Khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 1 (nơi điều trị trẻ TCM) quá tải suốt tuần qua - ảnh: Hà Minh |
Tại cuộc gặp mặt, bà Tiến cho biết, điều tra của Viện Pasteur TP.HCM với 100 trẻ mắc tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Bến Tre cho thấy: gần 77% trẻ ở nhà không đi học; 19,66% đi nhà trẻ công lập; 1,71% đi nhà trẻ tư nhân; 0,85% nhóm trẻ gia đình; 0,85% học phổ thông cơ sở. “Như vậy, đối tượng cần chú trọng là các bà mẹ, những người chăm trẻ tại gia đình. Cần có cách truyền thông để người dân hiểu, thực hành đúng để bảo vệ mình và con em. Vì lây qua đường phân, miệng nên cần nhấn mạnh rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, sau khi chăm sóc trẻ, trước khi cho trẻ ăn là đặc biệt chú trọng”, bà Tiến nhấn mạnh.
Trong khi đó ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết số ca mắc TCM từ đầu năm đến nay đã lên đến 77.895, tại 63 địa phương, có 137 trường hợp tử vong tại 27 tỉnh thành phố. Tuần gần đây có 2.900 ca mắc, tăng 400 ca so với tuần trước đó. Số ca tăng chủ yếu tại các địa bàn mới. Ông Bình nhìn nhận, dịch còn diễn biến phức tạp, sẽ còn số mắc mới và tử vong. Phòng dịch còn khó khăn, vì chưa có thuốc đặc hiệu, chưa có vắc-xin, trong khi ý thức của người dân chưa đầy đủ và thực hành tốt.
Tại TP.HCM, những ngày qua khoa Nhiễm Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 luôn quá tải bệnh nhi TCM, với trên dưới 150 trẻ điều trị nội trú, trong đó trẻ từ các tỉnh đến chiếm hơn 70%. Theo các bác sĩ, nguyên do những trẻ dưới 6 tuổi (lứa tuổi được miễn phí trong khám chữa bệnh và cũng là lứa tuổi mắc TCM nhiều nhất) tại các tỉnh không được bảo hiểm y tế chi trả tiền sử dụng thuốc gammaglobuline (loại thuốc rất đắt tiền, cần dùng cho trẻ mắc TCM nặng từ độ 2B đến độ 4), trong khi tại TP.HCM trẻ được duyệt chi trả. Bình quân chi phí tiền thuốc này từ 15-20 triệu đồng/đợt điều trị/trẻ, nếu nặng sẽ lên 45-50 triệu đồng.
Liên Châu - Thanh Tùng
Bình luận (0)