Dịch: Mê Linh
Đẳng cấp
Đá quý của Myanmar nổi tiếng trên thế giới vì chất lượng cực kỳ cao, và gia đình bà Thiri Tin Htut làm việc trong ngành từ thế kỷ 19: ông cố nội, U Hmat, là quản lý mỏ hồng ngọc cho Thibaw, vị vua cuối cùng của Myanmar và sau này, các thế hệ là những thợ hoặc thương nhân đá quý ở Myanmar, Thái Lan và châu Âu.
Vì thế khi bà Thiri Tin Htut trở lại Myanmar vào năm 1995 sau khi sống một thập kỷ ở Thái Lan, Thụy Sĩ và Mỹ, mở cửa hàng trang sức thủ công với một trong các chị em gái của bà dường như là một động thái nghề nghiệp tự nhiên, bà tâm sự. “Tôi có nhiều đá quý để thử sức, vì thế tôi có thể sáng tạo”, bà Thiri Tin Htut, 44 tuổi, kể trong một buổi chiều gần đây tại cửa hàng, nhà trang sức Manawmaya. “Tôi không bị hạn chế khi làm sản phẩm thương mại theo trào lưu”.
Hơn 2 thập kỷ qua, nhà trang sức Manawmaya, hoạt động ở khu dân cư Yangon, thủ đô văn hóa và thương mại Myanmar, lặng lẽ nổi lên như một điểm đến đối với những người Myanmar và nước ngoài say mê trang sức.
Bề ngoài khó phân loại khiến cho Manawmaya giống như một ngôi nhà bình thường như bao ngôi nhà khác. Nhưng showroom 2 lầu bên trong có những chiếc tủ kính đầy trang sức lấp lánh với hồng ngọc và ngọc bích quý hiếm, cùng những viên đá quý và bán quý khác.
Thành phố Mogok của Myanmar nổi tiếng vì có nhiều mỏ đá quý. 90% hồng ngọc của thế giới có xuất xứ từ Myanmar.
Tất cả trang sức được làm bằng tay bởi hàng tá thợ thủ công và khoảng 90% đá quý Myanmar, bà Thiri Tin Htut tuyên bố. Giá thấp nhất khoảng 2.000 USD/món.
Là nhà thiết kế chính của cửa hàng, bà cho biết gu mỹ thuật của bà kết hợp với nét đương đại, cổ xưa, các yếu tố phương Tây và châu Á, vì thế những kiểu dáng trang sức rất khác biệt, tùy thuộc vào tâm trạng của bà.
Một số khách hàng yêu cầu bà làm lại các thiết kế, bà nói thêm, nhưng bà luôn từ chối.
“Tôi bảo, ‘Tôi có thể làm giống tương tự, nhưng không chính xác như thế’”, bà khẳng định. “Tôi không thích làm giống vì tôi muốn mỗi một người mua trang sức của tôi cảm nhận được nét đặc biệt và độc đáo”.
Bà Thiri Tin Htut khăng khăng giữ ý kiến và độc lập, “và bằng cách nào đó nó thể hiện qua trang sức”, M. H. Au, một khách hàng Hong Kong người khám phá nhà trang sức Manawmaya trong một chuyến đi đến Yangon năm 2014, trình bày.
Bà Au cho trả lời phỏng vấn qua điện thoại rằng trang sức của cửa hàng pha trộn đường nét truyền thống và đương đại ở chỗ nó khác biệt với các thị trường trang sức địa phương lẫn các thương hiệu quốc tế. “Tôi phải thú nhận, tôi khá ngạc nhiên”, bà bày tỏ.
Mang tính cá nhân hơn
Các tổ chức nhân quyền từ lâu đã bảo vệ các mỏ đá quý của Myanmar, nhiều mỏ đá quý có sự ràng buộc với quân đội, là nơi ẩn náu của ngược đãi và tham nhũng.
Một đạo luật Mỹ năm 2003 đã cấm nhập khẩu ngọc bích và hồng ngọc của Myanmar, cùng với những điều kiện, và chuyện cấm đoán đã được tăng cường bằng những quy định bổ sung được thông qua dưới thời cựu tổng thống George W. Bush và đương kim Tổng thống Barack Obama. Nhưng Myanmar đã trải qua một quá trình chuyển đổi chính trị mạnh mẽ kể từ năm 2012, khi cuộc bầu cử quốc hội tự do đầu tiên trong nhiều thập kỷ đã kết thúc một thời gian dài và đau đớn của chế độ quân sự. Kể từ đó, Mỹ đã và đang từng bước nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Myanmar.
Tháng 9 vừa qua, Tổng thống Obama nói ông quyết định gỡ bỏ toàn bộ sự trừng phạt còn lại đối với Myanmar, còn gọi là Miến Điện, một phần nhằm bày tỏ sự ủng hộ cho quy trình cải cách chính trị. “Đó là chuyện phải làm nhằm bảo đảm rằng người dân Miến Điện thấy những phần thưởng từ cách làm mới trong kinh doanh và chính phủ mới”, ông tuyên bố, khi ngồi trong phòng Bầu dục bên cạnh Daw Aung San Suu Kyi, cựu tù chính trị và là người đoạt giải Nobel người giờ đây trên thực tế là nhà lãnh đạo Myanmar.
Ông Obama hủy các sự trừng phạt vĩnh viễn vào tháng 10 vừa qua. Cùng tháng đó, một đoàn gồm các nhà điều hành nữ trang Mỹ đã thăm thủ đô sản xuất đá quý của Myanmar, Mogok, trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy những gì họ gọi là “thương mại có trách nhiệm”.
Bà Thiri Tin Htut tâm sự bà hoan nghênh việc gỡ bỏ các sự trừng phạt của Mỹ và hy vọng động thái có thể dẫn đến sự minh bạch hơn trong lĩnh vực đá quý của Myanmar.
Nhưng đối với bà, đá quý và nữ trang luôn là vấn đề cá nhân hơn là chính trị.
Kế thừa
Bà trải lòng những người trong gia đình kể về một huyền thoại mà trong đó ông cố bà, Hmat, đã nghe một giọng nói giục ông leo lên nóc lều của ông vào giữa đêm.
Khi ông làm vậy, huyền thoại kể rằng, ông nhìn thấy bầu trời đầy sao băng. Khi ông thăm thung lũng nơi thiên thạch rơi, ông khám phá ra rằng chúng là đá quý.
Có quá nhiều người đến mang về nhà, “vì thế ông quyết định xây nhà và sống ở đó”, bà Thiri Tin Htut cho hay. “Đó là câu chuyện làm thế nào ông trở nên giàu có”.Sau đó, ông làm quản lý mỏ hồng ngọc cho vua Thibaw, bà Thiri Tin Htut cho biết, và con gái đầu lòng của ông làm dâu trong gia đình hoàng gia của vương quốc Momeik, cai trị các mỏ hồng ngọc ở Mogok thời điểm đó. Cuộc hôn nhân giúp gia đình tiếp cận các mỏ.
“Ông ấy là nhà ngoại giao giỏi”, bà Thiri Tin Htut khẳng định.
Con trai của cuộc hôn nhân, Sao Hkun Hkio, là bộ trưởng ngoại giao Miến Điện, trước kia là thuộc địa Anh, sau đó giành độc lập vào năm 1948, bà chia sẻ. Nhưng các thành viên khác của gia đình vẫn làm trong lĩnh vực đá quý và mở các cửa hàng đá quý ở châu Âu trong đầu thế kỷ 20. “Mẹ tôi từng nói với tôi vào thời đó, con có thể gửi một viên đá từ Mogok đến châu Âu bằng cách bỏ vào bì thư và dán tem”, bà Thiri Tin Htut nhớ lại. “Mất 2 hoặc 3 tháng vì thư được gửi bằng tàu thủy, nhưng không mất mát gì cả trong chuyến đi”.
Khi các vị tướng nắm quyền kiểm soát Myanmar trong một cuộc đảo chính năm 1962, bà Thiri Tin Htut bộc bạch, ông nội bà phá hủy các mỏ đá quý của gia đình ở Mogok, và gia đình bắt đầu tập trung vào chuyện buôn bán đá quý.Bà Thiri Tin Htut kể bà quay lại Myanmar vào năm 1995 với sự nài nỉ của một trong các chị em gái. Sau này, bà điều hành cửa hàng trang sức, dù chị gái bà, nhà ngọc học (giám định kim cương, đá quý theo phương pháp khoa học và bằng các thiết bị hiện đại) đang sống ở Bangkok, vẫn tham gia.
Khởi đầu tốt đẹp |
Sự cạnh tranh của các cửa hàng trang sức Yangon ngày càng nhiều khi nền kinh tế Myanmar mở cửa, bà Thiri Tin Htut nhận xét, và không chắc liệu có bất cứ ai trong thế hệ tiếp theo của gia đình bà sẽ kế thừa công việc kinh doanh. Nhưng nếu so sánh với con gái đầu lòng của bà, bà cho biết thêm, cô con gái nhỏ hơn, đứa 13 tuổi, cho đến nay dường như “hứng thú đối với trang sức”.“Con bé thích làm và đeo trang sức", bà Thiri Tin Htut tuyên bố. “Đó là một khởi đầu tốt”. |