Địa ngục của trẻ thơ

16/01/2008 00:32 GMT+7

Xem chương trình thời sự của VTV phát sóng tối qua, chắc chắn hàng triệu bậc cha mẹ, hàng triệu khán giả truyền hình đã vô cùng căm phẫn trước những hình ảnh về những người được gọi là "bảo mẫu" tại lớp trông trẻ tư thục tại số 1/2 P.Quyết Thắng, TP Biên Hòa, Đồng Nai hành hạ, đánh chửi, nhiếc mắng vô cùng thậm tệ những đứa trẻ mới chỉ mười mấy tháng tuổi. >> Bắt khẩn cấp "bảo mẫu" hành hạ trẻ em >> Video clip: Các cháu bé bị "bảo mẫu" hành hạ

Chúng chưa biết nói, không biết tự bảo vệ mình, càng khóc thì càng bị đánh chửi, đay nghiến. Những người được coi là "bảo mẫu" từ già đến trẻ cầm thước vụt không thương tiếc vào miệng, vào má đứa trẻ; hay thẳng tay tát chúng, hoặc dúi đầu chúng xuống, hay đè ngửa chúng ra bóp miệng, tọng thức ăn vào miệng những đứa trẻ thơ ngây; vừa không ngừng chửi bới, đe dọa chúng. Những đứa trẻ đã bị coi không bằng súc vật... Lớp trông trẻ thực sự là địa ngục. Một nghề nghiệp đáng được trọng dụng nhất trong xã hội: nuôi nấng trẻ thơ trong những tháng năm đầu tiên chập chững bước vào đời đã được trao cho những kẻ quá nhẫn tâm, ác độc.

Khi những hình ảnh phi nhân tính đó đang được phát sóng toàn quốc, đứa con trai 19 tháng tuổi của tôi đang nô đùa với chị gái nó, đang được cả nhà yêu chiều chăm bẵm. Con trai tôi không gặp phải hoàn cảnh như những đứa trẻ trong nhà trẻ địa ngục đó, vậy mà tâm trạng và cảm xúc của tôi dường như đã quá giới hạn của sự chịu đựng. Tôi không thể hình dung những bậc cha mẹ có con gửi cho nhà trẻ tư thục ấy sẽ "sốc" đến thế nào khi biết hằng ngày, con mình vẫn đang phải chịu đựng nạn bạo hành như vậy. Và họ vẫn phải trả tiền cho chính những hành vi "chăm sóc" những đứa con yêu quý của họ lên đến cả triệu đồng một tháng.

Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan

Trẻ thơ luôn cần nhất sự yêu thương, chăm sóc của gia đình và toàn xã hội. Những gì tốt đẹp nhất luôn được ưu ái dành cho trẻ thơ. 

Vậy mà nhà trẻ tư thục ở Đồng Nai ấy không có tiếng trẻ nô đùa, không có tiếng hát, không có tình yêu trẻ thơ, chỉ có nạn bạo hành và hậu họa của nó là những chấn thương tâm lý, tinh thần cực kỳ nặng nề, đau đớn thay cha mẹ chúng lại không biết con mình đang gặp bất hạnh đó. Chắc chắn rằng trong giấc mơ, những đứa trẻ đó gặp toàn ác mộng.

Đau xót hơn, chốn địa ngục trẻ thơ đó tồn tại không phải mới một hai ngày, một tuần, hay một tháng, mà đã tồn tại hơn 3 năm nay. Nghe những tiếng gào khóc đáng thương của trẻ thơ ngày qua ngày, hàng xóm biết những hành vi bạo lực đó, nhưng bất lực không can ngăn nổi. Vậy, chính quyền địa phương hoàn toàn vô can trước sự việc này?

Khi tôi đang viết những dòng này thì vợ chồng một người bạn của tôi đang phải nằm "ấp trứng" ở Singapore, với hy vọng nhờ y học hiện đại can thiệp để sinh cho được một đứa con. Và chắc chắn đang có rất nhiều trường hợp khác cũng như bạn tôi đang ngày đêm mong ước điều kỳ diệu nhất đến với họ. Biết là tốn rất nhiều tiền bạc, công sức nhưng họ vẫn đang phải hết sức cố gắng. Chắc chắn có rất nhiều, rất nhiều đứa trẻ đang rất được mong chờ chuẩn bị chào đời trên đất nước này. Vậy mà, nạn bạo hành trẻ em, do báo chí phát hiện, phản ánh, đưa tin thời gian gần đây dường như không hề giảm. Và lại thêm một lần nữa, hành vi bạo hành trẻ em được phát hiện nhờ những hình ảnh (chắc chắn được ghi hình bí mật) của những người dũng cảm. 

Chúng ta đã có Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tề về Quyền trẻ em. Cả đất nước, cả xã hội đang nỗ lực không ngừng để nhằm đạt được những mục tiêu Thiên niên kỷ cho trẻ em. Vậy mà, ngay tại một thành phố lớn như Biên Hòa bạo hành trẻ em lại nhức nhối diễn ra. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần rà soát lại thật kỹ chất lượng của các lớp trẻ tư thục để không còn tồn tại những cảnh tượng đau lòng như trên, hay như một em bé đã bị bức tử vì cô bảo mẫu dán băng dính vào miệng.

Lan Dung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.