Điện ảnh Malaysia, Singapore tỏa sáng khi Trung Quốc tẩy chay Kim Mã

Huệ Bình
Huệ Bình
17/01/2020 16:20 GMT+7

Ngành công nghiệp điện ảnh Malaysia và Singapore khởi sắc, chất lượng dần cải thiện, các nhà làm phim địa phương ngày càng được hỗ trợ nhiều hơn từ chính quyền để cạnh tranh với các siêu phẩm Hollywood.

Đơn cử, bộ phim hoạt hình Malaysia chào sân hồi tháng 4.2019, Upin & Ipin: The Lone Gibbon Kris (Upin và Ipin: Truyền thuyết thần đao) do hãng Les Copaque sản xuất, đã đánh bại cả The Incredibles 2 (Gia đình siêu nhân 2) của nhà Chuột, trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời đại của điện ảnh Đông Nam Á.
Tấn công thị trường bỏ ngỏ
Chi phí sản xuất bộ phim Upin & Ipin: The Lone Gibbon Kris lên tới 20 triệu USD, đưa nó trở thành bộ phim có chi phí sản xuất đắt nhất Malaysia. Thế nhưng, kết quả gặt hái mỹ mãn xứng đáng. Bộ phim thu về tổng cộng 25 triệu Ringgit (gần 143 tỉ đồng) chỉ sau 3 tuần kể từ ngày phát hành tại Malaysia với tổng số lượt khán giả lên tới 2 triệu. Đó là kỷ lục cao nhất mọi thời đại cho hạng mục phim hoạt hình được chiếu tại các rạp chiếu phim Malaysia, cướp mất ngôi vương mà Incredibles 2 nắm giữ trước đó.

Upin & Ipin là loạt phim hoạt hình dài tập thành công nhất của Malaysia được chiếu rộng rãi trên Disney Channel Asia từ năm 2009 và đạt trung bình 1,5 triệu lượt xem mỗi mùa

Ảnh: Yahoo News

Năm 2019, lần đầu tiên phòng vé phim ảnh nội địa Malaysia vượt ngưỡng 100 triệu Ringgit (tương đương 571,4 tỉ đồng), với 55 tác phẩm trong nước, doanh thu đạt 170 triệu Ringgit (khoảng 971,5 tỉ đồng). Đó là mức tăng gấp ba lần ấn tượng so với năm 2017. Quả là con số đầy hứa hẹn vì lâu nay phòng vé Malaysia bị các bộ phim Hollywood chiếm lĩnh.
Khi chất lượng phim ảnh trong nước dần cải thiện, Chủ tịch Tập đoàn Phát triển Phim Quốc gia Malaysia (Finas) Datuk Hans Isaac cho biết Finas dự định trong năm 2020 xúc tiến kế hoạch giúp các nhà làm phim cho ra lò nhiều bộ phim bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, thu hút thêm khán giả. Trước mắt sẽ hướng tới làm những bộ phim với 2 phiên bản: tiếng Mã Lai và tiếng Quan thoại. Giải thích rõ hơn, ông Hans Isaac nói rằng không phải là phim lồng tiếng như trước đây, mà làm lại bộ phim đó, mời hẳn diễn viên Trung Quốc tham gia.
Ngày càng nhiều bộ phim Malaysia đang tìm kiếm khán giả ở Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia và nhà đầu tư hàng đầu tại nước này. Không chỉ nhắm vào khán giả Trung Quốc, các nhà làm phim Malaysia sẽ làm cả phiên bản tiếng Tamil để phục vụ người Ấn Độ.
Khai thông tối đa nguồn lực
Điện ảnh Malaysia cũng nhận được cái bắt tay của các nhà đầu tư Trung Quốc và được công chúng nước này đón nhận nhiệt tình. Chẳng hạn như tài tử Lưu Đức Hoa thành lập hãng Infinitus vào năm 2015, hợp tác với hãng phim Malaysia Astro Shaw sản xuất bộ phim hài kinh dị Hantu Kak Limah (năm 2018). Sắp tới, Malaysia và Trung Quốc có kế hoạch hợp tác sản xuất một bộ phim truyền hình hoành tráng với chi phí khoảng 178 triệu Ringgit.
Bên kia eo biển Johor, chính phủ Singapore đang vực dậy nền điện ảnh, trước mắt là thông qua các nguồn quỹ hỗ trợ tác phẩm hợp tác giữa Singapore và các nhà làm phim Đông Nam Á khác. Như trường hợp nhà sản xuất phim người Tây Ban Nha Fran Borgia, ông cho biết trước đây thường chọn hợp tác với các nhà sản xuất châu Âu, không có hứng thú với các bộ phim thương mại. Giờ đây ông đổi ý và bắt tay với các nước Đông Nam Á nhờ việc được “bơm” tiền mặt hỗ trợ.
Hơn nữa, điện ảnh Malaysia và Singapore được trợ giúp thêm sức bật sau khi giành được nhiều giải thưởng khi Trung Quốc cấm điện ảnh nước này dự Giải thưởng Kim Mã của Đài Loan vào tháng 11.2019. Các nhà làm phim Hồng Kông cũng lạnh nhạt với giải này.

Nhà sản xuất phim người Tây Ban Nha Fran Borgia

Ảnh: SCMP

Phát triển bền vững phim nội địa
Khán giả Malaysia, Singapore hầu hết chuộng phim đến từ Hollywood, phớt lờ các bộ phim địa phương dù có nội dung tốt. Có nhiều nguyên nhân khiến các bộ phim nội địa Malaysia và Singapore không đủ thu hút khán giả.
Doanh thu phòng vé Malaysia lọt vào top 20 thế giới vào năm 2018, song các bộ phim hợp tác giữa Malaysia và Trung Quốc vẫn chưa tạo được dấu ấn, mặc dù có 7 triệu người gốc Hoa sinh sống tại Malaysia. Nội dung phim thường xoay quanh những câu chuyện lễ hội và kết thúc có hậu. Hầu như không có phim ma, cũng như ít phim về lịch sử do một số quy định kiểm duyệt.
Kiểm duyệt cũng là một vấn đề đối với ngành công nghiệp điện ảnh Singapore. Mới đây, cảnh hôn ngắn giữa hai phụ nữ trong phim Star Wars: The Rise of Skywalker bị cơ quan duyệt phim cắt khi chiếu rạp tại Singapore, vốn có luật pháp hạn chế với người đồng tính.

Wet Season (Mưa nhiệt đới) của đạo diễn Trần Triết Nghệ (phải) chiếm nhiều đề cử quan trọng ở giải Kim Mã 2019

Ảnh: The Straits Times

Các nhà làm phim Malaysia, Singapore gần đây gây được tiếng vang với các bộ phim như 'A still from Boluomi' (2019), 'A Land Imagined' (2018)

Ảnh: SCMP

Ngành công nghiệp điện ảnh Singapore còn non trẻ, bắt đầu muộn hơn nhiều so với Hồng Kông. Do đó, việc Hollywood thống trị màn ảnh “đảo quốc sư tử” là điều dễ hiểu. Đạo diễn người Singapore Trần Triết Nghệ (Anthony Chen) nói với tờ South China Morning Post rằng chính phủ nước này nên làm theo Hàn Quốc, hỗ trợ các sản phẩm trong nước nhằm tạo đà cho phim ảnh phát triển bền vững.
Trần Triết Nghệ đoạt giải Phim truyện đầu tay xuất sắc nhất với Ilo Ilo tại Liên hoan phim Cannes năm 2013. Khi đó, Ilo Ilo bị ban tổ chức giải nhầm là tác phẩm của điện ảnh Trung Quốc.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.