Dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp đe dọa Việt Nam

18/02/2014 19:40 GMT+7

(TNO) “Tình hình dịch cúm gia cầm hiện nay là nguy hiểm. Dịch chưa lên đến đỉnh và còn có thể lan rộng. Việt Nam không chỉ có nguy cơ lây từ Trung Quốc mà còn có thể lây từ biên giới Tây Nam”.


Tiêm vắc xin phòng dịch cúm cho gia cầm - Ảnh: Diệu Hiền 

Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát trong buổi họp trực tuyến về phòng chống dịch cúm gia cầm của Bộ NN-PTNT với Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và các địa phương vào chiều nay (18.2).

Nhiều loại vi-rút cúm gia có thể xâm nhập qua biên giới

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm, từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Campuchia, Hàn Quốc… với nhiều chủng vi-rút phức tạp. Đặc biệt, nhiều loại vi-rút cúm gia cầm ở các nước giáp biên giới đang đe dọa xâm nhập Việt Nam.

 
Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) nhận định Việt Nam, Lào và Myanmar là những nước có nguy cơ lây nhiễm cao vi-rút cúm gia cầm H7N9 từ Trung Quốc. Nhiều gà loại thải được vận chuyển từ phía bắc xuống phía nam, đưa vào tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc), giáp với Việt Nam. Trong đó, vi-rút đã được phát hiện trên gia cầm và người ở Quảng Tây, giáp với bốn tỉnh biên giới Việt Nam
Tại Campuchia, ổ dịch cúm gia cầm H5N1 phát sinh ngày 14.2 gây chết 2.500 con gia cầm.

Tại Trung Quốc, đang lưu hành đến bốn loại vi-rút cúm gia cầm là H5N1, H5N2, H7N9 và H10N8. Ổ dịch H5N1 tại tỉnh Quý Châu ngày 2.1 có đến 31.564 con gia cầm chết, tại Hồ Bắc ngày 7.1 có 50.000 con gia cầm chết.

Ổ dịch cúm gia cầm H5N2 độc lực cao phát sinh ngày 20.1 tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) cũng có đến gần 19.000 con gia cầm mắc bệnh và chết.

Ngoài ra, từ cuối năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận ba trường hợp mắc cúm H10N8 tại tỉnh Giang Tây. Đặc biệt, có hai ca tử vong ở người, đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm.

Số người mắc cúm gia cầm H7N9 cũng đang gia tăng tại Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan. Chỉ trong chưa đầy hai tháng đầu năm 2014, Trung Quốc đã ghi nhận 208 trường hợp mắc mới loại vi-rút này, trong đó có 20 ca tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá số ca mắc H7N9 tại Trung Quốc đang có chiều hướng tăng nhanh.

Đặc biệt, H7N9 đã lây lan sang Malaysia, với một bệnh nhân là khách du lịch từ Trung Quốc sang.


Dịch cúm gia cầm H7N9 đang tăng nhanh ở Trung Quốc - Ảnh: AFP

Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) nhận định Việt Nam, Lào và Myanmar là những nước có nguy cơ lây nhiễm cao vi-rút cúm gia cầm H7N9 từ Trung Quốc. Nhiều gà loại thải được vận chuyển từ phía bắc xuống phía nam, đưa vào tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc), giáp với Việt Nam. Trong đó, vi-rút đã được phát hiện trên gia cầm và người ở Quảng Tây, giáp với bốn tỉnh biên giới Việt Nam.

Là một trong những tỉnh có đường biên giới dài với Trung Quốc (231 km), UBND tỉnh Lạng Sơn báo cáo, hoạt động buôn bán gia cầm trái phép tại tỉnh diễn ra rất phức tạp. Chỉ trong vòng một tháng, tỉnh đã phát hiện 28 vụ buôn lậu gia cầm qua đường mòn biên giới.

 
Nhân dân có quyền biết đúng sự thật về dịch bệnh. Chỉ khi nhân dân biết đúng tình hình thì mới có hành động đúng. Nhân dân chỉ hoang mang khi không biết đúng sự thật
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát
Qua đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, việc ngăn H7N9 vào biên giới nước ta là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là bệnh không có dấu hiệu lâm sàng mà phải xét nghiệm mới phát hiện được vi-rút.

Hàn Quốc cũng đã phát hiện năm ổ dịch cúm gia cầm H5N8 trong tháng 1, với hơn 60.500 con gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy.

Cúm H5N1 diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm, hiện nay nước ta có 14 tỉnh có dịch cúm gia cầm. Trong đó chỉ mới có 5 tỉnh công bố dịch. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết là gần 24.000 con.

Mặt khác, kết quả giám sát lưu hành vi-rút cúm gia cầm H5N1 cho thấy, tại các chợ buôn bán gia cầm sống có tỷ lệ lưu hành vi-rút H5N1 khá cao. Kết quả giám sát tại 147 chợ buôn bán gia cầm sống tại 44 tỉnh, thì có gần 6% mẫu gia cầm, với hơn 61% chợ phát hiện có gia cầm nhiễm H5N1.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Thu Thủy, cho biết, tỉnh có 5 huyện có biên giới giáp với Campuchia, điểm nóng về cúm H5N1 nên nguy cơ lây lan dịch từ nước bạn sang là rất cao. Tây Ninh đã phát hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1 vào cuối tháng 1 vừa qua. “Dịch đang diễn biến phức tạp”, bà Thủy nhận định.

 
Lực lượng chức năng tiến hành các biện pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm lây lan - Ảnh: Nguyễn Phúc

Tương tự, đại diện UNBD tỉnh Long An cho biết, nơi đây tập trung nhiều cơ sở giết mổ. Đồng thời, có biên giới giáp Campuchia và vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn với đàn vịt chạy đồng số lượng rất đông. Vì vậy, tỉnh cũng là một trong những nơi có nguy cơ lây nhiễm cúm cao.

Nhiều tỉnh có ổ dịch cúm gia cầm H5N1 đã đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ thêm vắc-xin phòng dịch trên đàn gia cầm và hóa chất khử khuẩn.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương trước mắt dùng ngân sách địa phương để phòng dịch. Hiện Bộ còn 35 triệu liều vắc-xin và đang làm việc với các tổ chức quốc tế để có sự hỗ trợ. Số cấp phát vắc-xin sẽ được tính toán, cân đối để chuyển xuống địa phương.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp khống chế, phòng chống dịch. Nghiêm cấm giấu dịch, ném gia cầm xuống sông, buôn bán, vận chuyển gia cầm dưới mọi hình thức qua ranh giới các vùng có dịch.

Hai ca nhiễm H5N1 tử vong

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đánh giá: “H5N1, H7N9, dịch nào cũng đáng sợ. Trong đó H5N1 là nhãn tiền. Chưa đầy hai tháng đầu năm nay đã có hai ca tử vong H5N1 ở người (một ca ở Đồng Tháp và một ca ở Bình Phước).

Hiện Bộ Y tế đang giám sát tất cả các loại cúm, phân tuyến điều trị, đẩy mạnh truyền thông để người dân ý thức phòng tránh nhưng không để người dân hoang man, tẩy chay gia cầm.

Theo đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường, Bộ Công an, thông tin dịch cúm gia cầm hiện nay chưa rõ ràng. Tại sao 11 tỉnh có dịch mà chỉ có năm địa phương công bố dịch?

Theo đó, Bộ Công an đề nghị, các địa phường cần công bố dịch rõ ràng để làm cơ sơ pháp lý cho công an xử lý, truy tố trách nhiệm hình việc vận chuyển gia cầm trái phép. Vì chỉ khi nào khi tỉnh có công bố dịch thì bất cứ hành vi vận chuyển gia cầm nào từ nơi có dịch ra bên ngoài đều có dấu hiệu vi phạm hình sự. Như vậy, công an mới có cơ sở pháp lý truy tố.

Trước ý kiến trên, Bộ trưởng Phát yêu cầu các địa phương, cơ quan chức không được giấu dịch, bán chạy gia cầm, báo cáo nghiêm túc, chính xác tình hình dịch bệnh để có hướng xử lý kiên quyết; công khai để nhân dân biết đúng tình hình dịch bệnh, tuyên truyền để nhân dân biết rõ tham gia chống dịch.

“Nhân dân có quyền biết đúng sự thật về dịch bệnh. Chỉ khi nhân dân biết đúng tình hình thì mới có hành động đúng. Nhân dân chỉ hoang mang khi không biết đúng sự thật”, ông Phát tuyên bố.

Viên An

>> Chậm tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm
>> Dịch cúm gia cầm đang lan rộng ở Lào Cai
>> Miền Trung phòng cúm gia cầm
>> Hàn Quốc phát hiện ổ cúm gia cầm thứ 2

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.