Di tích quốc gia đầy cỏ dại

17/12/2016 08:00 GMT+7

Cụm di tích quốc gia Bình Tả tọa lạc tại ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ, H.Đức Hòa (Long An) được công nhận cách đây 27 năm nhưng đến nay vẫn chỉ là bãi đất hoang đầy cỏ dại, ao hồ xung quanh bị ô nhiễm.

Theo tài liệu khảo cổ của Bảo tàng tỉnh Long An, cụm di tích thuộc nền văn hóa Óc Eo này được hình thành từ 3 di tích, đó là: di tích Gò Xoài, Gò Đồn và Gò Nam Tước; được các nhà khảo cổ học xác định có từ thế kỷ thứ 7.
Năm 1987, sau khi tiến hành khảo sát, các nhà khảo cổ khai quật phát hiện tại đây có rất nhiều mảnh kim loại, đá quý, sa thạch cổ và còn có cả những chiếc lá bằng vàng khắc kinh Phật tiếng Phạn cổ…, tất cả hiện vật đều có giá trị bảo tồn. Trong số này, chiếc lá bằng vàng khắc kinh Phật được đưa vào danh sách những bảo vật quốc gia. Những giá trị đó đã tạo thành cụm di tích nền văn hóa Óc Eo, mang đậm tính lịch sử văn hóa của Long An và cả nước. Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện các đền thờ thần Siva (thuộc đạo Bà La Môn) ở đây.
Thế nhưng hiện nay, ngay cạnh tấm bảng ghi “Di tích Gò Xoài” là nhiều đống rác bốc mùi hôi thối. Nền đất di tích là một cái ao ô nhiễm, xung quanh toàn cỏ dại. Cạnh đó là di tích Gò Nam Tước, lối vào bị che khuất bởi cây dại mọc um tùm. Di tích Gò Đồn chẳng khá gì hơn, bên cạnh nhiều cây xoài cao lớn tỏa bóng mát là các hố sâu còn sót lại sau khai quật.
Gạch khai quật tại cụm di tích được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Long An
Hoang phế vì… thiếu tiền
Khi được hỏi thăm về cụm di tích quốc gia Óc Eo Bình Tả, một số người dân địa phương đều lắc đầu, nói có di tích gì đó nhưng không ai đến vì dơ bẩn, ô nhiễm.
Một lãnh đạo Sở VH-TT-DL cho biết đã giao trách nhiệm cho Bảo tàng tỉnh Long An trực tiếp tham mưu lãnh đạo Sở để triển khai thực hiện việc đầu tư cho di tích. Theo bà Nguyễn Thị Sáu, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Long An, cụm di tích văn hóa Óc Eo Bình Tả có tổng diện tích 10.000 m2, trong đó chia ra 3 khu: khu di tích Gò Đồn rộng 7.000 m2, di tích Gò Xoài 2.000 m2 và di tích Gò Nam Tước 1.000 m2. Dù nhà nước đã công nhận từ năm 1989 nhưng hiện tại cụm di tích vẫn là phần đất của người dân địa phương. Chính vì đất của dân nên họ không cho ai vào, kể cả nhân viên bảo tàng đến dọn dẹp, phát hoang cũng không vào được. “Để bảo tồn cụm di tích, năm 2010 UBND tỉnh Long An đã có chủ trương kê biên, bồi thường cho người dân và thu hồi đất để bảo tồn, bảo vệ di tích. Mức giá bồi thường giải phóng mặt bằng gần 10 tỉ đồng, nhưng do kinh phí gặp khó khăn, nên việc thực hiện bị chậm trễ, kéo dài”, bà Sáu nói.
Bà Sáu cho biết thêm Sở VH-TT-DL đang phối hợp với các ngành, địa phương để tiến hành lại việc kê biên, bồi thường, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Theo đó, sẽ có mức áp giá bồi thường đất, giải phóng mặt bằng thỏa đáng cho các hộ dân có đất trong cụm di tích văn hóa.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND H.Đức Hòa xác nhận trung tâm quỹ đất của huyện sẽ phối hợp với Sở VH-TT-DL tiến hành đo đạc diện tích đất của từng hộ và thỏa thuận mức bồi thường cho người dân có đất trong cụm di tích quốc gia. “Đất trong phạm vi di tích là đất của dân từ lâu đời. Dù nhà nước đã công nhận cụm di tích nhưng chính quyền phải bồi thường cho dân”, một cán bộ Trung tâm quỹ đất H.Đức Hòa cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.