong tỏa mua các mặt hàng thiết yếu như rau củ, thịt, cá...

ẢNH: DUY HIỆP

“Ban đầu, P.Trung Mỹ Tây chỉ có 2 khu phong tỏa, nhưng hiện đã tăng lên 12 khu, với 6 - 7 khu có nhiều hộ dân sinh sống. Khoảng 7 giờ 30, các đoàn viên thanh niên sẽ đến các khu phong tỏa để phát loa và nhận mẫu đơn hàng đã gửi cho người dân hôm trước, rồi đến siêu thị mua hàng, đến khoảng 10 giờ sẽ giao hàng cho người dân. Mỗi ngày có khoảng 15 - 20 đơn hàng. Nóng nhất là vào hôm 14.7 có tin đồn thất thiệt TP.HCM đóng cửa, nhiều người đổ xô đi siêu thị, khiến người dân trong khu phong tỏa cũng hoang mang, đặt nhóm đi chợ đến 130 đơn hàng. Lúc đó mình vừa giao đơn hàng, vừa phải tuyên truyền thông tin cho người dân bình tĩnh. Hoạt động đi chợ giúp dân đều tuân thủ tối đa 5K để an toàn cho mọi người”, chị Hằng chia sẻ.

Sáng 22.7: TP.HCM thêm 2.433 ca Covid-19, tổng cộng đã công bố 44.136 bệnh nhân

Làm đến khi hết dịch

Sau khi tiếp nhận các đơn hàng từ khu phong tỏa, nhóm tình nguyện viên bắt đầu tổng hợp và chia theo từng đơn nhỏ theo mỗi loại: rau, thịt, cá, trái cây... và đến siêu thị mua hàng. Tại siêu thị, các tình nguyện viên sẽ chia theo từng nhóm nhỏ, nhóm mua rau, nhóm mua thịt…, và sau khi mua đủ hàng sẽ tập hợp lại thanh toán.
Em Nguyễn Thị Ngọc Trinh (17 tuổi) cho biết đã làm tình nguyện viên đi chợ giúp người dân trong khu phong tỏa được hơn một tháng rưỡi, trước cả ngày TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Ngọc Trinh kể khi mới bắt đầu đi chợ em cũng không có nhiều kinh nghiệm để mua hàng. “Lúc đó còn mua nhầm rau diếp cá thành lá mơ, đến khi giao hàng phải năn nỉ người dân lấy, nếu không lấy thì tụi em sẽ bỏ tiền túi mua lại. Nhưng đi suốt thành quen, giờ kinh nghiệm đầy mình rồi, tụi em đi tầm 1 tiếng là mua xong”.
Còn em Võ Thành Phương Đông (18 tuổi) đang lúi húi lựa hàng tại quầy thịt. “Người dân gửi mua nửa ký thịt, em phải chọn kỹ, lựa thịt tươi để bảo quản được lâu hơn”, Đông nói và cho biết thêm mình từng tham gia hoạt động trại hè của Đoàn, Hội nên việc đi chợ, lựa chọn thực phẩm rất dễ dàng. “Có những đơn hàng người dân gửi mua 5.000 đồng giá đỗ, em cũng mua luôn. Có đơn thì người dân gửi mua nhiều đồ, đến khi ra mua thì không có, phải gọi điện lại thông báo hết hàng hoặc thay bằng món tương tự”, Đông kể.
“Mỗi lần tụi em đi chợ về giao hàng, người dân đều nhắn tin cảm ơn cả nhóm. Có lần còn nhận được lá thư của một em nhỏ học lớp 4 rất dễ thương, viết cả một tờ giấy chỉ để cảm ơn. Tụi em chỉ mong người dân trong khu phong tỏa không bị thiếu thốn gì. Thậm chí có một chị đang ôn thi lớp 12 thì bị phong tỏa, tụi em cũng sẵn sàng hỗ trợ, đi in đề thi để chị đó ôn thi. Tụi em dự tính, đến khi nào hết dịch Covid-19 thì tụi em mới ngừng làm”, Đông tâm sự.
Đi chợ giúp dân: Phát loa gọi từng nhà2

Hàng hóa sau khi mua xong, sẽ được để ở bàn trước hàng rào phong tỏa

ẢNH: SONG MAI

Xúc động rơi nước mắt

Sau khi mua đủ hàng hóa, các tình nguyện viên phân loại hàng theo từng đơn, rồi chở đến để trước hàng rào phong tỏa. Anh Khoa lại tiếp tục phát loa thông báo: “Cô, chú, anh, chị trong khu phong tỏa mình có đặt hàng thì ra nhận hàng”.
Nghe tiếng loa, chị Võ Thị Phượng (44 tuổi) hối hả đến trước hàng rào phong tỏa gọi các bạn tình nguyện viên: “Mấy em đưa giấy ghi đơn đi chợ, chị sẽ phát cho các hộ dân trong khu phong tỏa, rồi hôm sau các em đến thu lại, đỡ cực nhé”. Chị Phượng cho biết trong thời gian phong tỏa chị đều gửi các bạn tình nguyện viên đi chợ giúp. Do con gái chị Phượng cũng là tình nguyện viên nên hiểu được nỗi vất vả của các bạn. Chị Phượng chỉ mong được giúp đỡ một tay cho nhóm bớt việc.
Bên trong khu vực phong tỏa, chị Trần Thị Yến (45 tuổi) mở hé cửa để nhận hàng. Chị Yến gửi mua một ít bánh ngọt và thuốc trị đau đầu. Căn nhà chị đang ở là nhà kho, phía sau có mảnh sân nhỏ để trồng rau. Trước ngày bị phong tỏa, chị Yến ghé về đây để tưới rau, đến khi chuẩn bị về lại nhà, bất ngờ lực lượng chức năng đến giăng dây phong tỏa. “Lúc đó chỉ có bộ quần áo trên người và chiếc xe máy, không có gạo, thức ăn và bếp nên tôi rất rối. Đến ngày thứ hai, tôi thấy có một bạn tình nguyện viên tới phát loa đi chợ giúp người dân nên tôi mừng lắm, nhờ có các bạn mà từ đó trở đi thấy không có gì phải lo lắng, sợ sệt. Mấy hôm đầu, thấy các bạn đến giao hàng, tôi cầm trên tay mà xúc động rơi nước mắt”, chị Yến nhớ lại.
Khi được hỏi về các bạn thanh niên tình nguyện, chị Yến nói: “Thương các em lắm! Nếu không có các em thì tôi cũng không biết phải làm sao. Tôi ở nhà cách ly còn được các em chăm sóc, còn các em phải đi ra bên ngoài, tiếp xúc nhiều người trong thời gian dịch bệnh rất nguy hiểm. Chỉ biết thầm cảm ơn gia đình các em đã đủ bao dung, để các em đi giúp đỡ và san sẻ tình thương đến mọi người. Sau khi dỡ phong tỏa, tôi sẽ tìm gặp để gửi lời cảm ơn đến từng em”. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.