Cứ vào dịp cuối năm, cũng là lúc nhu cầu các sinh viên ở Thủ đô tìm cơ hội làm thêm rất lớn. Tuy nhiên, ngoài những doanh nghiệp, đơn vị chân chính thu hút tạo việc làm cho sinh viên thì còn không ít những đối tượng lợi dụng thời điểm này “tung’ ra các chiêu lừa khiến nhiều sinh viên “sập bẫy”.
Tràn lan tờ rơi quảng cáo “rởm”
Theo ghi nhận của PV, trong những ngày này, tại các địa điểm như: bến xe bus, cổng trường đại học, cao đẳng,… thậm chí cả trong các trường học, những tờ rơi, quảng cáo với nội dung: tuyển gấp, tuyển nhân viên bán hàng dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán được dán một cách dày đặc với những mức lương “khủng”. Cách thức thu hút và hấp dẫn của những tờ rơi “tuyển gấp” đối với sinh viên rất đa dạng, đánh trúng tâm lí của sinh viên.
Với nội dung như, thời gian làm việc không kéo dài và hết sức linh động. Sinh viên có thể làm việc theo giờ hành chính, có thể là việc theo ca (2 giờ/ca, 3 giờ/ca), làm việc part-time, hay thậm chí còn thuận tiện và chủ động hơn khi có những công việc có thể làm tại nhà…
Rồi đến chế độ lương, thưởng ghi trên các tờ rơi vô cùng hấp dẫn. Với khung thời gian làm việc ít, thoải mái, áp lực công việc lại không nhiều, nhưng lại nhận được mức lương từ: 1,8 triệu/tháng, 2 triệu/tháng, hay lên đến 3 - 4 triệu/ tháng… khiến nhiều sinh viên háo hức và mong muốn tìm ngay đến địa chỉ trong tờ rơi để tìm việc.
Ghi nhận của PV cho thấy, những tờ rơi cũng đủ kích cỡ, màu sắc. Có những tờ rơi chỉ đơn giản là một mảnh giấy bằng nửa khổ A4 với thông tin trên đó chỉ vỏn vẹn vài dòng chữ. Hầu hết những tờ rơi “tuyển gấp”, “tuyển nhân viên” này đều không ghi rõ tên của công ty, không có địa chỉ cụ thể, không email… Đến cả những tờ rơi ghi rõ công ty tuyển nhân viên thông qua phòng nhân sự, thì cũng không có bất kì một số điện thoại cố định nào. Hầu hết các hoạt động trao đổi, liên hệ, nộp hồ sơ… chỉ thông qua một số điện thoại di động duy nhất.
Thử gọi điện đến những số điện thoại ghi trên các tờ rơi, nhiều số không liên lạc được. Những số liên lạc được thì khi hỏi về các thông tin như địa chỉ công ty, thông tin sản phẩm, thời gian thử việc, lệ phí ban đầu… hầu như không được cung cấp một cách cụ thể, mà chỉ đơn giản sắp xếp một lịch hẹn.
|
Nhiều sinh viên “sập bẫy”
Bạn Hoàng Vân, (sinh viên năm 2 trường Đại học Phương Đông) cho biết: “Em đã dự định đi làm thêm vào dịp tết từ lâu rồi. Nhưng theo thông tin tại tờ rơi ở bến xe bus em tìm tới, khi trao đổi với bên tuyển việc, thấy có yêu cầu nộp lệ phí ban đầu là 100.000đ, cộng với lệ phí làm thẻ thêm 100.000đ nữa. Thấy lắm thứ phí quá, em bỏ không làm”
Còn với Phạm Thanh Hải (sinh viên Đại học Hà Nội) thì ấm ức về câu chuyện tìm việc cách đây một tuần. Hải cho biết: Cũng tìm việc từ tờ rơi, sau khi phải đóng tổng cộng 250.000đ lệ phí thì bắt đầu thời gian thử việc với công việc phát tờ rơi. Hải bức xúc: “Sau 3 đợt phát tờ rơi, mỗi đợt 5 ngày, em vẫn chưa đủ chỉ tiêu mà công ty yêu cầu, nên đành bỏ cuộc. Thế là mất tiền phí lại cả mấy ngày làm không công”.
Theo Hải cho biết thêm: "Trên tờ rơi ghi là số lượng tuyển có hạn, khi gọi điện thì bên tuyển dụng nói thời gian tuyển cũng có hạn. Nhưng em làm công việc phát tờ rơi để tìm người 15 ngày sau đó mà công ty vẫn nói là chưa đủ chỉ tiêu, đến lúc đó mình mới biết đó chỉ là trò lừa đảo”.
Thu lệ phí cao, rồi thử thách sinh viên bằng công việc phát tờ rơi, mà kết quả có bao nhiêu người đến đăng kí công việc thì chỉ có họ mới xác định được. Kết quả của những “chiêu trò” này đó là những khoản lệ phí và một bản hợp đồng mà sớm muộn sinh viên cũng phải tự từ bỏ công việc và những điều khoản trong đó thì không bao giờ giúp sinh viên lấy lại được số tiền đã mất…
Trước tình trạng dịch vụ tờ rơi tuyển việc “bùng phát” với những “chiêu, trò” đưa ra vào dịp lễ, tết cuối năm. Nhiều sinh viên đã “sập bẫy”, nhưng nếu không cảnh giác thì sẽ còn nhiều sinh viên sẽ tiếp tục trở thành "con mồi" của những trò lừa đảo này.
Theo Lao Động
Bình luận (0)