Đi trên huyện văn hoá đầu tiên

06/01/2012 11:26 GMT+7

Châu Thành (Bến Tre) trong năm 2011 đã trở thành huyện văn hoá đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và là huyện văn hoá thứ hai trên cả nước.

Châu Thành (Bến Tre) trong năm 2011 đã trở thành huyện văn hoá đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và là huyện văn hoá thứ hai trên cả nước.

Thú thật, tôi “hơi bị” dị ứng chuyện lạm dụng khái niệm “văn hoá” khá phổ biến hiện nay. Với tâm trạng đó, tôi đã dành 2 ngày “lang thang” khắp huyện Châu Thành để xem “huyện văn hoá” này có gì khác so với nhiều huyện “chưa văn hoá” mà tôi đã đi qua.

Tốt hơn nhiều so với TPHCM, Hà Nội...

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là “nón bảo hiểm” (NBH). Trên tất cả các nẻo đường, từ QL60 chạy ngang qua huyện, đến các đường liên xã, liên ấp, đâu đâu tôi cũng thấy bày bán NBH, trong các tiệm tạp hoá, bên vệ đường... Thực ra thì chuyện bán NBH ở Châu Thành có đáng gì so với những đô thị lớn. Điều đáng nói là cùng với việc NBH bày bán khắp nơi, người dân ở đây hễ ngồi lên xe gắn máy là đội NBH. Tôi thỉnh thoảng có dịp đi TPHCM, Hà Nội và các đô thị lớn khác, tôi thấy ở đó không ít người chạy xe gắn máy giữa đường phố mà không đội NBH. Còn đi ra vùng ngoại thành, chuyện không đội NBH càng phổ biến. Thế nhưng khi đi giữa vùng nông thôn huyện Châu Thành, trong nhiều con đường nhỏ uốn lượn dưới vườn dừa, trong suốt 2 ngày “soi mói”, tôi không bắt gặp bất cứ người nào ngồi trên xe gắn máy mà thiếu NBH.


 Đội nón bảo hiểm mọi lúc mọi nơi

Gặp ông Cao Thanh Triều – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Túc - tôi hỏi nhờ “phép màu” nào mà người dân nơi đây “yêu” NBH đến vậy, ông Triều cho biết: “Chẳng có phép màu nào, ban đầu chính quyền xã cũng kiểm tra, xử lý quyết liệt các trường hợp vi phạm. Khi đã thành nếp rồi, bây giờ chẳng cần kiểm tra, xử phạt, người dân đều tự giác chấp hành”.

Trong suốt 2 ngày đi trên huyện Châu Thành, tôi không thấy chiếc xe thu gom rác chuyên dùng nào như thường thấy ở các đô thị lớn. Thế nhưng, tôi không hiểu rác “đi” về đâu, mà đi suốt nhiều con đường nông thôn, tôi không thấy miếng rác nào. Không chỉ rác, dọc theo các con đường làng hai bên là vườn cây trái um tùm, tôi cũng thấy sạch bóng lá cây, cành khô, tuồng như là cây trái ở đây không rụng lá, không gãy cành. Đến khi vào nhà anh Nguyễn Văn Tâm ở ấp Phú Khương, xã Phú Túc, tôi mới biết, mỗi gia đình đều có hố rác phía sau vườn, còn cành lá khô được thu gom vào một chỗ để làm chất đốt (hoặc đốt bỏ, nếu gia đình xài gas).

Con đường làng nhỏ hẹp từ QL60 đi về xã Phước Thạnh - nơi có khu lưu niệm Trần Văn Ơn - dài khoảng 7 cây số, có lẽ là con đường nông thôn đẹp nhất mà tôi từng thấy: Đường láng nhựa, hai bên rợp bóng cây, không một miếng rác, các gốc cây đều được quét vôi trắng sạch, trước mỗi nhà thường trồng hoa nhiều màu sắc... Tôi nghĩ, đâu cần phải tốn tiền tỉ để làm những “con đường hoa” đón 3 ngày xuân rồi dẹp bỏ. Người dân Phước Thạnh quanh năm đi lại trên “con đường sinh thái” rất đẹp mà không phải đầu tư tiền bạc gì nhiều.

 
Đường nông thôn sạch đẹp ở Châu Thành. Ảnh: K.Q

Vé số kiểu...Châu Thành

Chỉ sợ mình “cưỡi ngựa xem hoa” rồi viết không đúng thực tế, tôi thử đi sâu vào một xóm ấp bất kỳ để xem nơi heo hút nhất ở Châu Thành người ta sống ra sao. Từ đường tỉnh 883, tôi rẽ vào đường huyện, đường liên xã, liên ấp, rồi vào một  ngõ cùng thuộc ấp Phước Hoà, xã Phú An Hoà. Một chủ hộ tên là Đoàn Thị Nhung tiếp tôi rất ân cần, nhiệt tình. Gia đình bà Nhung sống với ngôi nhà tường khang trang, nhỏ nhắn, nằm nép dưới những tán dừa. Tôi lấy làm lạ khi thấy một chiếc tủ thờ cổ (loại mà người chơi đồ cổ săn lùng với giá rất cao) để ngoài hiên nhà. Bà Nhung phân bua: “Hôm rồi sửa nhà, nên để tạm cái tủ ngoài hiên... Ai lấy mà sợ chú ơi. Ở đây tối ngủ tui hổng có đóng cửa!”.

Đã mấy năm rồi bà Nhung không nghe thấy ai đó trong ấp bị mất cắp vặt, dù là con gà, trái bưởi. Ông Đoàn Thành Công – Trưởng ấp Phước Hoà – cho biết, trong cả năm 2011 ông chỉ đứng ra giải quyết một vụ xích mích nhỏ trong ấp, sau đó các bên đã vui vẻ. Nhưng ông Công cũng phàn nàn: “Không biết dân ở đâu tới bằng xe gắn máy, đánh thuốc độc bắt chó, làm mang tiếng...”.

Nhà tôi ở TP.Tân An, cách huyện Châu Thành (Bến Tre) đúng 30 cây số. Điều làm làm tôi khổ sở nhất trong cuộc sống hằng ngày là phải... lắc đầu. Mỗi lần đi ăn uống, trung bình tôi phải “lắc đầu” 10 lần: Từ chối mua vé số, từ chối cho tiền người ăn xin. Tại TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) chỉ cách huyện Châu Thành (Bến Tre) cây cầu Rạch Miễu, tuy không có người ăn xin, nhưng “tần suất” lắc đầu do vé số còn cao hơn ở Tân An. Vì vậy mà khi đến Châu Thành, tôi có cảm giác “nhẹ người”, vì không phải... lắc đầu. Người dân ở đây chơi vé số ít hơn hẳn so với các địa phương lân cận, ai muốn mua vé số thì đến quầy, rất ít người đi bán vé số dạo.

Rất nhiều vùng nông thôn ĐBSCL phải điêu đứng vì nạn chơi đề, đá gà, đi casino... Trong vai một “dân chơi”, tôi lân la đến các điểm bán vé số, các “tủ thuốc” để hỏi “ghi số đề”, mọi người nhìn tôi lạ lẫm, rồi nói: “Ở đây hổng có cái đó”. Ở huyện Cai Lậy cách Châu Thành một dòng sông Tiền, nạn đá gà và đi casino cờ bạc đang làm hàng trăm gia đình điêu đứng. Những người có trách nhiệm ở huyện Châu Thành khẳng định với tôi là trong huyện không có bất cứ trường gà nào, chưa từng ghi nhận người dân nào ở đây đi casino.

Trong năm 2011, rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước xảy ra tình trạng “vỡ nợ”, mỗi vụ lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Nguyên nhân bắt nguồn từ “tín dụng đen”, từ “chơi hụi”. Trong nhiều năm qua, huyện Châu Thành chưa từng ghi nhận vụ giật nợ, vỡ nợ nào đáng kể.

Vì là huyện văn hoá nên hàng chục ngàn công nhân đang sống, làm việc ở 2 khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp cũng được quan tâm, chăm sóc đúng với môi trường văn hoá. Gần 300 nhà trọ cho hơn 9.000 công nhân đang được lãnh đạo tỉnh Bến Tre và huyện Châu Thành giúp đỡ xây dựng nhà trọ văn hoá theo các tiêu chí: Không thu tiền điện, nước cao hơn quy định; đảm bảo an ninh, trật tự; giá cả hợp lý, không tăng tuỳ tiện; bảo đảm vệ sinh, môi trường; từng bước xây dựng nhà trẻ và khu vui chơi, giải trí... Đích thân  Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre – ông Nguyễn Thành Phong - và Bí thư Huyện uỷ Châu Thành – ông Nguyễn Văn Minh - đã đến thăm nhiều nhà trọ công nhân, gặp các chủ nhà trọ để vận động họ xây dựng môi trường văn hoá trong nhà trọ.

Nghèo cho sạch...

Phó Chủ tịch UBND xã văn hoá Phú Túc – ông Cao Thanh Triều  - cho biết, để xây dựng, duy trì các tiêu chí văn hoá trong xã, Đảng uỷ xã phân công mỗi đảng uỷ viên chịu trách nhiệm một ấp và lấy đó làm thước đo hoàn thành nhiệm vụ. Để có được cảnh quan môi trường sạch đẹp như tôi thấy trên đường đi, ông Triều cho biết, cán bộ xã đã trực tiếp hướng dẫn các hộ dân hằng ngày xử lý rác thải, chất thải chăn nuôi đúng quy trình. Ngoài ra, vào ngày 20 hằng tháng, toàn xã ra quân làm đẹp cảnh quan, môi trường. Đến ấp 9, xã Tân Thạch, tôi thật sự ngạc nhiên về môi trường văn hoá mà người dân trong ấp đã xây dựng khá hoàn chỉnh.

Tôi đến đây vào cuối giờ chiều ngày chủ nhật, chứng kiến lớp học tiếng Anh cho học sinh nhỏ tươm tất không thua kém gì ở các đô thị; kế bên là điểm đọc sách khang trang, sạch đẹp; rồi nhạc cụ cho đờn ca tài tử, các loại bóng... Chủ nhiệm tụ điểm – ông Đoàn Văn Biểu - cho biết, trong ấp có đội bóng đá, đội bóng chuyền, nhóm đi bộ, CLB cờ tướng, nhóm đờn ca tài tử... duy trì tập luyện, thi đấu thường xuyên. Nhà của ông Biểu (ngôi nhà lầu khang trang) được dùng làm tụ điểm sinh hoạt miễn phí.

Ông Biểu trước là cán bộ ở TPHCM, nay về hưu, bị môi trường sống “văn hoá” ở quê nhà quyến rũ nên từ bỏ cuộc sống đô thị về quê an hưởng tuổi già và góp phần xây dựng văn hoá cho quê nhà.

Điều mà tôi còn băn khoăn sau 2 ngày “lang thang” trên huyện văn hoá Châu Thành là vùng quê này vẫn còn nghèo. Vì vậy mà câu nói của ông Cao Thành Triều - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Túc - như có chút ngậm ngùi: “Tuy nghèo mà sạch...”. Ông Triều cho biết, trong xã có 1 trường THCS và 1 trường tiểu học (có nhiều điểm trường), nhưng tất cả đều đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu dạy tốt, học tốt. Toàn xã có tới 241 hộ nghèo (hơn 9%). Chỉ mới có hơn 70% đường giao thông nông thôn trong xã được “cứng hoá” (tráng nhựa hoặc bêtông), còn lại vẫn là cát, đá; chỉ mới đạt 2 tiêu chí xã nông thôn mới (tiêu chí văn hoá và tiêu chí an ninh trật tự)... Tại ngã tư trung tâm huyện Châu Thành, các lề đường vẫn còn nham nhở, chưa được lát gạch khang trang như những huyện giàu...

Cầu Rạch Miễu thông xe đang mang đến cơ hội lớn cho Châu Thành thoát nghèo, phát triển. Tôi vẫn mong một ngày không xa sẽ trở lại Châu Thành để thấy huyện văn hoá đầu tiên của đồng bằng vừa “văn hoá”, vừa giàu đẹp!

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.