Điểm chuẩn ĐH tăng đột biến: Bộ GD-ĐT cần sớm công bố đổi mới thi năm tới

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
20/09/2021 06:45 GMT+7

Điểm chuẩn xét tuyển vào các trường ĐH dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng ngoài sức tưởng tượng, khiến học sinh dự thi năm tới đang rất hoang mang lo lắng.

Nhiều ý kiến đề nghị Bộ cần sớm công bố phương án thi cử, tuyển sinh năm nay để việc dạy và học có thời gian thích ứng.
Đề xuất trên có cơ sở khi trong tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu: tinh thần là tuyển sinh ĐH năm 2022 sẽ có sự đổi mới để thích nghi với việc kỳ thi tốt nghiệp THPT phải năng động hơn và tăng cường phân cấp trước ảnh hưởng của dịch bệnh.

Không thể thi tốt nghiệp THPT cùng một thời điểm

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.Hà Nội, thành viên tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và cũng là chủ tịch hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho rằng nếu thay đổi cách thức thi cử của một kỳ thi lớn để áp dụng ngay trong năm học này thì Bộ GD-ĐT cần phải công bố càng sớm càng tốt.

Đã có dự thảo kịch bản đổi mới thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ?

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, năm tới tùy tình hình thực tế, Bộ sẽ có chỉ đạo để các trường tăng cường tự chủ như các trường liên kết với nhau tổ chức kỳ thi riêng bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng quan điểm chung là không tạo áp lực, thí sinh không phải dự thi hay đi lại nhiều lần, không tạo ra những thay đổi đột biến so với hiện tại mà vẫn chọn được đầu vào như mong muốn.
Theo nguồn tin của Thanh Niên, dự thảo kịch bản đổi mới thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã xây dựng xong và đang được trình lãnh đạo Bộ xem xét trước khi đưa ra lấy ý kiến góp ý.
Theo ông Lâm, việc đổi mới kỳ thi là đòi hỏi tất yếu của cuộc sống cũng như của chất lượng giáo dục, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng để giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương, trong đó có cả việc ra đề theo hướng chuẩn hóa, xây dựng đề dựa trên ma trận, đặc tả không thể nói là làm ngay được. Năng lực ra đề không đồng đều ở các trường, địa phương nên trước mắt Bộ phải ban hành được hướng dẫn cách thức ra đề kiểm tra, đánh giá theo hướng chuẩn hóa; các địa phương phải chuẩn bị nhân lực được đào tạo, tập huấn bài bản, cần có đủ thời gian chuẩn bị để mỗi địa phương xây dựng ngân hàng đề thi đủ lớn.
Trường hợp địa phương nào khó khăn thì Bộ có thể hỗ trợ về đề thi nhưng không nên để Bộ ra đề cho cả nước và tất cả các tỉnh, thành phải thi tốt nghiệp THPT cùng một thời điểm như hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khác nhau ở mỗi địa phương.
Ông Lâm cho rằng muốn kỳ thi tốt nghiệp THPT không nặng nề, áp lực thì việc đánh giá học sinh trong suốt quá trình học phải đi vào thực chất hơn và có những công cụ giám sát để đảm bảo công bằng giữa từng nhà trường, từng địa phương.

Dòng trạng thái của một thí sinh trên trang Cộng đồng sinh viên 2K3

FBNV

Điểm thi THPT không thật sự phù hợp để phân loại học sinh giỏi

PGS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng đã đến lúc không thể còn “1 kỳ thi quyết định mọi số phận”. Thay vào đó, quá trình học tập được đánh giá, quản lý để hồ sơ học tập của học sinh (HS) sẽ được lưu, dùng để tuyển sinh ở các cấp học sau. Các trường ĐH tự chủ tuyển sinh, tuyển sinh nhiều hình thức, nhiều thời điểm, tăng cơ hội lựa chọn cho người học.
PGS Chu Cẩm Thơ cũng đề nghị cần có sự đánh giá quá trình học tập, kết quả học tập... của sinh viên trúng tuyển bằng các hình thức khác nhau, ở bậc ĐH để đánh giá tác động và chất lượng của các hình thức thi.
GS-TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng điểm thi THPT ngày càng tỏ ra không thật sự phù hợp để phân loại HS giỏi, xuất sắc nhằm mục tiêu xét tuyển ĐH, nhất là với các ngành và trường “hot”. Để tăng chất lượng đầu vào, năm nay nhiều trường cũng đã tăng tỷ lệ xét tuyển thẳng với HS giỏi trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, HS có điểm thi ACT, SAT và các chứng chỉ quốc tế khác.
GS Đức nêu quan điểm: Từ thực tế của các phương thức tuyển sinh ĐH và kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT như hiện nay, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc đổi mới tuyển sinh ĐH, một lần nữa lại vô cùng cấp thiết. Việc thành lập các trung tâm khảo thí đủ năng lực và kinh nghiệm để tổ chức các kỳ thi tuyển sinh vào ĐH là kinh nghiệm nhiều nước đã thực hiện, và VN cũng đang triển khai (như ở 2 ĐH quốc gia và một số trường ĐH khác).
Tuy nhiên, cần có sự kiểm soát chất lượng và cầm trịch của Bộ để có sự tương đương chuyển đổi phù hợp giữa các bài thi của các trung tâm khảo thí khác nhau, không chỉ phục vụ tuyển sinh mà còn để xử lý học vụ khi người học chuyển trường, chuyển ngành một cách khách quan, công bằng.

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Năm 2022, sẽ có thay đổi về kỳ thi này?

Đ.L

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT nói gì ?

Tại Hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học mới của bậc ĐH, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng năm 2022 sẽ là bước đi đầu, khả năng sẽ là năm có bước giao thời, chuẩn bị cho đổi mới toàn diện hơn vào năm sau sẽ được lấy ý kiến và hoàn thiện hơn trong thời gian tới.
Người đứng đầu ngành GD-ĐT chỉ ra có một việc có thể làm ngay, đó là: 2 ĐH quốc gia và các ĐH vùng, nơi nào chưa có thì cần bắt tay vào xây dựng hệ thống các trung tâm khảo thí. Đặc biệt, các ĐH vùng sẽ đóng vai trò là hạt nhân cho việc kiểm tra, đánh giá, tuyển sinh trong thời gian sắp tới. Bộ trưởng Sơn đề nghị các ĐH vùng cần tập trung các dự án, nguồn đầu tư thường xuyên và cả trung hạn, ưu tiên cao cho xây dựng các hệ thống khảo thí kiểm tra đánh giá để tạo tiền đề cơ sở vật chất cho chủ trương đổi mới thi trong thời gian tới.
Thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2 năm qua đã diễn ra rất căng thẳng, vất vả do vừa phải thực hiện ở quy mô kỳ thi quốc gia, vừa phòng chống dịch bệnh. TP.HCM là địa phương đã có ít nhất 3 lần đề nghị Bộ giao cho địa phương tự tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT, từ năm 2016 đến nay.
Kết thúc đợt 1 kỳ thi năm 2021, trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về đề xuất này của TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, cho rằng: “Bộ cũng đồng ý với đề xuất phải hướng tới việc phân cấp kỳ thi về cho địa phương, nhưng việc phân cấp phải có lộ trình khi có đủ các điều kiện quan trọng. Trước hết, phải đảm bảo công bằng trong cách ra đề thi. Phải đảm bảo đề thi của tất cả các địa phương đều có một chuẩn chung, mức độ đánh giá công bằng, có cùng chuẩn đầu ra phù hợp để công nhận tốt nghiệp THPT. Thực tế các năm qua, Bộ đang làm theo hướng phân cấp kỳ thi về cho các địa phương. Hiện chủ yếu Bộ chỉ ban hành quy chế, ra đề thi và như vậy nên tổ chức thi cùng một thời điểm”.
Mới đây nhất, khi dư luận hoang mang về điểm chuẩn vào ĐH năm nay quá cao, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng cho biết Bộ này đang xây dựng lộ trình để kỳ thi tốt nghiệp THPT đi vào thực chất hơn, các trường ĐH tự chủ hơn trong tuyển sinh. Chủ trương này từng bước được đưa vào thực tế bằng việc một số trường đã xây dựng phương án xét tuyển khác nhau với các kỳ thi riêng như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.