Diễn đàn 'Bình tĩnh trước dịch bệnh': Khi quê hương không chỉ là nỗi nhớ

17/03/2020 08:22 GMT+7

Họ tin chắc, khi về được tới Việt Nam, họ sẽ được cách ly, xét nghiệm và thăm khám, điều trị chu đáo. Thật đáng tự hào sự bền bỉ, kiên quyết, tận tình, tận lực mà hiệu quả của công tác phòng, chống dịch tại quê nhà.

Về nước để an toàn
Ban đầu là từ Vũ Hán (Trung Quốc), rồi dần sang Hàn Quốc, Nhật Bản, và hiện tại là từ các nước Âu - Mỹ giàu có, văn minh. Ban đầu là những du học sinh được nghỉ học do trường đóng cửa, công nhân diện xuất khẩu lao động mất việc do nhà máy ngưng vận hành… ở những tâm dịch châu Á, và giờ thì cả những người khá giả đang học tập hay có công việc và cuộc sống ổn định ở châu Âu.
Hình ảnh những đứa trẻ còn ẵm ngửa phải rời xa cha mẹ lên máy bay Vietnam Airlines để về nơi nguyên quán, hay một gia đình giàu có chấp nhận chi số tiền lớn thuê chuyên cơ đưa con gái từ Anh về Việt Nam để xét nghiệm và điều trị Covid-19, một nữ sinh khác đành giấu các triệu chứng giống nhiễm bệnh để có thể lên được máy bay rời Anh về Việt Nam… khiến chúng ta xúc động trong cảm giác tự hào xen lẫn niềm băn khoăn khó hiểu. Tự hào bởi thấy Việt Nam được tin tưởng trong cuộc đối đầu với dịch Covid-19; băn khoăn khó hiểu bởi lẽ nào… nền y tế châu Âu?

Xác định 7 chuyến bay có bệnh nhân nhiễm Covid-19

Hai cô gái rời khỏi Anh nói trên đã kể cho chúng ta phần nào lý do họ phải về Việt Nam bằng mọi giá. Cả hai khi thấy trong người xuất hiện những triệu chứng ho, sốt, khó thở, hoặc biết mình có tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh thì đã đến các bệnh viện ở thủ đô London (Anh) để khám, nhưng có vẻ không được quan tâm đúng mức, không được xét nghiệm Covid-19, khiến bản thân họ và gia đình thấy bất an.
Họ tin chắc, khi về được tới Việt Nam, họ sẽ được cách ly, xét nghiệm và thăm khám, điều trị chu đáo nếu có bị nhiễm bệnh. Thật đáng tự hào sự bền bỉ, kiên quyết, tận tình, tận lực mà hiệu quả của công tác phòng, chống dịch tại quê nhà.

Lo lắng nhưng không hoảng sợ

Mấy ngày qua, câu chuyện “không được quan tâm đúng mức” cũng được rất nhiều người Việt ở Đức, Pháp, Thụy Sĩ… kể công khai trên mạng xã hội.
Cô gái trẻ T.V.K.P đang học ở Genève (Thụy Sĩ) ngày 9.3 đã chia sẻ câu chuyện của chính mình trên nhóm Facebook người Việt tại Thụy Sĩ như sau: Ngày 29.2, K.P gặp một người thân từ Pháp có dấu hiệu cảm sốt. Đến ngày 5.3, trong khi K.P thấy người khá mệt và hắt hơi chảy mũi, thì người thân bên Pháp cũng được xác nhận nhiễm Covid-19 và nhập viện, nên cô gọi bác sĩ riêng để đặt lịch khám.

Chống dịch Covid-19 thời 4.0 tại Trung Quốc: dùng mã QR để kiểm soát người nhiễm virus

Ngày 6.3, bác sĩ riêng trả lời do cô mới tiếp xúc bệnh nhân 5 - 6 ngày, vẫn còn quá sớm để làm xét nghiệm, nên đợi 14 ngày. Tuy nhiên, K.P phản đối do cô có làm việc với trẻ em, sợ bị nhiễm sẽ lây cho chúng, nên bác sĩ giới thiệu đến trung tâm lớn nhất ở Genève làm xét nghiệm.
“Đợi 4 tiếng vì trước mình có 5 người đang chờ. Mình được khử trùng tay và không được phép sờ vào bất cứ thứ gì, được phát khẩu trang và dẫn đến một cái lều cách ly bên ngoài. Lúc xét nghiệm, mình được đo huyết áp, thân nhiệt, nghe phổi, lấy mẫu thử vòm họng và mẫu thử mũi. Xét nghiệm xong mình đi thẳng về nhà với khẩu trang, từ đó không được phép ra ngoài đến khi có kết quả là 24 giờ. Ngày 7.3, 14 giờ, nhận kết quả: Xin lỗi bạn đã dương tính với Covid-19, chúng tôi sẽ gửi khẩu trang và nước rửa tay cho bạn. Bạn cách ly ở trong nhà và không được phép ra ngoài hay gặp gỡ ai. Mỗi ngày sẽ có người gọi điện hỏi thăm tình trạng sức khỏe”, K.P kể chi tiết trải nghiệm của mình.
Cô cũng cho biết, những ngày sau đó, “cơ thể đau nhức, đầu đau như có quả tạ đè, cơ thể như có gì đó hút hết sức lực khiến đau ngực khó thở, cổ họng khô và đau”, nhưng không có thuốc men gì. Bác sĩ riêng bảo nếu qua 9 ngày không có triệu chứng nặng thì coi như hết bệnh.

Bệnh nhân thứ 61 mắc COVID-19 là người Ninh Thuận về từ Malaysia

Chia sẻ của K.P đã gặp một số phản ứng bất bình khiến ngày 10.3 cô phải giải thích: “Mình không khuyên ai tự cách ly ở nhà và tự chữa khỏi không thuốc men. Đây là quyết định của bệnh viện và mình không có lựa chọn khác. Cách thức chống dịch của Thụy Sĩ là xem xét tình hình sức khỏe và tình trạng bệnh của mỗi người. Bệnh tình của mình không quá nặng, không ho, không sốt nên không phải nhập viện. Mình không dùng thuốc vì thực tế bác sĩ chỉ cho thuốc theo triệu chứng và không có thuốc trị vi rút. Mình bị đau nhức cơ thể nên họ khuyên dùng Dolipraine để giảm đau”.
Rất may, trong những ngày cách ly đau nhức tại nhà với tình trạng không quá nặng, cô gái trẻ khỏe và đầy nghị lực đã vượt qua bằng sức đề kháng và tinh thần lạc quan tuyệt vời. Mẫu xét nghiệm ngày 9.3 cho kết quả âm tính và cô đã đi làm bình thường trở lại từ hôm 12.3.
Covid-19, chủ đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay trên báo chí, mạng xã hội lẫn cuộc sống hằng ngày.
Nhằm để mọi người cùng chia sẻ những trải nghiệm cá nhân, bày tỏ suy nghĩ, ý kiến, hiến kế... một cách tích cực cho việc phòng chống dịch bệnh, cũng như kinh nghiệm tổ chức lại cuộc sống, kinh doanh, giảm bớt các thiệt hại, tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội, Thanh Niên mở chuyên mục “Bình tĩnh trước dịch bệnh” để đón nhận những cảm xúc, suy nghĩ của bạn đọc trong và ngoài nước.
Quan trọng hơn, qua đó lan tỏa năng lượng tích cực đến cộng đồng, động viên nhau cùng nhau vượt qua dịch bệnh. Bài, ảnh gửi cho diễn đàn qua email: bandocvietbtn@gmail.com
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.