Diễn đàn về an toàn thực phẩm: Biện pháp nào để cải thiện?

06/08/2005 20:52 GMT+7

Cùng với việc "nhận diện" cho đúng thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hiện nay, các đại biểu tham gia buổi tọa đàm "Thực trạng VSATTP và biện pháp quản lý" do báo Thanh Niên tổ chức sáng 5/8 đã tập trung hiến kế cho ngành y tế một số biện pháp kiểm soát tình hình.

Cái khó của ngành y tế

Bình tĩnh trước "áp lực" chĩa vào ngành y tế từ nhiều phía, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, Viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng (VSYTCC), khẳng định tất cả những bức xúc của đại biểu, ngành y tế đều đã biết cả. "Trong tay tôi đang cầm bản kế hoạch hành động quốc gia bảo đảm VSATTP từ 2006 đến 2010. Những ý kiến, những bức xúc, những điều quan tâm của quý vị, tôi nghĩ rằng Bộ Y tế, trong đó có các cơ quan tư vấn, và các bộ phối hợp trong ban biên soạn họ cũng đưa vào hết. Tức là họ cũng thấy được hết vấn đề" - bác sĩ Mai nói. Rồi ông đặt vấn đề với báo chí: "Tại sao vấn đề nước tương từ năm 2001, ở Việt Nam công bố rất nhiều thông tin nhưng lại không nóng bằng vụ Chin-su mới đưa gần đây?", và cho rằng tất cả nằm ở cách viết; theo ông, báo chí cứ la ầm lên làm dân hoảng loạn, bảo vệ sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu nhưng ổn định kinh tế-xã hội cũng không thua kém. Bác sĩ Mai cũng không đồng tình khi một đại biểu cho rằng giáo dục vấn đề VSATTP ở nước ta là con số 0, vì Bộ Y tế cũng đã có những chương trình giáo dục như vậy; đồng thời khẳng định VSATTP là vấn đề của toàn cầu, theo thống kê, hàng triệu người dân các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản... cũng bị ngộ độc thực phẩm; giải quyết vấn đề VSATTP phải đi từng bước.

GS-TS Võ Văn Sen lập tức phản ứng ngay: "Theo tôi cần hoan nghênh những bài báo vừa qua, vì đã đánh động được dư luận xã hội chú ý đến công việc này. Mà càng chú ý thì họ càng có ý thức tự bảo vệ. Tất cả những bài báo vừa qua tôi thấy không có gì sai cả. Nếu báo chí không nêu, người dân có biết được không?". Ông Nguyễn Minh Đồng cũng đặt vấn đề: "Anh Mai nói chúng tôi biết rồi, chúng tôi đang âm thầm làm... Nói như thế không được. Phải xã hội hóa vấn đề và thông tin cho người dân biết".

Không chỉ tranh luận về quan điểm thông tin, các đại biểu còn tranh luận với bác sĩ Mai khi ông cho rằng so với thập niên 60 thế kỷ 20 thì chúng ta đang có tiến bộ trong quản lý VSATTP. Ông Võ Văn Sen phản biện: "Anh so sánh trước đây thì phải xem lại trước đây GDP là bao nhiêu, giờ tăng lên bao nhiêu, rồi ngành anh tiến bộ như thế nào? Có theo kịp không? Lúc đó mới nói ta tăng hay không tăng, tốt hay không tốt. Nhưng tôi nói luôn, phải khẳng định chúng ta làm dở trong điều kiện của chúng ta". Ông Nguyễn Minh Đồng thì cho rằng: "Nói u, Mỹ cũng bị ngộ độc thực phẩm thì phải đưa ra tiêu chí của người ta. Ở Mỹ, một buổi bị tiêu chảy cũng là ngộ độc, ở Việt Nam có bị cả tuần cũng không ai thống kê...".

Bác sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã "làm dịu" lại không khí khi nhìn nhận: "Chúng tôi biết một mình ngành y tế không làm nổi, nhất là VSATTP đường phố, cơ sở thủ công, nhỏ lẻ. Những gì chúng ta đang biết chỉ là bề nổi. Cơ sở phát triển rất nhanh, nhưng rất nhiều nơi họ không đăng ký; rồi bếp ăn tập thể cũng thế... chúng ta cũng không làm được. Không phải chúng ta buông lỏng quản lý đâu, cũng quyết liệt lắm, nhưng làm còn hạn chế". Nguyên nhân hạn chế, bác sĩ Hải nhấn mạnh đến việc thiếu những quy định của pháp luật; ý thức của nhà sản xuất còn kém, nhiều cơ sở năm trước kiểm tra phạt, năm sau quay lại vẫn thế; ý thức của người dân thiếu hợp tác với cơ quan chức năng... "Tôi nghe rất nhiều người dân gọi điện thoại báo cơ sở này sản xuất nước mắm có urê, cơ sở kia vi phạm này nọ... nhưng bảo họ viết đơn để tôi có cớ đến xử thì họ không viết, sợ này nọ" - bác sĩ Hải bức xúc.

Nhưng bức xúc này bị cấp trên của ông Hải, bác sĩ Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế, phản ứng: "Anh Hải nói phải chờ người dân viết đơn lên rồi đi xử lý, tôi không đồng ý. Tôi cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại như thế và cho thanh tra đi tìm hiểu liền xem thực hư ra sao, không phải chờ họ viết đơn lên tố cáo". Bác sĩ Lê Trường Giang cũng thẳng thắn thừa nhận bộ máy quản lý về VSATTP hiện nay còn quá yếu: "Các đại biểu nói bộ máy của ta quá yếu về VSATTP, tôi là người trong cuộc, xin thưa đúng là quá yếu. Cả Sở Y tế có hai người chuyên trách, không đủ để làm công văn giấy tờ; 1 thanh tra cho 8 triệu dân, còn TTYTDP cũng chỉ có 7-8 người...". Nguyên do được viện dẫn là: "Pháp lệnh về VSATTP đề ra phải có thanh tra chuyên ngành, điều này rất đúng, nhưng đến nghị định của Chính phủ thì "quên" mất lực lượng này luôn. Chúng tôi không phải không la đâu, la nhiều lắm, nhưng muốn giải quyết những vấn đề như thế này thì xin thưa đến HĐND TP cũng chưa làm được". Nhưng điều bác sĩ Giang bức xúc hơn có lẽ là sự bất cập về tầm quan trọng của VSATTP trong nội bộ của ngành  y tế: "Quản lý VSATTP khó hơn, phức tạp hơn dược rất nhiều, nhưng Sở có Phòng Quản lý dược mà không có Phòng Quản lý thực phẩm. Năm 2003 tôi đề xuất và Chủ tịch UBND TP đã đồng ý đến tháng 11/2003 cho ra phòng này. Nhưng ngay trong Sở Y tế cũng có những ý kiến không đồng tình nên đến nay việc thành lập phòng này vẫn nằm trên giấy!".

Cơ sở sản xuất thực phẩm lớn cũng dùng tay bốc thực phẩm! Ảnh Thanh Tùng

Phân tích sâu thêm về thực trạng VSATTP, bác sĩ Lê Trường Giang nhấn mạnh nhiều đến cái khó trong các quy định. "Vụ gà chết, heo chết ở Q.Tân Bình không xử được. Ta bắt trong khi đang vận chuyển, đang để trong kho, còn luật quy định phải gây hậu quả nghiêm trọng mới xử hình sự. Vì vậy, chỉ xử phạt hành chính, đem tiêu hủy hết số thực phẩm đó. Sửa cái này ở đâu? Quốc hội. Ngay vụ nước tương, nếu lấy mẫu kiểm tra, kiểm nghiệm mà thấy hàm lượng trong đó cao hơn quy định của Bộ Y tế thì cũng huề thôi. Luật có cho xử gì đâu".

Nâng cao nhận thức là biện pháp hàng đầu

Bà Nguyễn Thị Phụng, Trưởng phòng Nghiệp vụ 3 Trung tâm 3, tái khẳng định khả năng kiểm nghiệm của Việt Nam không thua kém trình độ trên thế giới. Nhưng để quản lý VSATTP thì phải xây dựng biện pháp theo hướng phòng ngừa là chính, chứ không phải để khi xảy ra sự cố rồi mới lấy mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm, xử lý... "Các đại biểu nói ở Việt Nam có nhiều cơ quan tham gia quản lý VSATTP, tôi nghĩ các nước cũng vậy thôi. Nhưng kiểm soát được hay không là do tổ chức của chúng ta. Tôi nghĩ là đầu tiên phải có các quy định thật đầy đủ, rõ ràng..." - bà Phụng nêu giải pháp. Trong phát biểu của mình, GS Chu Phạm Ngọc Sơn cũng đã cảnh báo thực trạng quản lý VSATTP hiện nay vừa chặt chẽ, vừa lỏng lẻo: "Bộ nào cũng tham gia quản lý, công an, hải quan... cũng quản lý VSATTP. Nhưng khi xảy ra chuyện thì ai cũng bảo không phải trách nhiệm của mình". Vì vậy, ông Phạm Thế Long đề nghị "Có chính sách, quy định rõ ràng và trao quyền hạn cho một cơ quan nào đó".

Ông Nguyễn Minh Đồng nhấn mạnh biện pháp giáo dục và được tất cả các đại biểu đồng tình. "Giáo dục người dân không sử dụng, sản xuất thực phẩm không an toàn. Bởi vì nhân viên y tế không thể nào kiểm soát mọi lúc, mọi nơi, từng ngõ hẻm. Mà giáo dục cũng phải có chiến lược, thường xuyên và liên tục. Ở Việt Nam lâu lâu có một tuần lễ về vệ sinh, về môi trường... cái đó không mang lại gì nhiều cho xã hội cả. Các bạn có thấy nhiều du khách châu u qua mình có đôi đũa gắn ở ba lô? Vì, như ở Đức hay một số nước họ giáo dục người dân, khi qua Á châu hoặc Việt Nam nhớ mang theo đôi đũa, mà tốt nhất là đũa nhựa để cho nó dễ khô, không bám nhiều vi trùng..." - ông Đồng hiến kế. GS Chu Phạm Ngọc Sơn đề nghị trong giáo dục ý thức, đối với cơ sở sản xuất phải gắn quyền lợi với trách nhiệm của họ thì mới có hiệu quả; quy định nhà sản xuất phải cập nhật thông tin về VSATTP, có các hệ thống quản lý chất lượng làm nút chặn nhưng "đừng làm theo kiểu vung tiền ra để đạt được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng rồi bỏ đó làm bình phong cho việc tiếp tục làm ẩu".

Ở góc độ chuyên môn, bác sĩ Giang cho rằng quản lý VSATTP phải theo chuỗi thực phẩm, từ sản xuất đến tiêu dùng: "Ở TP.HCM, chúng tôi đã tiến hành biện pháp này và ngày mai (6/8) sẽ bắt đầu tiến hành thẩm định các cơ sở sản xuất trong chuỗi thực phẩm". Cũng theo bác sĩ Giang, tại TP.HCM đang rất quyết liệt với VSATTP, thông qua các động thái về đầu tư, hoàn thiện quy định quản lý... "Thành phố đã có quyết định dành 1,8 ha ở khu Nam để xây dựng một trung tâm xét nghiệm dự phòng, bao gồm cả dược phẩm, vi sinh... UBND TP cũng đã chỉ đạo Sở Y tế nghiên cứu thành lập lực lượng thanh tra chuyên ngành, dù trung ương chưa quyết định thành lập. Chúng tôi cố gắng để cuối năm có kết quả" - bác sĩ Giang hứa.

Kim Trí - Đức Trung - Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.